Đắt vẫn mua
Các Website khác - 19/01/2006

Giải thích về chuyện mua cổ phần Techcombank gấp gần 5 lần mệnh giá, Chủ tịch HSBC Vincent Cheng nói vui, ngân hàng ông quen mua thế khi muốn tham gia vào các nhà băng địa phương. Nhưng người trong nghề ai cũng biết, sành sỏi như HSBC đâu dễ lặp lại thói quen mà không tính toán.

Sau gần 13 năm hoạt động, Techcombank hiện là ngân hàng cổ phần lớn thứ ba Việt Nam với tổng tài sản tính đến cuối 2004 lên tới 482 triệu đôla, tương đương 10.756 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ là 36,7 triệu USD, tương đương 580 tỷ đồng. Những ngày cuối năm Ất Dậu, Techcombank đã bán 10% vốn điều lệ của mình cho HSBC với giá 17,3 triệu USD, tương đương 275 tỷ đồng. Tính toán trên sổ sách, giá mua này cao gấp gần 5 lần mệnh giá. Kết quả hợp tác ban đầu thành công nhanh chóng ngoài sức trông đợi của Chủ tịch HSBC Vicent Cheng. Lần đầu tiên công du tới Việt Nam vào tháng 9, trong ông chưa hề có ý định tham gia góp vốn vào bất cứ ngân hàng nào.

Không phải chờ đến thương vụ hợp tác giữa Techcombank và HSBC, các nhà đầu tư mới nhận thấy sức hấp dẫn của ngành ngân hàng. Tỷ lệ lãi ròng trên vốn tự có của các ngân hàng đều khả quan, chỉ riêng khối quốc doanh đã là trên dưới 20%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp Việt Nam. Quy mô thị trường ngân hàng ngày một lớn, đến mức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải khuyến cáo Ngân hàng Nhà nước nên kiềm chế đà tăng tốc mở rộng thị trường. Nếu không bị hãm phanh, thị trường ngân hàng Việt Nam có thể phát triển với tốc độ 30-40%, chứ không phải là 27-28% mỗi năm như hiện nay. Những số liệu này càng hấp dẫn hơn khi người ta biết rằng kiểm toán trong lĩnh vực ngân hàng rất chặt chẽ, cơ chế giám sát và quản trị hoạt động doanh nghiệp cũng vô cùng nghiêm ngặt.

Chen chân kinh doanh ngân hàng

Trong bối cảnh chưa được phép lập ngân hàng con 100% vốn FDI, mở chi nhánh lại quá tốn kém, bản báo cáo tài chính vô cùng sáng sủa của khối ngân hàng cổ phần trong nước khiến các tổ chức tài chính quốc tế càng quyết tâm góp vốn bằng bất cứ giá nào. Trước Techcombank, Sacombank đã bán 10% cổ phần cho ANZ với giá 27 triệu USD, gấp hơn 3 lần giá gốc. Còn ACB nhường quyền sở hữu 8,5% vốn điều lệ cho Standard Chartered lấy 22 triệu USD, đắt gấp 6 lần mệnh giá.

Tiếp bước 3 đồng nghiệp nội địa, Ngân hàng cổ phần Ngoài quốc doanh VP Bank cũng đang nung nấu kế hoạch mời vốn ngoại. Hàng loạt nhà băng khác như Eximbank, Phương Nam, Phương Đông đều đã nhận được đề nghị bán cổ phần cho đối tác nước ngoài.

Ngay cả những nhà đầu tư trong nước cũng muốn chen chân kinh doanh ngân hàng. Các công ty bảo hiểm, vốn đang gặt hái nhiều thành công trên mảnh đất của chính mình, cũng nhiều lần ngỏ ý xin gia nhập thị trường. Đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi cuối tháng 12/2005 của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) thành công ngoài dự kiến. Trong phiên đấu thầu, nhiều nhà đầu tư tổ chức vốn chẳng liên quan gì đến nghiệp vụ tài chính, tiền tệ cũng nguyện xin "chết" và chào mua với lãi suất cực thấp, thậm chí 0%. Số trái phiếu dành cho các cá nhân bán hết vèo trong tích tắc, dù lãi suất 6% tưởng chừng chẳng đem lại nhiều lợi nhuận cho nhà đầu tư cá nhân.

