Chị Mai Thị Kim Cúc, Tổ trưởng phụ nữ phường Phú Hoà, thành phố Huế, tình nguyện chăm sóc một bệnh nhân mắc bệnh AIDS hơn 9 năm nay. Nhà chị nằm sâu trong xóm bờ hồ Trần Hưng Đạo, nhỏ và tối, sự thiếu thốn hằn lên từng khung cửa, bức vách và những vật dụng trong gia đình.
Năm 1994, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế gợi ý chị làm công tác tư vấn và chăm sóc hai bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn. Tín hiệu nhận biết chỉ là hai cái tên Nguyễn Văn Q., 34 tuổi và vợ là Nguyễn Thị L., 33 tuổi; thường lui tới công viên Thương Bạc, bên bờ sông Hương; không ai biết mặt mũi, hình dáng họ ra sao.
Sợ bệnh nhân mặc cảm và vì công viên Thương Bạc lúc ấy là động bướm hoa, nên hằng đêm phải sau 22h chị mới dám tìm đến để hỏi thăm về cặp vợ chồng này. "Suốt một tuần, mình không làm sao tiếp cận được với họ. Thỉnh thoảng bị bọn du côn dọa chạy mất dép, phải nhờ đến mấy anh công an phường", chị nói.
Anh Nguyễn Văn Q. gốc Hà Nội, từng là con nghiện và nhiễm bệnh ở đất Hà thành. Lang bạt vào Huế, anh gặp rồi sống như vợ chồng với Nguyễn Thị L., một cô gái giang hồ lưu lạc từ đất Quảng.
Chị Cúc kể lại: "Ngày mình gặp họ cũng là lúc đứa con trai của Q. và L. vừa mất vì nhiễm HIV/AIDS. Thảm lắm, bố ngồi im như tượng đá, mẹ thì chẳng còn nước mắt để khóc". Q. lẳng lặng bỏ về quê. Từ đó, chị Cúc là bạn, là chị, là mẹ giúp đỡ L. cả về vật chất và tinh thần, tư vấn về cách tự chăm sóc, kể cả việc... cho L. bao cao su để tránh lây bệnh cho người khác. Nhiều lần chị Cúc đưa L vào bệnh viện nhưng chỉ được một ngày là cô ấy lại trốn đi vì đói (ở bệnh viện chăm sóc bệnh nhân AIDS có chỗ ở, có thuốc thang nhưng không miễn phí ăn uống).
"Ai chẳng muốn sống yên ấm, có ai muốn rước khổ vào thân", chị tâm sự, "nhưng nó như cái nghiệp. Đôi khi những người xung quanh nhìn mình như sắp nhiễm bệnh, mình nản quá định bỏ nhưng rồi vẫn không đành".
3 năm đầu nhận công tác chăm sóc bệnh nhân AIDS, Sở Y tế tỉnh trả cho chị mỗi tháng 50.000 đồng, sau đó chị hoàn toàn tự nguyện. Theo lời chị Cúc thì L. vẫn còn một đứa con gái 19 tuổi và thân nhân đang ở đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng. Chị đã viết thư liên lạc với gia đình này rất nhiều lần nhưng chưa thấy hồi âm. Ở một góc khuất trong khuôn viên Bệnh viện Trung ương Huế, chị L. đang hấp hối ở giai đoạn cuối, cuộc sống chỉ tính được bằng ngày.
Từ năm 1976, người phụ nữ nhân hậu này đã tình nguyện phụ trách dạy một lớp xóa mù ban đêm cho trẻ cơ nhỡ phường Thuận Hoà. "Điều hạnh phúc nhất là hàng chục thế hệ từ lớp xoá mù của mình bước vào đời chẳng bằng ai nhưng vẫn hơn nhiều người về cái sơ đẳng là đọc và viết", chị cười và tự hào nói. Đầu năm 2000, lớp xoá mù của chị đã được dự án Plan tài trợ, xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ về đời sống, riêng chị được nhận mỗi tháng 300.000 đồng phụ cấp.
(Theo Lao Động)
▪ Đường về của những người đàn bà bị bán qua biên giới (05/01/2003)
▪ Lá vàng còn lại (19/03/2004)
▪ Campuchia "nhọc nhằn" chống mại dâm và AIDS (29/11/2003)
▪ Hậu quả của ma tuý với phụ nữ (01/12/2003)
▪ Bệnh AIDS ở Phú Nhiêu (22/09/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (27/02/2003)
▪ Tuần Giáo "ma sống" và hiểm hoạ AIDS (26/02/2003)
▪ David Menadue, 18 năm chung sống với HIV (08/12/2002)
▪ Bản di chúc của bé Vân Anh (07/12/2002)
▪ Hai đứa trẻ làng Châu Hiệp (06/12/2002)