Chưa đầy 1 tháng cổ phiếu ngân hàng Eximbank đã tăng 600.000 đồng lên 2,6-2,7 triệu đồng. Nhiều người rủ nhau đổ tiền vào mua cổ phiếu với hy vọng cơ hội làm giàu đang chờ đón họ mà quên rằng kinh doanh loại hàng này ẩn chứa khá nhiều rủi ro.
![]() |
Nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu sinh lời cao. |
Hiện giá giao dịch cổ phiếu trên thị trường phi tập trung của một số ngân hàng thương mại cổ phần cao gấp 2-4 lần mệnh giá ban đầu, nhưng rất khó mua. Chẳng hạn, cổ phiếu ngân hàng Đông Á lên 5,1 triệu đồng, ACB 4,8 triệu, Techcombank 2,6 triệu, Ngân hàng Hàng hải 1,4 triệu, Ngân hàng Quân đội 2,4 triệu (mệnh giá 1 triệu đồng), Sacombank 38.000 đồng, VPbank 17.000 đồng (mệnh giá 10.000 đồng)
Theo giới phân tích, ngoài hy vọng ăn chênh lệch, các nhà đầu tư đổ xô săn lùng cổ phiếu ngân hàng vì muốn đón đầu việc chia lãi cuối năm. Tính đến thời điểm này, rất nhiều ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch năm, ACB dự kiến chia cổ tức xấp xỉ 30%, Ngân hàng Quân đội 17%/năm, các ngân hàng khác cũng có mức chia ít nhất 15%.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, nhà đầu tư sàn Thăng Long cho hay cổ phiếu ngân hàng đạt được cả hai yếu tố: an toàn và lợi nhuận hấp dẫn. Thực tế chứng minh trong 2 năm gần đây các ngân hàng thương mại cổ phần đô thị đều chia cổ tức bình quân 15%-18%/năm, cao gấp 2 lần lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Về mức độ an toàn, các nhà đầu tư cá nhân quan niệm ở Việt Nam, hoạt động của các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ nên công tác quản trị tốt hơn các doanh nghiệp. Hơn nữa, Chính phủ chưa bao giờ để các ngân hàng một mình gánh chịu khủng hoảng, kinh nghiệm xử lý các scandal của ACB, Phương Nam trước đây là một minh chứng.
Tuy có lợi thế như vậy, song theo các chuyên gia, cổ phiếu ngân hàng không nằm ngoài quy luật: lợi nhuận lắm thì rủi ro nhiều. Ông Daniel Musson, chuyên gia về cải cách doanh nghiệp Ngân hàng Thế giới tại VN nhận xét so với các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng trong nước có nhiều điểm mạnh hơn như am hiểu văn hóa, cơ sở dữ liệu khách hàng, lịch sử hoạt động... nhưng lại yếu hơn về những điều kiện như công nghệ, nhân lực, chất lượng quản lý, tiềm lực tài chính.
Một điểm đáng chú ý khác là lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ hiện chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với hoạt động đầu tư, điều này ngược lại so với thông lệ quốc tế. Tập trung quá nhiều vào đầu tư, trong khi khả năng quản lý rủi ro tín dụng kém tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu và chỉ cần một hai khách hàng lớn chậm thanh toán là ảnh hưởng ngay tới lợi nhuận của ngân hàng.
Trong vài tháng trở lại đây, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất, vì thế ông Musson nhận định trong thời gian tới các ngân hàng thương mại khó có thể gặt hái mức lãi “đỉnh cao” như năm trước với tỷ suất lợi nhuận bình quân 30%. Lãi suất tăng cao khiến khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và ra thu hẹp lại, hiện vào khoảng 2%, thấp hơn mặt bằng chung trên thế giới.
Trao đổi với VnExpress, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho rằng cổ phiếu ngân hàng bán chạy nhờ suất sinh lời cao không chỉ ở hiện tại mà nhà đầu tư đánh giá cả triển vọng sắp tới. Nhu cầu lớn trong khi cung rất ít do các ngân hàng phần lớn bán nội bộ hạn chế trong một số cổ đông.
Có những nhà đầu tư bao gồm nhà đầu tư nước ngoài và cả những người làm tín dụng toan tính lâu dài muốn thông qua việc thâu tóm cổ phiếu để có thể hoạt động rộng khắp trong lĩnh vực ngân hàng. Chẳng hạn, nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập chi nhánh tại VN phải có ít nhất 15 triệu USD, mà chưa chắc đã có mạng lưới hoạt động rộng khắp, còn bằng cách trở thành cổ đông họ chỉ cần bỏ ra ít chi phí mà có thể tham gia tất cả các hoạt động của ngân hàng. Đây chính là lý do họ chấp nhận mua cổ phiếu giá rất cao, vô hình chung kích cổ phiểu ngân hàng trên thị trường tăng lên. Với những nhà đầu tư cá nhân có ít vốn, đơn thuần mua cổ phiếu để hy vọng sinh lời cần rất cẩn trọng.
Thống đốc phân tích thêm một khía cạnh khác. Đó là thoạt nhìn cổ tức 15% nhà đầu tư có cảm giác suất sinh lời cao vì gấp đôi lãi suất tiết kiệm ở ngân hàng. Với mức cổ tức đó, mua gấp đôi mệnh giá là bình thường, nhưng gấp tới 4 lần mệnh giá thì tính cổ tức trên số tiền bỏ ra chỉ bằng một nửa lãi suất ngân hàng. Hơn nữa, thu nhập trên cổ tức phải đóng thuế trong khi thu nhập từ tiền lãi ngân hàng không phải làm nghĩa vụ này.
"Cổ phiếu ngân hàng được giá, với tư cách người phụ trách như tôi thì rất đáng mừng. Nhưng với tư cách cá nhân, tôi sẽ cân nhắc kỹ những rủi ro từ thu nhập có thể mang lại", Thống đốc nhận xét.
Theo nhận định của giới kinh doanh chứng khoán, trong năm tới, các nhà đầu tư còn nhiều cơ hội để bỏ tiền vào ngân hàng do yêu cầu hội nhập các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, dù cơn sốt ngày một tăng nhiệt, vẫn có một số nhà đầu tư cá nhân quyết định bán cổ phiếu ngân hàng để đổ tiền vào những cổ phiếu sinh lời chậm nhưng an toàn hơn như thuỷ điện Cần Đơn, nhiệt điện Phả Lại...
Việt Phong
▪ Vinatex tập trung đầu tư cho sản phẩm xuất khẩu (30/11/2005)
▪ Khách hàng của Techcombank tiếp tục thua kiện (30/11/2005)
▪ Nhiều thách thức, nhiều cơ hội... (30/11/2005)
▪ Bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu (30/11/2005)
▪ Cổ phần hóa VinaPhone không dễ (30/11/2005)
▪ Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng... nhỏ (30/11/2005)
▪ Tâm lý đầu cơ ngắn hạn ám ảnh thị trường vàng (30/11/2005)
▪ Công nghiệp phụ trợ chưa rõ hình hài (30/11/2005)
▪ Hàng nội chiếm lĩnh thị trường Noel (30/11/2005)
▪ Quy hoạch yếu là lực cản thu hút vốn FDI (30/11/2005)