Thành tựu chăm lo phát triển nguồn lực con người
Các Website khác - 30/11/2005
Nhìn lại chặng đường 20 năm đổi mới đã qua chúng ta có thể rút ra một số bài học về y tế Việt Nam, nổi bật là kiên trì đường lối phát triển y tế xã hội chủ nghĩa, kết hợp với đổi mới một số nhận thức và quan điểm cho phù hợp với tình hình mới.
Ðiểm xuyên suốt và nhất quán trong các quan điểm về chăm sóc sức khỏe của Ðảng ta là xác định đúng vai trò quan trọng của sức khỏe và công tác chăm sóc sức khỏe. Xuất phát từ quan niệm con người là vốn quý quan trọng nhất trong sự nghiệp CNH, HÐH chúng ta luôn nhấn mạnh sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người và toàn xã hội. Nhấn mạnh quan điểm này là để các cấp lãnh đạo của đảng và chính quyền luôn coi trọng chăm sóc sức khỏe trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước và của mỗi địa phương.

Khi nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới là tập trung cho tăng trưởng kinh tế, rất dễ xuất hiện tư tưởng coi nhẹ vai trò của sức khỏe, coi sức khỏe là "của trời cho", chỉ biết sử dụng sức khỏe để làm kinh tế mà quên mất đầu tư cho việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Ðiều này cần được nhận thức đầy đủ không chỉ ở các nhà lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Chính vì vậy chúng ta khẳng định đầu tư chăm sóc sức khỏe là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động y tế là một trong những chính sách được ưu tiên hàng đầu và thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN.

Ðiểm nổi bật thứ hai về quan điểm là khi bước vào đổi mới, sự phân hóa giàu nghèo bắt đầu xuất hiện, Ðảng sớm khẳng định tính chất công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Ðiều này thể hiện rõ nhất ở chỗ chúng ta phấn đấu xây dựng một nền y tế cho mọi người dân, không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số; không phân biệt sống ở nông thôn hay thành thị, miền xuôi hay miền núi; đều được chăm sóc sức khỏe, kể cả phòng bệnh lẫn thuốc men chữa bệnh và phục hồi chức năng.

Mặc dù khi chúng ta thực hiện quản lý kinh tế theo cơ chế thị trường, xã hội có sự phân hóa giàu nghèo do mặt trái của cơ chế thị trường mang lại, nhưng nền y tế Việt Nam vẫn phải kiên trì theo đuổi định hướng này. Chúng ta luôn khẳng định tính chất nhân đạo của chăm sóc sức khỏe. Ðề cao tính chất nhân đạo của y tế, đồng nghĩa với việc không bao giờ gắn y tế với mục đích thương mại như những ngành kinh tế hoặc một số ngành khác. Nghị quyết 46/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị ngày 23-2-2005 đã chỉ rõ: "Ðổi mới hệ thống y tế theo hướng: công bằng hiệu quả và phát triển nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho mọi người dân được bảo vệ và nâng cao sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước. Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân, nhằm từng bước đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em, người già, công bằng trong đãi ngộ với cán bộ y tế".

Ðiểm đổi mới thứ ba về quan điểm là vấn đề xã hội hóa và đa dạng hóa ngành y tế Việt Nam. Năm 1993 Nghị quyết 04/NQ-T.Ư đã đề ra chủ trương "xã hội hóa y tế" và chỉ rõ: "Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của cộng đồng và mỗi người dân, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng và chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt".

Thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế, trong những năm qua chúng ta thấy đã có những thành tích nổi bật:

Ngoài y tế công lập tiếp tục được bổ sung và tăng cường, chúng ta đã có nhiều cơ sở y tế tư nhân xuất hiện với các hình thức khác nhau.

Tuy vậy, việc xã hội hóa y tế vẫn còn nhiều bất cập. Ðứng trước nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một tăng mà khả năng đáp ứng có hạn. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa là một yêu cầu khách quan. Nghị quyết 46/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị "về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới" đã nêu rõ quan điểm "Xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe gắn với tăng cường đầu tư của nhà nước, thực hiện tốt việc trợ giúp cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế giữ vai trò nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ chăm sóc và nâng cao sức khỏe".

