Sau 1 tuần thực hiện cấp hộ khẩu cho người ngoại tỉnh (KT3) theo quy định mới ở Hà Nội, số hộ dân đủ điều kiện nhập khẩu là rất nhỏ so với số đăng ký. Nguyên nhân do UBND các phường, xã lúng túng khi xác nhận tình trạng nhà đất, trong khi UBND thành phố Hà Nội không đưa ra hướng dẫn chi tiết.
Điểm tiếp nhận hồ sơ nhập khẩu của Công an quận Cầu Giấy khá đông người dân đến làm thủ tục chuyển khẩu. Cán bộ công an liên tục nhận hồ sơ và giải thích các thủ tục cho người dân. Trong số nhiều người đến làm thủ tục liên quan đến hộ khẩu, mỗi ngày có khoảng 15-20 người dân KT3 đến nộp hồ sơ xin nhập khẩu vào thành phố.
Theo ông Vũ Anh Dũng, Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Cầu Giấy, tuần qua có 77 hồ sơ diện KT3 đến xin nhập khẩu song mới tiếp nhận được vẻn vẹn... 4 trường hợp. Nguyên nhân là do người dân thiếu giấy tờ đất đai, hoặc giấy tờ xác nhận của các phường "vênh" so với yêu cầu của cơ quan công an. Quy định, xác nhận nhà đất phải nêu rõ đất ở, nhà ở ổn định, không tranh chấp, không lấn chiếm, không trong vùng quy hoạch. Tuy nhiên, các phường thường chứng nhận là nhà không có tranh chấp, khiếu kiện. "Quy định đã nêu rõ thì chúng tôi phải làm theo, nếu không kỹ sẽ gây ra tranh chấp. Thành phố cần nhanh chóng có hướng dẫn các phường xác nhận rõ ràng theo đúng quy định, tránh để dân đi lại mất thời gian để làm lại giấy tờ", ông Dũng nói.
![]() |
Đăng ký hộ khẩu tại quận Đống Đa. Ảnh: Đ.L. |
Theo ghi nhận của VnExpress, cán bộ địa chính các phường đều lúng túng khi xác nhận tình trạng nhà đất cho dân ngoại tỉnh bởi nguồn gốc nhà đất của nhiều hộ dân rất phức tạp. Ông Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch UBND phường Yên Hoà, cho biết, hầu hết các trường hợp mua bán nhà đất là trao tay, không có chứng nhận của địa phương trước đó. Ngoài ra, còn hàng chục hộ mua phải đất lấn chiếm, đất chuyển đổi sử dụng... "Tất cả các trường hợp này đều chưa đủ căn cứ để xác nhận, chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn của thành phố để xét các trường hợp này, nên không thể xác nhận", ông Hiếu nói. Một vài trường hợp khác chỉ được xác nhận là đất không tranh chấp, không nằm trong quy hoạch vì không có đơn khiếu nại lên UBND phường.
Theo ông Hiếu, UBND phường Yên Hoà sẽ phân loại các hộ có đủ điều kiện xác nhận nhà đất, số còn lại sẽ phải chờ ý kiến của thành phố.
Tuần qua, phường Định Công cũng đón tiếp hàng chục người dân diện KT3 đến xin xác nhận nhà đất. Song số giải quyết theo đúng yêu cầu của cơ quan công an không nhiều. Theo ông Trịnh Thanh Hà, Phó chủ tịch UBND phường Định Công, có hai trường hợp nhà đất khó xác nhận là nhà mua bán trao tay tại các khu dân cư cũ và mua bán tại khu đô thị Định Công. Như trường hợp người dân mua nhà tại khu đô thị đã qua nhiều đời chủ song đều mua bán trao tay. Theo đúng quy định, phải có xác nhận chủ thứ nhất của căn hộ mới được UBND phường chứng thực, song các trường hợp này hầu như không tìm được chủ cũ. Nên UBND phường vẫn... bó tay.
Trao đổi với VnExpress, một quan chức của UBND thành phố Hà Nội cho rằng, vẫn chưa có ý kiến của cơ quan cấp dưới yêu cầu hướng dẫn chi tiết việc xác nhận nhà đất. Bên cạnh đó, nghị định 108 cũng không đưa ra việc UBND thành phố phải ban hành quy định về xác định tình trạng nhà đất, do vậy, thành phố không đưa ra hướng dẫn chi tiết. Các phường xã vẫn phải xác nhận theo những quy định cũ.
Hà Nội đang chuẩn bị cấp sổ đỏ cho người ngoại tỉnh. Theo quan chức này, người dân KT3 nên xin cấp sổ đỏ để hợp pháp hoá nhà đất, trước khi xin chuyển đổi hộ khẩu về thành phố.
Đoàn Loan
▪ Khai mạc Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam (21/11/2005)
▪ Trường hợp đầu tiên nhiễm cúm H5N1 ở Hải Phòng (22/11/2005)
▪ Cảnh báo về chất lượng thuốc đông dược (22/11/2005)
▪ Việt Nam đạt nhiều thành tựu lớn trong công cuộc đổi mới (22/11/2005)
▪ Về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay (22/11/2005)
▪ Bộ Công an sửa sai (23/11/2005)
▪ Cả cộng đồng cùng bảo tồn di sản văn hóa (22/11/2005)
▪ Ngành đường sắt cắt giảm tàu chạy tuyến ngắn (23/11/2005)
▪ Tập trung giải quyết hộ khẩu tại Hà Nội và TP HCM (23/11/2005)
▪ Một cán bộ kiểm lâm hy sinh khi làm nhiệm vụ (23/11/2005)