TP HCM thiếu trầm trọng thanh tra xây dựng
Các Website khác - 28/03/2006

Toàn thành phố với hơn 300 xã, phường thuộc 24 quận huyện, tuy nhiên chỉ có đúng 20 cán bộ thanh tra xây dựng có nghiệp vụ. Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm trong ngành ngày một tăng trên địa bàn thành phố.

Ông Hiệp cho biết, giữa năm 2005, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND TP HCM cho phép thành lập lực lượng thanh tra xây dựng cơ động với 120 người. Tuy nhiên, Sở Nội vụ TP HCM chỉ đồng ý thành lập lực lượng này với quân số đúng 20 người. "Với đội quân mỏng như thế này, chúng tôi có vắt chân lên cổ cũng không thể kiểm soát hết tình hình vi phạm về xây dựng trên địa bàn" - ông Hiệp than thở.

Lực lượng thanh tra mỏng khiến các xai phạm trong xây dựng ở TP HCM vẫn mọc lên hàng ngày. Ảnh: Việt Hùng
Lực lượng thanh tra mỏng khiến các sai phạm trong xây dựng ở TP HCM vẫn mọc lên hàng ngày. Ảnh: Việt Hùng

Ít người, khối lượng và áp lực công việc lớn, Sở Xây dựng buộc phải "nhờ cậy" đến đội quản lý trật tự các quận, huyện theo dõi và xử lý ngay tận gốc các vi phạm trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong năm 2005 và 3 tháng đầu 2006, trên địa bàn thành phố vẫn có gần 3.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, trong đó chủ yếu là xây dựng không phép.

Vẫn theo ông Hiệp, để giải quyết tình trạng này một cách căn cơ, UBND TP nên quy định trách nhiệm quản lý xây dựng đối với Chủ tịch UBND các xã, phường. "Không thể có chuyện trên địa bàn có hiện tượng xây nhà trái phép mà Chủ tịch UBND xã, phường không biết" - ông Hiệp nói.

Trưởng Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP HCM, ông Nguyễn Minh Hoàng, cho rằng, Sở Xây dựng vẫn cần chủ động hơn trong việc quản lý cấp phép, thanh tra xây dựng. "HĐND sẽ kiến nghị UBND TP tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về con người, để Sở Xây dựng hạn chế tối đa những vi phạm trong ngành", ông Hoàng nói.

Cấp phép xây dựng theo... cảm tính

Ngày 27/3, cũng trong buổi làm việc HĐND TP, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Minh Dũng cho rằng, do chưa có quy hoạch chung nên khi cấp phép, cán bộ làm việc này chỉ biết nhìn theo vùng, theo nhà bên cạnh để cấp cho vừa phải. "Vẫn biết đây là cách làm hoàn toàn theo cảm tính nhưng chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác", ông nói.

Không có chuẩn trong quy hoạch, phần lớn các công trình xây dựng ở TP HCM được cấp phép theo "cảm tính". Ảnh: V.H.

TP HCM là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa thuộc diện nhanh nhất cả nước nhưng công tác lập quy hoạch lại thuộc diện ì ạch bậc nhất so với các tỉnh thành khác. Ông Dũng phân tích, theo Luật Xây dựng thì Sở Xây dựng chỉ cấp phép đối với các đường trục chính, các khu vực khác đã phân cấp cho UBND quận, huyện cấp phép. Tuy nhiên, đến nay ở TP HCM vẫn không có văn bản nào quy định đâu là đường trục chính. "Vậy là chúng tôi cứ phải áng xem đường nào rộng từ 30 m trở lên để duyệt và cấp giấy phép xây dựng cho bà con" - ông Dũng cho hay.

Phó Ban Kinh tế - ngân sách, HĐND TP HCM Huỳnh Công Hùng mong muốn: “Sở phải có giải pháp quản lý hiệu quả, tránh tình trạng cứ lẽo đẽo chạy theo sau và xử lý vi phạm như hiện nay”.

Ông Nguyễn Minh Dũng cho biết, Sở Xây dựng đã làm hết sức để giúp các quận huyện có được đội ngũ cán bộ, kỹ sư có trình độ đại học để quản lý xây dựng. Tuy nhiên, với mức lương công chức thấp như hiện nay, rất khó để thu hút nhân tài trong lĩnh vực này. "Không thể mời một kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng về làm ở UBND quận hay phường, xã với thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng bởi nếu so với đi làm ở các công ty, ít nhất họ cũng thu nhập cao gấp 4 đến 5 lần con số đó" - ông Dũng thừa nhận.

Để ứng phó với tình trạng cán bộ quản lý xây dựng không có trình độ, kiến thức về xây dựng, Sở Xây dựng đang liên tục mở các lớp đào tạo trình độ Trung cấp xây dựng cho cán bộ xã, phường. Khóa học đầu tiên với gần 100 học viên cũng phải hơn 1 năm nữa mới kết thúc. Và như vậy, cán bộ cấp phép, quản lý xây dựng ở TP HCM vẫn vừa làm vừa mò.

Việt Hùng