![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến tại cuộc gặp gỡ báo giới sáng 28/3. Ảnh: P.H. |
"Việc xảy ra ở PMU 18 là rất lớn, liên quan các lãnh đạo Bộ. Tôi không phụ trách PMU 18 nhưng không hiểu sao làn sóng dư luận tập trung vào tôi. Bộ trưởng Bình trước hết phải cùng lãnh đạo Bộ chịu trách nhiệm. Nhưng tôi nghĩ ông đã đứng ngoài cuộc", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến trả lời báo chí như vậy sáng nay.
> Vụ tiêu cực PMU 18
- Xin ông cho biết lãnh đạo Bộ Giao thông nhận trách nhiệm thế nào tại cuộc họp kiểm điểm hôm qua?
- Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng và các thứ trưởng kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về công tác cán bộ, tài chính tài sản và quản lý ôtô của PMU 18 và một số công việc khác.
Tập thể lãnh đạo Bộ kiểm điểm nhận thấy trách nhiệm trong việc để xảy ra vụ việc, đặc biệt công tác quản lý là không phát hiện ra những biểu hiện dẫn đến sai phạm của Bùi Tiến Dũng. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, nếu mạnh dạn hơn trong đấu tranh tập thể Ban cán sự thì sẽ có điều kiện phát hiện ra mầm mống, biểu hiện tha hóa cán bộ sớm hơn.
- Liên quan đến Bùi Tiến Dũng, có dư luận cho rằng, chính ông là người đã nâng đỡ Dũng từ thời ông còn làm Tổng giám đốc PMU 18. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi cần phải nói rõ điều này, Bộ trưởng là người phụ trách về nhân sự. Năm 1998 là Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn ký quyết định bổ nhiệm, tới năm 2003 Bộ trưởng Đào Đình Bình ký bổ nhiệm lại. Việc bổ nhiệm không được thông qua Ban cán sự theo đúng nguyên tắc.
- Trường hợp Bùi Tiến Dũng là ngoại lệ hay bình thường trong bổ nhiệm tổng giám đốc của các Ban quản lý dự án?
- Tổng giám đốc các PMU khác cũng do Bộ trưởng bổ nhiệm. Về nguyên tắc, tất cả công tác tổ chức, cán bộ đều phải thông qua Ban cán sự. Theo quy định, thông qua không phải là lấy ý kiến mà bằng họp trao đổi tập thể. Riêng trường hợp Bùi Tiến Dũng có thông qua nhưng lại lấy ý kiến trực tiếp của từng người.
- Như vậy có thể hiểu là trước khi bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng đã có ý kiến trái chiều nên không họp tập thể. Ông có ý kiến gì về nhận định này?
- Trong số các ý kiến có một người ghi là không bình luận gì về trường hợp này. Có thể người này có nhiều phân vân nhưng không họp Ban cán sự nên không có điều kiện để trình bày. Cho nên quy định họp tập thể là rất quan trọng. Mọi người thẳng thắn trình bày. Một ý kiến có khi lại mang tính quyết định.
- Khi kiểm điểm về công tác cán bộ, Bộ đã nhìn nhận ra việc thiếu lắng nghe ý kiến tập thể khi bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng. Phần kiểm điểm đó đã có ai đứng ra nhận, thưa ông?
- Bộ trưởng không nhận là đã không lắng nghe, cho rằng quy trình làm như vậy là đúng thủ tục. Có ý kiến nêu ra và tôi cũng đồng tình là không riêng trường hợp này mà còn nhiều trường hợp khác Bộ chưa làm đúng quy định, chưa có trao đổi tập thể, rất nhiều trường hợp lấy ý kiến riêng.
- Nếu ở cương vị bộ trưởng, ông có ký bổ nhiệm Bùi Tiến Dũng?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận thế này, khi tôi làm tổng giám đốc PMU 18, Bùi Tiến Dũng là cán bộ dưới quyền. Tôi đánh giá anh ta là người năng động, hoàn thành các công việc được phân công và có tác phong hoạt bát, sôi nổi. Nói chung quan hệ quần chúng tốt. Những mặt hạn chế, tôi và tập thể cơ quan cũng xem xét uốn nắn, chỉ bảo.
