![]() |
Vay nợ gần trăm triệu để “chạy” một chân lao động ở Đài Loan, Thắm vừa mừng vừa lo vì phải bỏ ở nhà đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, cộng thêm cả ông chồng “yêu” mạo hiểm làm ăn. Xa gia đình, nhớ chồng con, tháng nào Thắm cũng cố gắng tằn tiện gửi tiền về. Có đồng ra đồng vào, hai bố con cũng muốn cải thiện đời sống. Hợp nhau trong lối sống nên họ trở thành “chiến hữu”. Đi đâu cũng thấy hai bố con đi cùng. Hồi mẹ mới đi, hai bố con chỉ đi tập thể dục, đi cắt tóc cùng nhau, nhưng đến khi có “của ăn của để” thì mọi chuyện bắt đầu thay đổi. Tiền mẹ gửi về, ban đầu được dành dụm mua sắm và sửa sang lại “cơ ngơi”. Khi mọi thứ đều “tươm tất”, tiền lại vẫn gửi về đều đều, “cặp bài trùng” bắt đầu “nhàn cư vi bất thiện”. Hai bố con bàn tính: “Tiền mẹ gửi về không thể “chết” được, tiền là phải đẻ ra tiền chứ”. Thế là họ bàn tính cách đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất - lô đề. Phải nói thằng con đúng là “thần tài”. Nó bảo đánh con nào, con đấy “chết”. Kiếm được tiền, đời sống hai bố con vốn đã “cải thiện”, nay lại được “nâng cao” rõ rệt. Từ nay mỗi sáng thức dậy, thay vì mì gói, họ ung dung ra quán phở đầu phố để “điểm tâm” ngày mới. Họ cũng tập sử dụng những dịch vụ “văn minh” như: giặt là, gội đầu, mát xa, karaoke, bia hơi giải khát … Thắng lớn vài vụ, hai công dân mẫu mực của làng chơi thấy cần phải xây dựng một “đẳng cấp” mới. Họ quyết định “đầu tư” vào môn thể thao vua và ngay lập tức đẳng cấp được khẳng định bằng những lần “đánh” lớn. Thế nhưng không hiểu sao, càng ngày “thần tài” càng “hãm”. Đánh to mất to, đánh nhỏ mất nhỏ. Của cải đồ đạc trong nhà cứ thế đội nón ra đi. Muốn thắng lớn, phải bản lĩnh, họ quyết định vay vốn “làm giàu” ngay trên đất quê hương chứ không sang đất khách như mẹ, như vợ. Thói đời đến lạ, họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai, càng “làm ăn” càng “lỗ”. Đến sổ đỏ cũng phải cho đi “ở đợ”. Về nước, Thắm ngất lên ngất xuống, công sức hai năm trời của chị không đủ trả nợ còn đứa con duy nhất đã chẳng đến trường từ gần một năm nay. Chia tay Lan, Hùng được quyền nuôi con vì điều kiện kinh tế khá. Vốn “dân buôn”, Hùng theo đuổi kiểu giáo dục con cái theo lối “tự nhiên”. Con thích học thì đến trường, không thích cứ ở nhà, sẽ thuê gia sư. Hùng tuyên bố: “Ở trường chắc gì người ta đã dạy tốt hơn, mà gia sư được thuê về cũng tòa là giáo viên giỏi cả. Hơn nữa, để phát triển trí thông minh và tư duy “làm ăn” đâu nhất thiết phải đến trường. Đến thầy nó cũng còn nghèo kiết xác nữa là”. Với tư duy và lối dạy con như vậy nên khi chuyển về “dinh thự” mới, hai bố con thả phanh chơi game, xem bóng đá thâu đêm, và đón bình minh vào giữa trưa ngày mới. Đứa con vốn không thích đến lớp, giờ lại “ngại” học ở nhà, cu cậu “xin phép” bố cho nghỉ học để có thời gian “phát huy” năng khiếu bẩm sinh: Chơi game. Con không thích bố cũng không ép, nhưng không học ở trường thì phải học ở đời. Vậy là cậu học sinh lớp 11 được bố “tha” đi khắp nơi để học cách làm người và học cách làm giàu mà không cần đến lớp. Mỗi sáng, hai bố con đều ra quán cà phê ngồi đọc báo, coi kết quả bóng đá xem có “trúng mánh” gì không. Chiều đến công ty, Hùng dạy con “nghệ thuật” làm ăn: trốn thuế, lách luật, làm hàng… Tối đến là giờ học “văn hóa”: thưởng thức rượu, cách hút thuốc lá, chơi bài pô - kơ thời thượng. Làm kinh doanh mà cái gì cũng không biết là xem như hỏng. Hơn nữa, nếu chỉ học thôi mà không trải nghiệm thực tế thì không “đạt”. Vậy là con trai được tham dự tất cả các cuộc vui của bố: Từ uống rượu, chơi bài, karaoke… đến những chuyến hàng “kín”. Hùng rất hài lòng về “sản phẩm” giáo dục của mình. Lan biết trước điều gì sẽ xảy ra nhưng vẫn chết lặng khi cơ quan công an yêu cầu cô lên bảo lãnh cho con. Hai bố con “mắc lưới” trong một chuyến hàng lớn từ nước ngoài về. Đến lúc này cô mới thực sự ân hận, vì sự ích kỷ của người lớn mà cả tương lai con trẻ bị hủy hoại. Nuôi con đã khó, dạy còn khó hơn. Vẫn biết cuộc sống còn nhiều lo toan vất vả nhưng có nên chăng khi các bà mẹ quyết định đi làm kinh tế, nên chăng những người lớn làm vỡ gia đình rồi để lại con cho một ông “gà trống” vốn không thể có “thiên chức” làm mẹ? Thanh Phong
Mẹ đi xuất khẩu lao động
▪ Lên xe hoa tuổi xế chiều (29/10/2007)
▪ Những đóa hoa cô đơn (26/10/2007)
▪ Tình nguyện làm "vợ mua” (22/10/2007)
▪ Cái giá của một lần yêu vội (20/10/2007)
▪ Những “nàng công chúa” thời siêu thị (19/10/2007)
▪ Chuyện "quỹ đen" của quý bà (19/10/2007)
▪ Ma lực kẻ "săn tình" (18/10/2007)
▪ Tin bạn mất chồng (18/10/2007)
▪ Giỏi việc nước, “nản” việc nhà (18/10/2007)
▪ Khi chồng xuất ngoại (17/10/2007)