Sự nguy hiểm của dioxin vẫn còn tồn tại ở Việt Nam
Các Website khác - 24/11/2005
Giáo sư
Giáo sư Pierre Vermeulin.

Chiều nay, Hội nạn nhân chất da cam Việt Nam đã thỏa thuận với Giáo sư người Pháp Pierre Vermeulin về việc hỗ trợ 2 dự án khôi phục sinh thái các vùng bị rải hóa chất trong chiến tranh và xây dựng hai trung tâm thí nghiệm phân tích dioxin tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Theo ông Vermeulin, việc xây dựng trung tâm phân tích dioxin tiêu chuẩn quốc tế là rất cần thiết. Bởi hiện nay, Việt Nam trong bối cảnh phải tranh luận trên trường quốc tế về tác hại của chất độc này, yêu cầu có những nghiên cứu khoa học, những kết quả phân tích được quốc tế công nhận. Trong khi đó, nếu đem một mẫu đi phân tích tại các nước khác sẽ phải mất hơn 1.000 USD, vượt quá khả năng tài chính của Việt Nam. Qua khảo sát, giáo sư thấy, Trung tâm phân tích dịch vụ và thực nghiệm tại TP HCM và phòng thí nghiệm của Viện Hóa học Việt Nam có khả năng đạt tiêu chuẩn nếu được đầu tư về tài chính và hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật.

Giáo sư và Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất da cam Trần Xuân Thu ký kết biên bản ghi nhớ.
Giáo sư Vermeulin và Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất da cam Trần Xuân Thu ký kết biên bản ghi nhớ.

Về vấn đề sinh thái, giáo sư cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều vùng nóng bị ô nhiễm dioxin như các sân bay, khu căn cứ quân sự mà trước đây là nơi quân đội Mỹ tập kết chất da cam. Ngoài ra, những nơi máy bay chở chất diệt cỏ bị tai nạn, một số vùng dioxin đã thấm sâu trong đất hữu cơ, rất khó xác định và phân tích. Hàm lượng dioxin ở các vùng này rất cao dẫn đến khả năng phơi nhiễm cao. "Có thể nói sự nguy hiểm của dioxin vẫn tồn tại ở Việt Nam và sẽ còn kéo dài", ông Pierre Vermeulin nói.

Giáo sư Vermeulin cho biết, thực tế chất diệt cỏ đã được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và các nước châu Âu. Tuy nhiên, chất diệt cỏ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam lại có chứa những thành phần không được "tinh khiết", trong đó có chất dioxin, loại tập chất có hàm lượng nhỏ nhưng độc nhất. Dioxin không làm rụng lá nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái. Chỉ cần một hàm lượng cực kỳ nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm đến môi trường và sức khỏe con người. Trong khi đó, theo tính toán đã có khoảng 300 kg chất độc này được rải tại Việt Nam điều này theo giá o sư đó là một tội ác. Bởi chất diệt cỏ hủy hoại môi trường, phá hủy cây cối cũng có nghĩa là những cây nông nghiệp cũng bị hủy diệt. Và khi đó, người dân thường không chỉ bị đói kéo dài mà còn chịu sự nhiễm độc. Một luật sư người Pháp tên Monich cũng có cùng quan điều này.

Giáo sư Vermeulin nói: "Mỹ phủ nhận chất diệt cỏ là chất độc. Cũng không chấp nhận sự bồi thường. Vụ kiện dioxin thực sự là một cuộc chiến. Để có thể giành được sự ưu thế, Việt Nam cần tăng cường các nghiên cứu về dịch tễ, chứng minh chất da cam có dioxin gây dị tật. Việt Nam cũng nên công bố rôngj rãi nghiên cứu của mình về vấn đề này để thế giới biết rõ thực trạng tại Việt Nam, từ đó sẽ có được sự đồng cảm và ủng hộ.

Hội nạn nhân chất da cam Việt Nam cho biết, ngày 2/12, tại thành phố Marseille sẽ có một hội nghị về chất độc da cam. Tháng 3/2006, bà Nguyễn Thị Bình sẽ dẫn đầu một đoàn các nạn nhân chất da cam Việt Nam sẽ sang 4 nước Tây Âu 2 tuần để vận động sự ủng hộ của dư luận và các tổ chức quốc tế.

Trịnh Vũ