Khi tôi lên bộ, Bùi Tiến Dũng mới được Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn giao quyền tổng giám đốc. Nếu tôi là bộ trưởng tôi cũng sẽ bổ nhiệm, nhưng theo đúng nguyên tắc.
- Ông nghĩ gì về thông tin rằng có một số công ty như Hoa Việt, Bắc Nam... là doanh nghiệp "sân sau" của Bùi Tiến Dũng và lãnh đạo Bộ?
- Tôi không bao giờ có doanh nghiệp sân sau. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vấn đề này. Có 2 công văn tôi ký theo đề nghị của các công ty tham gia đấu thầu, thi công. Lãnh đạo bộ phê chuyển xuống giải quyết chứ không bao giờ tôi có ý bút phê để làm ám hiệu cho cấp dưới thi hành.
- Gói thầu R1 của dự án quốc lộ 2 đoạn Đoan Hùng - Thanh Thủy do thứ trưởng khác phụ trách sao có văn bản có bút phê của ông?
- Dự án đó do Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức phụ trách. Nhưng thời gian đó anh Đức nghỉ việc gia đình nên Bộ phân công tôi phụ trách thay 2-3 tháng. Cục giám định trình lên việc điều chuyển một số đơn vị trong liên danh không hoàn thành khối lượng thi công cho đơn vị còn lại. Tôi không cảm thấy có dấu hiệu khuất tất, tiêu cực trong việc này.
- Theo quy định, các công văn đều phải qua văn thư chuyển tới, nhưng một số văn bản ông bút phê không có dấu văn thư. Như vậy có thể hiểu các đơn vị thi công này đã trực tiếp mang tới ông để được ký nháy?
- Năm 2005 Bộ mới có quy định tất cả phải qua văn thư, đóng dấu. Trước đó, các công văn đến lãnh đạo Bộ thường bằng 2 con đường. Hoặc qua hành chính văn thư hoặc các đơn vị trực tiếp đưa cho phòng tổng hợp, chuyển chuyên viên giúp sau đó trình thứ trưởng. Trường hợp văn bản tôi bút phê cho Hoa Việt cũng vậy.
- Thứ trưởng có biết rằng lúc đó, liên danh Hoa Việt chưa có giấy phép thành lập?
- Tôi nghĩ, trước khi chuyển tới cho tôi, cơ quan chức năng sẽ phải xem xét tính pháp lý của đơn vị tham gia thi công. Có thể cơ quan thành lập mới trên cơ sở nền móng của đơn vị trước. Các ban quản lý, trên là Cục giám định phải thẩm định tính pháp lý của nhà thầu trước khi cho tham dự thầu.
- Chỉ trong vòng 10 năm với 14 dự án được giao, PMU 18 nắm trong tay tới 29.000 tỷ đồng. Dư luận cho rằng, chính vì PMU 18 được ưu ái giao nhiều dự án nên Bùi Tiến Dũng mới có nhiều tiền để có thể vung cả triệu USD cá độ bóng đá. Ông lý giải thế nào về điều này?
- Thời gian đầu khi mới thành lập, năm 1993-1994, Bộ chỉ có 3 Ban quản lý là PMU 1, 18 và 5. Nên việc phân chia dự án phần lớn dồn cả cho Ban 1 và 18. Tính ra, mỗi ban quản lý 1.000-2.000 tỷ đồng vốn mỗi năm. Và người trực tiếp giao dự án và vốn là Bộ trưởng chứ không phải tôi.
- Vậy ông có vai trò như thế nào trong việc phân chia vốn dự án?
