Xuất khẩu lao động - vấn đề được Quốc hội quan tâm
Các Website khác - 24/11/2005

Chiều 25/11, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng sẽ đăng đàn Quốc hội. Vấn đề được đại biểu "ưu ái" nhất là xuất khẩu lao động với hàng loạt bức xúc về đào tạo nghề trước khi ra xứ người, lựa chọn nghề nào cho phù hợp, chi phí đưa đi quá cao... VnExpress đã ghi nhận một vài ý kiến.

Ông Nguyễn Ngọc Minh. Ảnh: N.T.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh: Việc xác định ngành nghề đưa lao động đi làm việc nước ngoài cần được Bộ trưởng Hằng đặt ra. Tôi không đồng tình việc xuất khẩu lao động Việt Nam để làm ôshin, giúp việc gia đình. Hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài rất tốt đẹp, nhưng lao động sang làm dịch vụ đó thì dễ bị sỉ nhục, bị xâm hại, làm phai mờ hình ảnh của Việt Nam, trong khi đó mình đang vươn lên. Nếu đi làm ôshin thì thà rằng ở nhà còn hơn.

Tôi cũng quan tâm đến việc thành lập các công ty xuất khẩu lao động. Hiện công ty mọc lên rất nhiều, nhưng vấn đề quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng lừa đảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người lao động. Phí xuất khẩu cũng phải được Bộ trưởng xem xét lại, hiện chi phí đưa đi quá cao, lao động nghèo không thể nào đáp ứng. Đây là lý do mà nhiều năm qua, phong trào xuất khẩu lao động ở miền Trung nói chung, Ninh Thuận nói riêng, rất kém.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan.

Đại biểu Nguyễn Thị Vân Lan: Theo tôi cần có tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác xuất khẩu lao động thời gian qua. Không phải đất nước ta thừa lao động để xuất khẩu, vì một thực tế hiện nay ở các khu công nghiệp rất thiếu nhân công. Ngay tại Đà Nẵng chúng tôi, nhiều nhà máy cần tuyển 5-10 nghìn lao động, nhưng không tuyển được.

Lý do, chúng ta chưa quan đến đào tạo tay nghề cho lao động để đáp ứng ngay nhu cầu sử dụng trong nước. Thứ hai, lao động của chúng ta từ trước đến nay đi ra nước ngoài là chưa kinh qua đào tạo, kể cả bồi dưỡng tối thiểu về ngoại ngữ để họ có thể giao tiếp ban đầu và qua môi trường làm việc thì nâng dần khả năng. Tay nghề không, ngoại ngữ không, nhiều người chạy chọt đi rồi qua đó lại trốn, không thực hiện đúng hợp đồng, làm ảnh hưởng đến quốc thể. Tôi đề nghị Bộ phải tham mưu với Chính phủ có quy định chặt chẽ, lao động muốn đi xuất khẩu trước hết phải được đào tạo nghề và ngoại ngữ.

Về ngành nghề đưa lao động đi, theo tôi giúp việc gia đình cho lao động giản đơn thì cũng được, nhưng ít nhất phải bồi dưỡng về ngoại ngữ 3-6 tháng. Nếu chỉ giao tiếp bằng cử chỉ thì hết sức phụ thuộc, có thể bị xâm hại. Vấn đề giám sát, quản lý lao động ở nước ngoài cũng phải được đặt ra. Đại sứ quán ở nước ngoài cần phát huy vai trò quản lý, làm thế nào tránh tình trạng đưa lao động vào những công việc vi phạm pháp luật, đạo đức và độ rủi ro cao.

Trước đó, đầu kỳ họp này, Ủy ban các vấn đề xã hội cũng có báo cáo giám sát về hoạt động xuất khẩu lao động. Theo đánh giá của Ủy ban này thì doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam tuy nhiều (trên 140), nhưng phần đông quy mô nhỏ, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả kém. Một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm quy định về tuyển chọn, để lao động phải qua trung gian, môi giới, làm tăng chi phí đưa đi. Chất lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam hiện còn quá thấp, phần lớn là lao động phổ thông, ngoại ngữ yếu, thiếu hiểu biết về phong tục tập quán, ý thức tuân thủ pháp luật.

Theo Ủy ban Các vấn đề xã hội, nguyên nhân của trình trạng trên là việc đầu tư cho hoạt động xuất khẩu lao động chưa được quan tâm, việc quản lý nhà nước chưa theo kịp yêu cầu phát triển, việc đào tạo nghề, chuẩn bị nguồn còn rất yếu kém. Riêng về lựa chọn ngành nghề để đưa lao động đi, trong cuộc trao đổi với VnExpress, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng có thể trong thời gian đầu, chấp nhận lao động giúp việc gia đình. Còn về lâu dài, không nên đưa người đi làm "đày tớ" cho nước ngoài.

Như Trang