Ghana: Đa số người dân không biết mình nhiễm HIV/AIDS
Các Website khác - 30/03/2006

Mặc dù đã có rất nhiều thông tin tuyên truyền về đại dịch HIV/AIDS ở Ghana song chỉ một phần nhỏ công dân nước này - khoảng 3.7% - đã từng làm xét nghiệm kiểm tra tình trạng sức khoẻ.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận về khoảng trống rất lớn trong công tác tuyên truyền các kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, giáo dục quần chúng về bao cao su cũng như các biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS khác nhằm làm thay đổi thái độ, quan điểm của người dân đối với căn bệnh này.

Tình trạng thiếu thốn các điểm y tế thích hợp trên toàn quốc cũng là nguyên nhân khiến người dân không thể làm xét nghiệm HIV.

Đáng lo ngại hơn khi một số người biết mình nhiễm HIV/AIDS lại cố ý làm lây nhiễm bệnh cho người khác.

Trên đây chỉ là một số vấn đề được đem ra thảo luận tại buổi họp do chi nhánh của Hiệp hội phụ nữ chống AIDS (SWAA) dành cho các nghị sĩ tại Ghana tổ chức. Cuộc họp là một phần của chương trình nhằm đạt được sự ủng hộ của các nhân tố chủ chốt đối với dự thảo Model Law, một dự thảo luật do Hiệp hội đề xuất về các bệnh truyền nhiễm qua quan hệ tình dục (STI) và HIV/AIDS.

Dự thảo luật mới này có các chương giải quyết vấn đề giáo dục, thông tin, hoạt động bảo đảm và các thủ tục an toàn, y học truyền thống, tư vấn và xét nghiệm tình nguyện. Cũng có các chương giải quyết về nạn phân biệt đối xử và cố ý làm lây nhiễm virus HIV.

Phát biểu tại cuộc họp, giáo sư Kate Adoo Adeku, phó giám đốc SWAA, Ghana lưu ý, luật Model không chỉ dừng ở vấn đề sức khoẻ mà còn liên quan tới quyền con người. Bà tỏ ý quan tâm tới sự phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS và cho biết, luật sẽ lưu ý giải quyết vấn đề phân biệt đối xử cũng như từ chối quyền chăm sóc hợp pháp của người bệnh HIV/AIDS.

Bà nói: "Một số người người nhiễm HIV/AIDS đã bị sa thải lao động và không được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Điều luật mới sẽ giúp tạo ra một khung pháp luật cơ bản giúp công tác xử lý điều đó".

Bà Kate Adoo Adeku cho rằng, luật nhân quyền đã được đảm bảo trong hiến pháp nhà nước năm 1992 và luật Model sẽ giúp đỡi thêm những người nhiễm HIV/AIDS đồng thời nỗ lực giảm tình trạng lây nhiễm của đại dịch.

Bà Cecilia Senoo, Thư ký của SWAA khẳng định, tất cả phải thống nhất ý kiến, không những thế, một số cá nhân có vai trò chủ chốt còn phải đưa ra được lịch trình của công tác chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Bà Akua Ofori-Asumadu, chủ tịch SWAA, Ghana công bố, khoảng 85% gái mại dâm Ghana đang trú tại Accra và Kumasi, bà cảnh báo, nếu tình trạng quan hệ tình dục thường xuyên xảy ra giữa những người nhiễm bệnh thì thời gian tử vong ở người bệnh sẽ bị đẩy nhanh hơn.

SWAA là tổ chức của phụ nữ Liên châu Phi được thành lập tại Ghana năm 1990. Tổ chức được thành lập với mục tiêu giảm ảnh hưởng do đại dịch HIV/AIDS gây ra cho phụ nữ và trẻ em ở châu Phi.

Dương Kim Thoa theo http://www.accra-mail.com