Thông tin rủi ro ám ảnh thị trường thẻ ngân hàng
Các Website khác - 22/12/2005

Là một thị trường mới, tốc độ phát triển lớn nhưng kinh nghiệm quản lý rủi ro chưa nhiều, VN có thể là vùng trũng để các tay trộm quốc tế tràn vào. Tuy nhiên, tội phạm quốc tế chưa thấy đâu, ngân hàng đã lãnh đủ bởi thông tin mất tiền trong tài khoản thẻ nội địa xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo.

Chủ thẻ nên bảo quản thẻ và mã số bí mật của mình. Ảnh: EAB

Theo thống kê của Hiệp hội thẻ, hiện có 17 ngân hàng thương mại phát hành thẻ nội địa, 6 ngân hàng phát hành thẻ tín dụng quốc tế, với tổng số lượng máy rút tiền tự động (ATM) trong toàn hệ thống là 1.200 và 12.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Tổng lượng thẻ phát hành đến nay đạt 2,1 triệu, trong đó thẻ nội địa đạt 1,6 triệu. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm nay, lượng thẻ phát hành là 1,25 triệu chiếc. Ước tính, tốc độ tăng trưởng thị trường thẻ của cả năm nay đạt trên 300%, thậm chí có ngân hàng lên tới 400%. Theo Trưởng phòng Thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử (Ngân hàng Công thương) Dương Quang Khánh những con số thống kê này không ai dám nghĩ tới vào thời điểm năm 2003, khi tốc độ tăng trưởng đạt 200%. Với đà tăng trưởng hiện nay, các ngân hàng phát hành đang kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ trong những năm tới.

Ngay trong lúc này, các ngân hàng đang đua nhau thu hút khách bằng những sản phẩm, dịch vụ thẻ mới. VCB ngoài thẻ ghi nợ nội địa truyền thống, đang liên tiếp đưa thêm các loại thẻ tín dụng quốc tế, các sản phẩm thẻ kết hợp, thẻ phụ và đặc biệt là tăng thêm các dịch vụ giá trị gia tăng trên thẻ cho khách như thanh toán cước, nộp phí... Mới hôm qua, Ngân hàng Công thương (ICB) cũng rầm rộ tung ra dịch vụ kết nối thanh toán thẻ Visa, MasterCard với hệ thống ATM, tạo điều kiện cho chủ thẻ quốc tế dễ dàng rút tiền và thực hiện một số giao dịch khác tại máy rút tiền tự động.

Tốc độ tăng trưởng đang chậm lại

Đằng sau kết quả thống kê đẹp đẽ ấy, các ngân hàng đang phải tự nhìn lại mình sau hàng loạt khiếu nại, thậm chí khiếu kiện của khách hàng về chuyện tiền trong tài khoản thẻ vô cớ mất đi mà không có lời giải thích thoả đáng. ATM "chết" do nghẽn mạch, hỏng hóc kỹ thuật cũng diễn ra như cơm bữa nhưng khách hàng chỉ có nước ngậm ngùi chấp nhận để chờ giờ máy sống lại mà rút tiền. Vụ chủ thẻ kiện Techcombank đang mang lại thắng lợi pháp lý cho phía ngân hàng, song cũng phần nào làm mai một niềm tin nơi khách hàng.

Trưởng phòng Quản lý Thẻ VCB Nguyễn Tú Anh thừa nhận các ngân hàng đang mải mê đưa ra nhiều sản phẩm, phát triển nhiều dịch vụ song quan tâm chưa đúng mức tới việc giữ khách hàng. Trong phần lớn các vụ khiếu nại liên quan tới rủi ro thẻ, nguyên nhân được chỉ ra đều xuất phát từ khách hàng, do họ không thận trọng khi bảo quản thẻ và mã số bí mật, do họ quên các khoản mình đã chi tiêu... Song có những trường hợp khách hàng rất bức xúc vì đã đưa ra đầy đủ chứng cớ cho thấy rủi ro không xuất phát từ phía mình nhưng vẫn bị ngân hàng từ chối. Vì thế nhiều người tự rút ra kết luận: nếu xảy ra rủi ro, ngân hàng luôn luôn đúng, còn khách hàng luôn luôn chịu thiệt.

"Giao tiếp giữa ngân hàng và khách hàng đang có vấn đề. Tranh chấp giữa hai bên rất hãn hữu xảy ra, song gây ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường và rất tiếc đã để hình thành dư luận ngân hàng luôn luôn đúng, còn khách hàng luôn chịu thiệt thòi khi rủi ro thẻ phát sinh", bà Tú Anh nói.

Chưa biết ai đúng ai sai, song nhiều khách hàng đã nảy sinh tâm lý bất an, thậm chí có người còn từ chối sử dụng thẻ để phòng rủi ro.

"Không biết các ngân hàng khác thế nào, chứ Ngân hàng Ngoại thương - VCB đang gặp khó khăn trong phát hành thẻ. Đặc biệt, tốc độ phát triển tháng 12 chậm lại rõ rệt do những thông tin rủi ro. Nếu tăng trưởng bình thường như các tháng trước, lẽ ra chúng tôi đã được đón nhận khách hàng thứ 1 triệu. Điều đó cho thấy, khách hàng bắt đầu hoang mang", bà Tú Anh lo lắng khi trao đổi với VnExpress sáng nay.

Tìm hướng đi mới

Đua nhau phát triển thị phần, các ngân hàng phải cạnh tranh bằng giá và gặp khó khăn trong việc quản trị rủi ro. Chính vì vậy, đích mà các ngân hàng nhắm tới là sẽ từng bước chuyển từ công nghệ từ hiện nay sang công nghệ chip, nhằm tăng độ bảo mật và đa năng hoá các tiện ích trên thẻ. Dự kiến ngay từ năm sau, VCB và ICB sẽ là người đi đầu, chuyển toàn bộ hệ thống thanh toán, chấp nhận thẻ hiện nay sang công nghệ chip và thay thẻ chip cho các chủ thẻ tín dụng quốc tế cũng như chủ thẻ ghi nợ nội địa có nhu cầu.

Theo quy định của các tổ chức phát hành thẻ quốc tế như Visa và MasterCard, kể từ đầu năm sau, các ngân hàng thanh toán không có hệ thống chấp nhận thẻ chip sẽ phải tự gánh thiệt hại nếu phát sinh rủi ro do sử dụng thẻ từ (trước đây, rủi ro này được chuyển về bên phát hành thẻ). Bà Tú Anh cho rằng, chuyển đổi sang thẻ chip hay không là tuỳ vào kế hoạch và chiến lược của từng ngân hàng, song nhiều chuyên gia cảnh báo VN có thể là điểm đến cho các tội phạm thẻ quốc tế trong thời gian tới, bởi đây là thị trường mới song có tốc độ phát triển cao.

Để theo dõi được các giao dịch của khách hàng, tránh tình trạng chủ thẻ bị kẻ gian lợi dụng lấy tiền trong tài khoản, tất cả các ngân hàng đều có kế hoạch lắp camera tại các máy ATM.

Song Linh

Theo dòng sự kiện:
Chống rủi ro thẻ cần nỗ lực cả 2 bên (19/12)
Mất tiền từ thẻ ATM chẳng biết kêu ai (12/12)
Thanh toán bằng thẻ 'liên kết' chưa thuận tiện (21/11)
Mạnh tay với gian lận thẻ thanh toán (17/09)
Tuần này ATM có thể bị quá tải (29/08)
Xem tiếp»