Thông qua hoạt động thực hiện chủ trương xã hội hóa, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

- Cần phải xác định và hiểu đúng chủ trương xã hội hóa, không được hiểu khái niệm này một cách phiến diện hay cực đoan. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể, một mặt, phát huy sự năng động và tích cực của mọi thành viên trong xã hội vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, mặt khác mới tránh được những khuynh hướng sai lầm trong việc "thương mại hóa" nền y tế.

- Cần nắm vững mục tiêu ưu tiên của xã hội hóa y tế: Trong giai đoạn hiện nay xã hội hóa y tế phải nhằm vào mục tiêu chính là phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người có công với nước, người thuộc diện chính sách và người thuộc diện khó khăn về mặt sức khỏe.

Bên cạnh việc vạch ra những quan điểm khẳng định bản chất chính trị của nền y tế của nhân dân, chúng ta cũng tiếp tục khẳng định những quan điểm mang tính học thuật chủ yếu của y học và y tế Việt Nam. Ðó là: coi trọng công tác phòng bệnh, kết hợp chặt chẽ giữa phòng bệnh một cách tích cực và chủ động với điều trị một cách chất lượng và toàn diện. Ðể khắc phục những mặt trái do cơ chế thị trường và đề phòng khuynh hướng đơn thuần chạy theo lợi nhuận do khám, chữa bệnh mang lại, dẫn đến coi nhẹ y tế dự phòng, công tác y tế dự phòng lại càng phải được nhấn mạnh và coi trọng. Nghị quyết 37/NQ-CP đã chỉ rõ: "Dự phòng tích cực và chủ động là quan điểm xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển nền y tế Việt Nam". Gần đây Nghị quyết 46/NQ-T.Ư đã nhấn mạnh việc "thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn diện, tức là gắn chặt phòng bệnh với chữa bệnh, phục hồi chức năng và tập luyện thể dục thể thao". Ngoài ra, việc gắn kết hợp Ðông y và Tây y đã được tiếp tục phát triển trên tất cả các mặt: thừa kế, nghiên cứu lý luận, ứng dụng và nuôi trồng dược liệu nhằm mục đích xây dựng một nền y học Việt Nam theo phương châm "khoa học, dân tộc và đại chúng".

Tiếp tục coi trọng y tế cơ sở đồng thời từng bước hoàn thiện mạng lưới y tế. Mặt trận y tế nông thôn ngày nay luôn được coi là xương sống của y tế. Tuy chưa phân định rõ rệt về cơ cấu y tế cơ sở, nhưng theo tinh thần Chỉ thị 06/CT-T.Ư của Ban Bí thư T.Ư Ðảng khóa IX, chúng ta hiểu y tế cơ sở gồm y tế tuyến thôn ấp, tuyến xã và tuyến huyện. Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp đổi mới, y tế nông thôn rơi vào khủng hoảng do các hợp tác xã nông nghiệp - chỗ dựa chính của các trạm y tế xã - bị tan rã. Nhưng chúng ta đã kịp thời đưa ra chủ trương phục hồi y tế cơ sở. Quyết định số 58/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3-2-1994 đã quy định "Một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở" đã được nhiều người ví như "một trận mưa rào cho vùng nắng hạn lâu ngày". Chỉ thị 06/CT-T.Ư của Ban Bí thư Trung ương Ðảng khóa VIII ban hành ngày 20-1-2002 đã chỉ rõ: "Mạng lưới y tế cơ sở (gồm y tế thôn bản, xã, phường, quận, huyện) là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, đảm bảo cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân với chế độ xã hội chủ nghĩa". Nhờ những quyết sách kịp thời này, trong những năm qua những tuyến y tế cơ sở trong cả nước đều được tăng cường cán bộ, cơ sở hạ tầng cả về số lượng lẫn chất lượng. Với sự có mặt của bác sĩ tại hơn 60% số xã trong toàn quốc, ngành y tế là ngành đầu tiên đã đưa cán bộ có trình độ đại học về nông thôn, mở đầu cho bước chuyển biến mới về chất của cán bộ ở các xã ở nông thôn. Việc phát triển mạnh mẽ y tế xã và y tế thôn bản kết hợp với việc hình thành mô hình Trung tâm y tế huyện ra đời trong những năm cuối của thập kỷ 80 và triển khai rộng rãi trong toàn quốc theo Nghị định 01/NÐ-CP (ban hành ngày 1-1-1998) trong thập kỷ 90 và những năm đầu của thập kỷ đầu tiên thế kỷ 21 là một thể hiện sinh động về thực hiện chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu hay y tế phổ cập. Hiện nay phong trào "xây dựng y tế xã đạt chuẩn quốc gia" đã trở thành một phong trào sâu rộng trong y tế cơ sở của cả nước. Chúng ta cần tiến hành sơ kết và tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động này thành một hoạt động quan trọng và thường xuyên của tuyến y tế cơ sở như Chỉ thị 06/CT-T.Ư của Ban Bí thư T.Ư khóa IX đã chỉ ra. Bên cạnh y tế cơ sở, chúng ta đã chú trọng phát triển hệ thống y tế chuyên sâu từ tuyến tỉnh trở lên. Tất cả các tỉnh đều đã có bệnh viện đa khoa trung tâm, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm phòng chống các bệnh xã hội, trung tâm chăm sóc bà mẹ trẻ em, trung tâm giáo dục truyền thông, trung tâm phòng chống sốt rét (ở những tỉnh mà 40% nhân dân sống trong vùng sốt rét lưu hành)... Với cơ sở và trang thiết bị ngày một tốt hơn. Một số tỉnh còn có các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đông y, bệnh viện khu vực góp phần tạo ra một mạng lưới y tế đồng bộ tại tất cả các địa phương trong cả nước.