Theo Giám đốc Tổ chức Tài chính phi Ngân hàng Dragon Capital (Anh) Dominic Scriven, sức hấp dẫn kể trên xuất phát từ những điều kiện và lợi thế riêng của từng ngân hàng. Những lời nhận định khả quan về ngành ngân hàng nói chung cũng tác động không nhỏ tới quyết định của các nhà đầu tư. Hơn nữa, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chậm lại, lượng vốn đổ vào kinh doanh nhà đất đang chuyển hướng để tìm cơ hội hấp dẫn hơn.

"Vietcombank phát hành trái phiếu và Techcombank bán cổ phần cho HSBC là hai sự kiện mới nhất trong cả quá trình phát triển của ngành ngân hàng. Nó chứng nhận sự quan tâm lớn hơn của các nhà đầu tư và cũng cho thấy sức hấp dẫn bền vững của lĩnh vực này", ông Dominic trao đổi với VnExpress.

Bán gấp 5-6 lần chưa chắc đã hời

Từ góc độ nhà quản lý, Vụ trưởng Các ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Kiều Hữu Dũng đã có thể tạm hài lòng về những gì các ngân hàng cổ phần làm được trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu như nhiều người cho rằng các ngân hàng đã thành công mỹ mãn khi bán cổ phần cho đối tác nước ngoài thì ông Dũng lại không nghĩ như vậy.

Trong các thương vụ hợp tác, ngân hàng cổ phần không chỉ mong chờ vào dòng vốn ngoại, mà quan trọng hơn, họ đón đợi kinh nghiệm quý báu về công tác quản lý, điều hành và quản trị rủi ro của đối tác nước ngoài. Các chương trình trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật cũng là điều mà các nhà băng nội địa trông chờ từ phía bạn. "Giá bán như vậy chưa hẳn đã cao", ông nói.

Bỏ tiền mua cổ phần giá cao hơn mặt bằng chung, các nhà băng quốc tế không hề giấu giếm ý định sẽ coi đây như những cứ điểm quan trọng giúp tiến sâu vào thị trường ngân hàng Việt Nam. HSBC chi 17,3 triệu USD mua 10% trong số 37,6 triệu USD vốn điều lệ của Techcombank và trở thành cổ đông lớn nhất. Song theo phân tích của ông Dũng, giá mua đó không quá đắt nếu xét tới điều kiện Techcombank sẽ tiếp tục tăng vốn, qua đó HSBC cùng các cổ đông khác cũng có quyền tham gia vốn nhiều hơn. Dự kiến trong hai năm tài chính 2006-2007, Techcombank sẽ nâng vốn điều lệ lên 125 triệu USD, tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng.

"Đó là lý do buộc Ngân hàng Nhà nước phải nâng cao yêu cầu tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại. Trong tương lai, mỗi ngân hàng phải có số vốn điều lệ ít nhất 500 tỷ đồng, thậm chí là 1.000 tỷ đồng. Yêu cầu đó khắt khe, song có lợi cho chính các ngân hàng. Và khi đó, giá bán cổ phần sẽ còn cao hơn nữa, chứ không chỉ dừng lại ở mức như hiện nay", ông Dũng nói.

Ông Dominic Scriven chia sẻ quan điểm này khi cho rằng, mức giá bán cổ phần ngân hàng cho đối tác nước ngoài thời gian qua có vẻ cao đối với những nhà đầu tư ngắn hạn, chỉ mua cổ phần nhằm giao dịch kiếm lợi nhuận. Song từ góc độ của các nhà đầu tư chiến lược, giá mua đó không quá cao nếu xét lâu dài, trong 5-7 năm tới. "HSBC không phải là ngân hàng nhỏ, thiếu kinh nghiệm. Họ có cơ sở để quyết định mua với giá như vậy mà không lo hớ", ông bình luận.

S.L.