Nông dân mất đất thi nhau học nghề
Các Website khác - 19/12/2005

Tạm xa ruộng lúa, chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Đông, xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội) hăm hở dự lớp học nấu ăn do thành phố tổ chức cho nông dân mất đất. Bỏ ra 5 tháng và 200 nghìn đồng học phí, chị hy vọng sẽ xin được vào một bếp ăn tập thể để có thêm khoản thu nhập nuôi 3 con đang ăn học.

Ngày 16/12, khi lớp học khai giảng tại hội trường UBND xã Kim Nỗ, chị Thủy đến sớm nhất. Không túi xách như mấy thanh niên vừa rời ghế nhà trường, chị chỉ mang theo cây bút và một quyển vở mới mua. Chị cho biết, cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông vào 5 sào ruộng lúa và công việc phụ hồ của chồng chị. Nhưng mới đây, gia đình buộc "chia tay" 1 sào để thực hiện dự án đường 5 kéo dài.

"Làm 5 sào lúa, cố gắng lắm mới đủ rau cháo, nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học. Bây giờ lấy mất 1 sào sẽ càng khó khăn. Thấy xã tổ chức dạy nghề nấu ăn, có cấp chứng chỉ hẳn hoi, tôi đăng ký đi học ngay. Hy vọng có nghề rồi thì sẽ xin vào một bếp ăn tập thể nào đó, chứ trình độ lớp 8 như mình khó xin việc lắm", người phụ nữ mới 35, nhưng trông già như 45 tuổi vì bao nhiêu năm lam lũ, tâm sự.

Lớp nấu ăn tổ chức tại thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Ảnh: N.T.

Hoàng Ngọc Hào cũng rất hào hứng dự lớp dạy nghề sửa xe máy tổ chức tại thôn Đông, xã Kim Nỗ. 2 năm nay, học xong phổ thông, cổng trường đại học lại cao quá, cậu suốt ngày đàn đúm với bạn bè vì 5 sào ruộng của gia đình giờ đã thuộc dự án làm đường 5 kéo dài và một vài dự án khác. "Làm ruộng thì không có đất, xin đi làm thì không có nghề. Bây giờ có người đến hẳn thôn dạy nghề sửa chữa xe máy thì phải đi học chứ", Hào giải thích.

Lớp dạy nghề nấu ăn và sửa chữa xe máy tổ chức tại xã Kim Nỗ nằm trong chương trình thí điểm đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 5 huyện ngoại thành Hà Nội, được triển khai 2 năm 2005-2006 với kinh phí 1,4 tỷ đồng. Theo đó, sẽ tổ chức 30 lớp dạy nghề, nông dân đi học được hỗ trợ 300.000 đồng một tháng, tối đa 1,5 triệu đồng một người. Họ chỉ phải đóng góp 40.000 đồng một tháng.

Trong năm 2005, sẽ có 7 lớp dạy nghề tại Thanh Trì, Đông Anh và Từ Liêm. Kim Nỗ được ưu tiên chọn thí điểm với 3 lớp nghề bởi bị mất nhiều đất nhất. Theo Chủ tịch UBND xã Kim Nỗ Lê Khả Bắc, các dự án sân golf, làm hồ điều hòa, đường 5 kéo dài... đã khiến 1.000 trên tổng số 2.600 hộ dân của xã bị mất đất. Trung bình cứ 1 hộ dân mất đất thì ít nhất 2 lao động bị thất nghiệp. Ngoài một số có tuổi, có vốn liếng chuyển sang buôn bán, còn lại lâm vào cảnh thất nghiệp. Đây là lý do khiến số người đăng ký học nghề cao hơn dự kiến. Xã dự định chỉ mở 3 lớp nấu ăn, may công nghiệp, sửa chữa xe máy, mỗi lớp 30 người, nhưng học viên đăng ký lên tới 170.

Theo quy hoạch tổng mặt bằng Hà Nội và kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2000 đến 2010, Hà Nội phải chuyển đổi mục đích sử dụng 10.906 ha đất nông nghiệp. Dự kiến 150.000 lao động nông nghiệp sẽ bị mất việc làm hoặc thiếu việc làm. Trong đó, năm 2000 đến 2004, đã có gần 5.500 ha đất bị chuyển đổi với số lao động bị mất hoặc bị thiếu việc làm là 80.000 người.

Việc mở lớp dạy nghề ngay tại thôn xã cho nông dân mất đất đang được Hà Nội tập trung thực hiện nhằm giải quyết mâu thuẫn: nông dân ngay tại xã thì thất nghiệp, trong khi các dự án, khu công nghiệp triển khai trên đất của xã lại thiếu nhân công. Bà con nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề (25.000 đồng một m2 đất nông nghiệp) đã không đi học nghề mà dành tu sửa nhà cửa, mua sắm vật dụng gia đình. Vì thế làng xã vùng chuyển đổi rất đẹp, nhiều nhà xây mới, nhưng nhiều lao động thì thất nghiệp.

Bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, cho biết, sắp tới thành phố sẽ thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo nghề trên cơ sở dành một tỷ lệ thích hợp kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng cùng với sự đóng góp của các dự án và doanh nghiệp sử dụng đất. Dự kiến, nông dân mất đất trong độ tuổi lao động sẽ được cấp thẻ ưu đãi học nghề, thay cho phương thức hỗ trợ bằng tiền 25.000 đồng/m2 đất như hiện nay.

Như Trang

Theo dòng sự kiện:
Nông dân mất đất, thất nghiệp do đô thị hoá (02/07)
Sắp có quỹ hỗ trợ dạy nghề cho nông dân mất đất sản xuất (06/07/2004)
Trăn trở tìm lối ra cho nông dân mất đất sản xuất (03/07/2004)
Bộ trưởng Mai Ái Trực thừa nhận yếu kém trong quản lý đất (10/06/2004)
Quốc hội bức xúc trước tình trạng nông dân mất đất (13/05/2004)
Xem tiếp»