Ðẩy mạnh đào tạo nhân lực y tế, đề cao khoa học và công nghệ: Ðể phát triển hệ thống y tế đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn mới, ngay từ ngày đầu của thời kỳ đổi mới chúng ta đã quan tâm đến phát triển nhân lực y tế thông qua đào tạo đồng bộ các loại hình cán bộ y tế. Trước hết là phát triển hệ thống nhà trường: bao gồm mỗi tỉnh có một trường trung học y tế (hiện nay một số trường này đã trở thành cao đẳng y tế), các trường đại học y và dược. Hệ thống chức danh y tế cũng được hoàn thiện theo xu thế mới của y tế thế giới nhưng cũng phù hợp từng vùng và miền của nước ta (chỉ tiếp tục đào tạo y sĩ cho các tỉnh miền núi; mở thêm đào tạo bác sĩ cơ sở cho tuyến xã; phát triển hệ dài hạn và thu hẹp dần hệ chuyên tu, hàm thụ; mở rộng hệ thống đào tạo bác sĩ cử tuyển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đào tạo điều dưỡng, nữ hộ sinh trung học, y tá thôn bản...). Chủ trương đưa bác sĩ về công tác ở tuyến xã đã làm chuyển hướng mạnh mẽ việc đào tạo bác sĩ theo hướng cộng đồng. Chính nhờ sự đổi mới chính sách đào tạo mà ngày nay chúng ta có thể cung cấp tương đối đủ nhân lực y tế cho tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện và tuyến xã. Vào thời kỳ những năm 80 của thế kỷ 20, mỗi huyện chỉ có hai, ba bác sĩ, nhiều huyện miền núi không có bác sĩ thì nay đa số các huyện đều có 10 bác sĩ trở lên (một số huyện có cả bác sĩ đã tốt nghiệp sau đại học), hơn 60% số xã đã có bác sĩ, hơn 80% số xã đã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung học, hơn 80% số thôn, bản có nhân viên hoặc y tá được đào tạo. Việc đào tạo sau đại học đã được đẩy mạnh với tất cả các loại hình đào tạo. Việc đưa các lớp chuyên khoa cấp I về địa phương có đủ điều kiện đào tạo đã vừa giúp cho học viên tại địa phương có điều kiện theo học để nâng tỷ lệ bác sĩ được đào tạo chuyên khoa của tuyến tỉnh, vừa tạo điều kiện chấn chỉnh các sai phạm về kỹ thuật của tuyến dưới thông qua hình thức "cầm tay chỉ việc" của đội ngũ giáo viên do các trường đại học cử về. Ðội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ ngày càng tăng về số lượng và chất lượng so với những năm trước đổi mới. Trong 20 năm đổi mới, khoảng cách giữa nền y học nước ta với các nước tiên tiến trong khu vực đã dần dần được thu hẹp: Ba trung tâm y tế chuyên sâu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Huế đã trở thành những chỗ dựa về kỹ thuật và đào tạo cán bộ chuyên khoa cho các tuyến dưới. Những kỹ thuật mổ tim hở, nong mạch vành, ghép thận, mổ u não bằng "dao gamma"... đã không còn xa lạ đối với việc khám chữa bệnh. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị đã được đưa vào thực tiễn hoạt động của ngành, đạt kết quả cao và đã được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc giải thưởng Nhà nước như "cụm công trình chiết xuất artemesinin từ thanh hao hoa vàng để chữa sốt rét", "cụm công trình nghiên cứu ghép tạng để áp dụng vào Việt Nam"... Thành công của việc khống chế dịch SARS đầu năm 2003 đã làm tăng uy tín của nền y học nước nhà trên trường quốc tế.