- Có dự án Bộ trưởng hỏi ý kiến thứ trưởng, có lúc quyết định trực tiếp. Mấy năm gần đây, Bộ trưởng trực tiếp phụ trách việc chuẩn bị đầu tư, ký giao cho Ban nào dự án thì ban đó thực hiện. Nhân đây tôi cũng xin nói rõ là tôi được bổ nhiệm thứ trưởng từ 1998 - thời anh Lê Ngọc Hoàn còn làm bộ trưởng. Cả 2 thời kỳ, nhiệm vụ tôi được phân công là giúp Bộ trưởng về công tác chiến lược quy hoạch. Công việc trọng tâm là chỉ đạo thực hiện các dự án ODA từ khâu chuẩn bị đến khi tổ chức thực hiện, đánh giá hiệu quả của dự án và một số công việc khác. Như thời kỳ Bộ trưởng Bình có phân công thêm các thứ trưởng theo dõi phụ trách một số đơn vị. Tôi không được phân phụ trách PMU 18.
- Liên quan đến vấn đề cho mượn xe công tại PMU 18, hôm qua, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định việc cho mượn xe tràn lan của PMU 18 "sờ sờ" ngay trước mắt thì không thể nói Bộ giao thông vận tải không biết. Ông bình luận gì về ý kiến của Phó thủ tướng?
- Đúng là việc này có trách nhiệm của lãnh đạo Bộ. Các vụ chuyên môn của Bộ đã buông lỏng quản lý trong vấn đề này. Trong tổng số 34 xe PMU 18 điều động và cho mượn có 6 xe cho các đơn vị ngoài mượn là sai hoàn toàn dù số xe này đã được thu hồi. Tôi thấy mình có trách nhiệm là từ công việc thực tế chưa đề xuất kịp thời với Bộ trưởng về vấn đề trên.
- Ông lý giải thế nào về việc khi còn làm tổng giám đốc PMU 18, ông đã trực tiếp điều động 4 ôtô lên Bộ?
- Thực tế tôi đã điều động 6 ôtô lên Bộ để sử dụng. Bộ điều trả lại 2 chiếc. Đây là tài sản mua bằng vốn dự án do Bộ quản lý. Bộ là chủ đầu tư, Ban quản lý dự án chỉ là đơn vị thay mặt chủ đầu tư nên việc điều chuyển này theo tôi cũng là việc bình thường, không sai mục đích.
- Tại cuộc kiểm điểm hôm qua, ông đã có cuộc tranh luận khá căng thẳng với Bộ trưởng Đào Đình Bình về vấn đề xe công. Có ý kiến ngay trong đảng uỷ rằng, ông phải chịu trách nhiệm về việc này?
- Trước sau tôi vẫn bảo lưu quan điểm xe của dự án chính là xe công, thuộc tài sản nhà nước. Trong cuộc họp hôm qua, Bộ trưởng Bình có ý rằng, đây là tài sản nhà thầu. Tôi không nhất trí vì tiền mua xe là do kho bạc nhà nước xuất. Kinh phí mua xe được tính cả vào tiền dự án thì không thể nói đó không phải là tài sản nhà nước. Bộ giao thông là chủ đầu tư nên việc điều chuyển xe giữa đơn vị đại diện và chủ đầu tư là không sai mục đích.
Còn nếu nói tôi sai thì bộ trưởng là người sai đầu tiên và phải chịu trách nhiệm. Tôi nói điều này là bởi trong tổng số xe của Bộ hiện này là 23 xe nhưng chỉ có 8 xe được Bộ Tài chính cấp kinh phí và điều chuyển. 15 chiếc còn lại, trong đó có xe của bộ trưởng và thứ trưởng là do điều động từ các ban quản lý khác. Nếu nói 4 xe tôi điều động là không đúng thì lý giải thế nào về việc Bộ giao thông hiện nay đang sử dụng xe của các ban quản lý dự án?
- 15 xe này do Bộ điều động hay PMU 18 tự đưa lên?
- Đa số là có ý kiến, văn bản điều động của Bộ, sau đó các ban đưa lên. Hiện, có 7 xe của PMU 18. Việc điều chuyển xe lên Bộ - chủ đầu tư - là đúng nhưng thủ tục hành chính có thể chưa đúng. Chính vì vậy tôi đã có đề nghị Bộ phải xem xét có hướng giải quyết bằng văn bản quy định cụ thể. Theo quy định trước đây các xe dự án, nội bộ trong Bộ do Bộ điều động. Sau đó có quy định do Bộ Tài chính quản lý.
