"VN triển khai tốt nhất các dự án hành lang KT Đông-Tây"
Các Website khác - 28/03/2006

Đó là nhận định của Hội nghị Chuyên gia cao cấp về Hành lang kinh tế Đông - Tây (SOM - EWEC) lần thứ III do Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trì vừa khai mạc sáng nay (28/3) tại TP.HCM.

Tham dự có các nước Lào, Mianma, Thái Lan và Nhật Bản. Đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng tham dự hội nghị này.

Đường hầm qua đèo Hải Vân là một trong số những dự án được SOM-EWEC III đánh giá cao. (Ảnh: Hải Châu) 

Tại hội nghị, Việt Nam được đánh giá là nước triển khai tốt nhất các Dự án trong Hành lang như Dự án nâng cấp quốc lộ 9 (tổng vốn đầu tư 35 triệu USD, trong đó 25 triệu USD vay từ ADB), Dự án xây dựng đường hầm qua đèo Hải Vân (vốn tài trợ của JBIC), Dự án nâng cấp cảng Tiên Sa - Đà Nẵng (nâng công suất cảng lên 2,5 triệu tấn giai đoạn 1999-2004 lên 4 triệu tấn giai đoạn 2004-2010), thực hiện Bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Lào về triển khai Hiệp định GMS tại cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh (áp dụng mô hình kiểm tra hải quan một cửa - một điểm dừng), giúp hoạt động trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu tại đây tăng từ 25,1 triệu USD (2002) lên 64 triệu USD (2005).

Ngoài ra, các Dự án đã ký kết về năng lượng (vận hành và mua bán điện, kết nối điện trong EWEC), xây dựng đường trục bưu chính viễn thông, xây dựng chiến lược phát triển và hợp tác khai thác du lịch... đang được Việt Nam ưu tiên và khẩn trương thực hiện.

SOM - EWEC III tập trung đánh giá tình hình triển khai các dự án hợp tác trong Hành lang kinh tế Đông - Tây trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thương mại, du lịch và đầu tư. Đây là các dự án đã được nêu trong Kế hoạch hành động chung của EWEC sau SOM-EWEC II, bao gồm phát triển các Khu kinh tế đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu trong Hành lang kinh tế Đông - Tây, triển khai thí điểm cơ chế kiểm tra hải quan một cửa và một điểm dừng (tại Dansananh - Lao Bảo, Mục Đa Hản - Savanakhet và Mae Sot - Myawaddy), khai thác chung sân bay Savanakhet, phát triển du lịch trong EWEC.

Hội nghị cũng xem xét những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiến trình triển khai các dự án và các đề xuất phương hướng hợp tác thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng được ưu tiên thảo luận tại hội nghị là sáng kiến quảng bá EWEC với các nhà đầu tư và khách du lịch do Việt Nam đề xuất.

Tại SOM-EWEC III, Việt Nam đề xuất sáng kiến về phối hợp xúc tiến và quảng bá những tiềm năng của Hành lang với các nhà đầu tư và khách du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên huy động sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của các nhà tài trợ. Trong đó, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ cấu dịch vụ, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và du lịch ( kêu gọi đầu tư từ ADB, các nhà tài trợ, các tổ chức tài chính và khu vực tư nhân để xây dựng thêm các trung tâm kinh tế và cơ sở dịch vụ hạ tầng dọc Hành lang), hợp tác xuất khẩu hàng hóa tới nước thứ ba, đưa kế hoạch phát triển EWEC vào chương trình quảng bá cấp quốc gia của các nước EWEC.

Bên cạnh việc phát triển Hành lang kinh tế và vận tải trong khu vực GMS, Việt Nam đồng thời đề nghị thành lập một Hành lang Đông - Tây thứ hai kết nối miền Bắc Trung bộ của Việt Nam bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa với các tỉnh Sầm Nưa (Lào), khu vực Đông Bắc Thái Lan và miền Trung Mianma. Các đề xuất này đã được các quốc gia thành viên EWEC đánh giá cao và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía các nhà tài trợ.

(Theo VNA)