Ðổi mới cơ chế đầu tư cho y tế: Bên cạnh việc Nhà nước tăng đầu tư cho y tế qua ngân sách từng năm, bảo hiểm y tế đã hình thành và từng bước được mở rộng diện bao phủ; giải pháp viện phí tuy là một "giải pháp tình thế" nhưng đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn cho việc chi tiêu phục vụ các dịch vụ y tế, nhất là hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện. Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo sớm được quan tâm cụ thể thông qua tạo nguồn kinh phí cho hoạt động này. Thu phí phải đi kèm miễn phí (tức là thu viện phí ở người có khả năng chi trả cho việc khám chữa bệnh theo yêu cầu để có thêm điều kiện hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo). Nhiều loại quỹ dành cho việc khám, chữa bệnh của người nghèo, các hoạt động nhân đạo từ thiện hình thành và phát triển cùng với nhiều chủ trương chính sách cụ thể của Nhà nước đã thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" trong việc chia sẻ của cộng đồng đối với những người bệnh thuộc diện khó khăn về kinh tế, người bệnh ở vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống... Bên cạnh đó, chúng ta đã chủ động vay vốn của các quỹ tiền tệ quốc tế (Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á...) và một số chính phủ các nước, kết hợp với vận động viện trợ của chính phủ các nước và các tổ chức NGO quốc tế, số lượng ngân sách dành cho y tế ngày một tăng. Trong phân bổ ngân sách bên cạnh việc tính ngân sách theo đầu dân, Nhà nước đã đặt ra hệ số ưu tiên cho đồng bào sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh việc phân bổ tài chính theo lãnh thổ, Nhà nước còn đề ra các chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ Y tế trực tiếp quản lý (như chương trình phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống phong, phòng chống bướu cổ, phòng chống suy dinh dưỡng...) để tập trung nguồn lực cho một số công tác trọng điểm và vùng trọng điểm. Nhờ đổi mới trong đầu tư cho y tế, các cơ sở y tế đã dần dần được trang bị tốt hơn cả về cơ sở hạ tầng lẫn trang thiết bị và đào tạo cán bộ. Nhiều công nghệ cao đã được thực hiện chẳng những ở các thành phố lớn mà bước đầu ngay tại một số bệnh viện đa khoa trung tâm của một số tỉnh như chẩn đoán hình ảnh, sinh hóa - huyết học tự động, mổ nội soi, mổ sọ não...

Ðẩy mạnh sản xuất, phân phối cung cấp thuốc. Trước khi bước vào đổi mới, nước ta trong tình cảnh khan hiếm thuốc nghiêm trọng. Thuốc giả và thuốc kém chất lượng tràn lan. Khi đổi mới, một chủ trương quan trọng của Ðảng và Nhà nước là ban hành chính sách quốc gia về thuốc với hai mục tiêu: Bảo đảm cung ứng thường xuyên và đủ thuốc có chất lượng đến người dân.

Bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả...

