"Nông dân đang ở thời điểm cực kỳ khó khăn!"
Các Website khác - 24/11/2005

(VietNamNet) - Bão lũ, mất mùa, cúm gia cầm, giá cả leo thang... đang đẩy người nông dân vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Đại biểu Quốc hội mong muốn Chính phủ chia sẻ khó khăn này.

Không khí thảo luận ''nóng'' lên từng hồi tại Quốc hội sáng 24/11, thể hiện tâm tư nguyện vọng của cử tri nông dân, vốn chiếm tới 75% dân số.

''Ăn đèn, ngủ điện''

Soạn: AM 629124 gửi đến 996 để nhận ảnh này
ĐB HLuộc NTor (Đắk Lắk).

Cảm thông và thẳng thắn, ĐB Nguyễn Thị Thu Hoà (Thái Bình) đã thốt lên một câu: ''Chưa bao giờ người nông dân lại cùng cực như hiện nay! Phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, bão lũ, mất mùa, dịch cúm gia cầm, giá cả leo thang...''

Nhà nước cho vay tiền để sản xuất, nhưng theo bà Hoà, nhiều nông dân không biết đầu tư nên ''nợ luỹ kế năm này sang năm sau, không biết bao giờ hết nợ''.

ĐB Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quảng Ngãi) dẫn chứng sinh động: ''Người dân trồng một sào lúa, đầu tư, chăm sóc ra hạt lúa chỉ lãi... 37.000 đồng. Nhưng kéo điện, mỗi hộ có khi phải nộp 1,5-2 triệu đồng''.

Đại biểu của tỉnh miền núi Đắk Lắk, ĐB HLuộc NTor kể chuyện ''thật như bịa'': Điện phập phù nên người dân chịu cảnh ''ăn đèn, ngủ điện'', ăn tối phải dùng đèn dầu, khi đi ngủ mới có điện.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoà mong muốn Chính phủ lập lập quỹ bảo hiểm sản xuất và miễn tiền thuỷ lợi phí cho nông dân. Còn ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) đề đạt: ''Chính phủ cần thận trọng khi xem xét tăng giá điện, nước... trong hoàn cảnh này''.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo ĐB Đặng Văn Xướng, chính sách của nhà nước phải dẫn đường, chỉ lối cho nông dân ''trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp với thị trường'', đồng thời tăng năng lực chế biến, tạo đầu ra cho nông sản.

Những chương trình ''tai tiếng'' trong nông nghiệp...

Đa số đại biểu nhất trí tăng đầu tư cho nông nghiệp từ 17% hiện nay lên 25-30% tổng vốn đầu tư ngân sách. Nhưng đại biểu cũng rất bức xúc trước việc quy  hoạch, sử dụng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn... Đặc biệt, đầu tư cho thuỷ lợi dàn trải, nhiều công trình dở dang kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, nợ đọng.

ĐB Bùi Thị Trung Hoà nhắc đến một số chương trình ''tai tiếng'' như mía đường, đánh bắt xa bờ, xây nhà máy chế biến nông sản bỏ không... Hậu quả đến nay vẫn chưa giải quyết được, chưa được công khai xử lý và làm rõ trách nhiệm.

''Xây nhà máy đường nhưng không gắn với vùng nguyên liệu nên nhà máy đóng cửa, nông dân chặt, đốt cây mía1 Tiền xây nhà máy đóng cửa để hỗ trợ cho nông dân tốt hơn!', ĐB Nguyễn Thị Ánh Tuyết gay gắt.

ĐB HLuộc NTor bộc bạch: ''Nhà máy bắt tay với tư nhân ép giá nên người nông dân chán, không trồng mía nữa''.

Về bảo vệ rừng, ĐB Nguyễn Thị Ánh Tuyết nghi ngờ về thành tích rừng bị chặt phá giảm vì theo bà, ''rừng còn ít lấy đâu mà phá nhiều''. Bà cảnh báo hiện tượng ''dân phá rừng tự nhiên, trồng rừng kinh tế'' và ''tiền khoanh nuôi rừng 50 nghìn tháng/ha, làm sao sống được?''.

''Lâu dài phải có cơ chế như khoán 10 để người dân trồng rừng sống được, làm giàu từ rừng'', ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) kiến nghị.

Chiều nay, Quốc hội sẽ chất vấn trực tiếp tại Hội trường (được truyền hình trực tiếp cho cử tri cả nước theo dõi).

  • Văn Tiến