![]() |
Cả 7 chị em đều là giáo viên. |
Một gia đình sinh được bảy người con gái, tất cả đều nối nhau theo nghề dạy học và trở thành những giáo viên dạy giỏi. Năm trong số bảy chàng rể của gia đình ấy cũng là giáo viên.
Ngôi nhà của ông bà Cẩn - bố mẹ mấy cô giáo ở thôn Phú Châu (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) cũng giống như các gia đình khác trong vùng, chỉ một điều rất khác là số giáo viên trong gia đình này nhiều nhất... tỉnh.
Những năm chiến tranh, ông Cẩn làm nghề thợ may, cái nghề không nghèo lắm nhưng cũng khó mà giàu. Và vì thế để lo cho tương lai đàn con gái suýt soát tuổi nhau đến... bảy đứa, hai ông bà chỉ biết cố để cho con có cái chữ lập thân sau này. Và thế là dù gian khó đến mấy cả hai vợ chồng đều hết lòng cho sự học của con cái.
Trước năm 1975, có lần chiến sự xảy ra nơi vùng gia đình sơ tán, người bố dắt cả nhà chạy, ông bà Cẩn dắt díu đàn con chạy đến khu vực an toàn thì phát hiện thiếu mất hai cô con gái. Vậy là giao cho vợ coi mấy đứa nhỏ, ông Cẩn chạy ngược về phía bom đạn tơi bời tìm hai đứa con. Thật may là hai chị em Thoa còn nấp dưới hầm, nhưng ông Cẩn thì suýt chết vì một người lính phía bên kia thấy ông chạy về hướng du kích tấn công nên gí súng vào ngực, may ông kịp la lên: “Tôi đi tìm con!”. Một người cha hy sinh hết lòng như vậy nên những đứa con lớn lên đã ráng làm tất cả như ước nguyện của cha mình.
Ông Cẩn giờ đã mất được 6 năm. Bà Lựu châm nén nhang lên bàn thờ ông Cẩn rồi kể: “Cái đận sau ngày giải phóng khổ cực lắm, nghề may của ông Cẩn không được như trước, ông về tham gia đội sản xuất, làm đội trưởng, cũng chăm nom mấy sào mía, mấy sào lúa, nhưng hình ảnh những thầy giáo vẫn khiến ông khâm phục và ngưỡng mộ”.
Và thế là hai vợ chồng người nông dân ấy đã chọn hướng đi cho đàn con của mình: theo nghề sư phạm. Chị Phạm Thị Hồng Thoa, cô chị cả trong nhà, nay là hiệu phó Trường tiểu học số 2 Hành Đức, bảo: “Cả bảy chị em theo nghề giáo là nhờ sự hướng nghiệp của bố”. Chị Thoa ban đầu cũng muốn theo nghề này nghề kia, nhất là những năm ấy cuộc sống của giáo viên rất khó khăn. Nhưng rồi ông bố bảo: cả mấy chị em đều là con gái, sau này theo chồng mỗi người mỗi nơi, khó có thể chăm lo cho nhau nên theo nghề sư phạm trước hết là có thời gian để chăm sóc gia đình hơn.
Tốt nghiệp THPT, chị Thoa thi vào Trường trung học Sư phạm Qui Nhơn. Hai năm sau, chị ra trường đi dạy thì cô em thứ hai Phạm Thị Thu Thủy cũng đậu vào khoa tiếng Anh Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi. Cứ thế, cả bảy chị em đều cách nhau 1-2 tuổi, nên chị Thủy chưa ra trường thì cô thứ ba Phạm Thị Bích Thẩm cũng đậu tiếp vào khoa văn CĐSP Quảng Ngãi, cô thứ tư Phạm Thị Như Thâm lại học TH Sư phạm Qui Nhơn, cô thứ năm Phạm Thị Kim Thuận đậu tiếp vào khoa sử CĐSP tỉnh, cô thứ sáu Phạm Thị Xuân Thảo cũng đậu vào khoa sử và cô út Phạm Thị Mỹ Thi - người cuối cùng trong gia đình - cũng thành giáo viên tiếng Anh sau khi tốt nghiệp khoa Anh Trường CĐSP tỉnh.
Câu chuyện bảy chị em gái theo nghề sư phạm, nay trở thành giáo viên nghe có vẻ thật suôn sẻ, nhưng chỉ bà Lựu hiểu hết những gì mà hai vợ chồng đã nỗ lực vì đàn con. Bà kể cũng có những ngày rất túng bấn, nhất là khi các con từ trường về nhà, gia đình cũng không dư ăn dư để nên nhiều lúc phải vay mượn bạc tiền để lo cho con theo sự học.
Đấy là câu chuyện về nếp nhà, dù sống thanh bần vẫn nuôi dưỡng các con đạo nghĩa cuộc đời để hướng tới những khát vọng cao đẹp. Chị Thoa bảo ba của chị đã dạy đạo nghĩa lẽ đời cho các con bắt đầu từ nét chữ. Năm 2002, ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thi giáo viên viết chữ đẹp cấp quốc gia, cả tỉnh có ba giáo viên đi dự thi ở Đà Nẵng thì hai trong số ấy là hai chị em ruột: chị Thoa và chị Thâm, và cả hai đều đoạt giải ba quốc gia. Hơn thế, cả bảy chị em đều là những giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
(Theo Tuổi Trẻ)
▪ "Thầy giáo không phải công cụ thu tiền" (18/11/2005)
▪ 50 suất học bổng du học trung học (18/11/2005)
▪ "Chọn nghề giáo thì phải chấp nhận nghèo" (18/11/2005)
▪ Vẫn làm thầy... khi tính mạng đe doạ (19/11/2005)
▪ Thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ: Chuẩn bị như thế nào? (16/11/2005)
▪ "Người sư phạm" lần 1 (16/11/2005)
▪ Trao giải cuộc thi ảnh về giáo dục (15/11/2005)
▪ Lớp học "vô tư" (16/11/2005)
▪ Học phí không thể cao hơn lương khởi điểm (15/11/2005)
▪ Không "đặc cách" thì tuổi các GS ngày càng già! (16/11/2005)