Với chủ trương này dần dần ngành công nghiệp dược trong nước và một mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đã được hình thành và phát triển. Những chính sách mới trong sản xuất và kinh doanh thuốc lần lượt ra đời theo chủ trương này đã vừa làm cho thị trường thuốc dần dần ổn định và phát triển, vừa làm cho chất lượng thuốc ngày càng cao. Nhà nước có chính sách thuế khuyến khích sản xuất thuốc trong nước. Ngày nay chúng ta có 30% số xí nghiệp thuốc trong cả nước đạt tiêu chuẩn "thực hành sản xuất thuốc tốt" (GMP) của ASEAN và Tổ chức Y tế thế giới, sản xuất thuốc trong nước đã đủ cung cấp cho 40% nhu cầu thuốc thiết yếu và bước đầu có một số mặt hàng thuốc xuất khẩu. Công nghiệp dược luôn luôn đạt tỷ trọng phát triển cao so với các ngành công nghiệp khác. Ðã hình thành một mạng lưới phân phối thuốc, kể cả đến tận vùng sâu, vùng xa. Ngành y tế có trách nhiệm xây dựng và ban hành danh mục thuốc thiết yếu và Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá thuốc để mọi người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, miền núi đều được cung cấp đủ thuốc thiết yếu cho phòng bệnh và chữa bệnh. Công tác thanh tra và kiểm tra chất lượng thuốc được coi trọng và thường xuyên tiến hành trên mọi địa bàn, vì vậy đã góp phần ngăn chặn nạn thuốc giả và thuốc kém chất lượng. Gần đây chủ trương cổ phần hóa các xí nghiệp hóa - dược phẩm đã tạo ra sự chuyển biến tích cực mới trong sản xuất và lưu thông phân phối thuốc. Bên cạnh thuốc, việc sản xuất vắc-xin phòng bệnh cũng được quan tâm: năm trong sáu loại vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng đã được sản xuất trong nước, hiện nay chúng ta đã sản xuất thêm được nhiều loại vắc-xin mới đạt chất lượng cao (vắc-xin tả uống, vắc-xin viêm não Nhật Bản B, viêm gan B...). Coi trọng việc sản xuất trong nước, tự lực trong phân phối và lưu thông thuốc, vắc-xin và luôn đề cao chất lượng thuốc, vắc-xin là những bài học quý giá trong thời kỳ mở cửa và phát triển cơ chế thị trường của nền y tế nước nhà.

Chính nhờ những đổi mới như trên, phần lớn các chỉ tiêu tổng quát về sức khỏe của nhân dân ta đều vượt các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Ngày nay tuổi thọ bình quân của nước ta đã đạt 71,3 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 50% (năm 1990) xuống còn 34% (năm 2000) và 24% (năm 2005), tỷ lệ chết của trẻ em dưới 5 tuổi trong 1.000 trẻ được đẻ ra từ 81 phần nghìn (năm 1990) xuống còn 41 phần nghìn (năm 2000). Những thành tựu này đã góp một phần quan trọng trong việc nâng chỉ số HDI của nước ta từ mức dưới trung bình (0,498 năm 1991) lên mức trung bình (0,688 năm 2002) và xếp thứ 109/173 nước, trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ xếp thứ 128/173 nước. Năm 2004 với chỉ số 0,691, nước ta xếp thứ 112/177 nước được điều tra. Năm 2005, Việt Nam được lên 4 bậc, xếp thứ 108/177 nước được điều tra.

Nếu nhìn lại những năm khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, chúng ta mới thấy hết những cố gắng to lớn của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc vượt qua những thử thách để vừa giữ vững bản chất nhân đạo của một nền y tế, vừa khắc phục những khó khăn bất cập về chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế và tạo nguồn đầu tư cho y tế. Trước mắt, nền y tế Việt Nam vẫn còn nhiều thử thách và cam go một khi sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng, tệ nạn xã hội và tư tưởng chạy theo lợi nhuận có xu hướng gia tăng. Nhưng với sự quyết tâm của toàn Ðảng và toàn dân trong việc xây dựng một xã hội "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh", chúng ta tin tưởng rằng nền y tế Việt Nam sẽ giữ vững bản chất nhân đạo và góp phần một cách xứng đáng trong việc trực tiếp tạo ra nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

PHẠM MẠNH HÙNG
Phó Trưởng ban Khoa giáo T.Ư