Nếu quy kết cá nhân tôi điều động 4 xe ở cơ quan Bộ là sai thì tôi đề nghị đối chất việc đó với bộ trưởng trước ban cán sự đảng uỷ hoặc cơ quan điều tra. Tôi sẽ làm đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng để làm rõ trách nhiệm của từng lãnh đạo bộ trong các vấn đề liên quan.
- Khi dự án hoàn thành, giao tài sản công cho Bộ. Tại sao lại có việc cho mượn ra ngoài?
- Số chưa điều chuyển chắc chắn do bàn giao chậm, hay do nguyên nhân khách quan vì dự án kéo dài hơn kế hoạch. Tôi nói ở đây không phải trốn tránh trách nhiệm, nhưng việc này đã có cơ quan chức năng của Bộ được giao quản lý. Việc quản lý xe không phải là tôi mà là do thứ trưởng phụ trách tài chính.
- Xin lưu ý là ông vừa nhận trách nhiệm có thiếu sót trong việc để PMU 18 cho mượn xe công tràn lan?
- Với tư cách là thứ trưởng, tôi nhận trách nhiệm vì đã không tham mưu kịp thời cho Bộ trưởng các vấn đề này. Ở đây tôi cũng xin nói rõ là năm 1995-2005, PMU 18 quản lý 14 dự án vốn ODA, tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng. Số xe mua hết hơn 74 tỷ đồng. Giá trị khấu hao đến nay là 43,2 tỷ đồng, bằng 0,14% trên tổng mức đầu tư dự án.
Trong 134 xe trừ 8 xe phục vụ duy tu, còn 126 xe trực tiếp phục vụ các dự án do PMU 18 quản lý. 126 ôtô chia cho trên 70 hợp đồng, bình quân mỗi hợp đồng 1-2 xe. Vụ Kế hoạch tài chính đã chứng minh, số lượng không phải là nhiều, mua đúng và đủ với yêu cầu.
- Với tư cách là phó ban chỉ đạo phòng chống tiêu cực và tham nhũng ở bộ, lại là người từng nắm PMU 18 ông đánh giá thế nào về tỷ lệ thất thoát vốn tại các dự án?
- Các dự án qua thanh tra của Bộ, do thanh tra và kiểm toán xác định, tỷ lệ thất thoát không phải như con số dư luận nêu mấy chục %. mà chỉ ở mức 1-2%. Chúng ta nên hiểu thất thoát khác sai phạm tài chính. Sai phạm tài chính có thể lớn, nhưng thất thoát không phải như thế. Sai phạm tài chính có nghĩa là sau khi phát hiện ra thì thu hồi và khắc phục. Sai phạm tài chính còn do quan điểm thanh toán, do vận dụng đơn giá định mức sai. Còn thát thoát là mất đi.
Tôi cho rằng, thất thoát lớn nhất chính là ở khâu chất lượng mà chúng ta chưa đánh giá hết được. Ví dụ một công trình thi công xây dựng, tuổi thọ 10 năm, nếu làm không tốt chỉ 3-5 năm là xuống cấp, đó là thất thoát rất lớn.
Phạm Hiếu - Anh Thư
Theo dòng sự kiện: |
▪ Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XI dự kiến khai mạc ngày 16/5 (28/03/2006)
▪ 125 mặt hàng thuốc được đề nghị tăng giá (28/03/2006)
▪ TP Hồ Chí Minh đã có lực lượng bảo vệ du khách (28/03/2006)
▪ Còn nhiều vướng mắc (28/03/2006)
▪ Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam khai mạc tại Hà Nội (28/03/2006)
▪ Ý thức pháp luật từ việc nhỏ (28/03/2006)
▪ Thông xe cầu vượt Ngã Tư Sở vào ngày 19.5 (28/03/2006)
▪ Tiết kiệm điện: Người tiêu dùng vẫn đứng ngoài! (28/03/2006)
▪ Đời sống văn hoá: Sân chơi cho các nữ doanh nhân (28/03/2006)
▪ Hiến tủy cứu 4 trẻ em Việt kiều (28/03/2006)