Thủ công mỹ nghệ Việt phải hiểu cả văn hóa Mỹ
Các Website khác - 15/11/2005

Các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ VN hay nhấn mạnh tính văn hóa dân tộc trong sản phẩm. Song, đặc tính này đôi khi "chẳng có ý nghĩa gì" đối với người Mỹ. Với họ, những sản phẩm vừa có yếu tố văn hóa độc đáo của nước sản xuất lại vừa mang dấu ấn nơi mình đang sinh sống mới hấp dẫn.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, thách thức của người sản xuất VN hiện nay là phải lồng ghép được các yếu tố của nhiều nền văn hóa trong cùng một sản phẩm.

Trao đổi với VnExpress, ông Lưu Duy Dần, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề VN cho biết, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của VN rất đa dạng và phong phú, được lưu trữ, truyền đời qua nhiều thế hệ, và ẩn chứa trong đó nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng ngày nay, nếu cứ "bo bo" trong một vỏ bọc gọi là "truyền thống" như vậy mà không chịu tìm hiểu, tiếp thu cái mới cho phù hợp với thời đại, thì thật khó mà chiếm lĩnh thị trường và đứng vững trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Đối với thị trường lớn như Mỹ, những đòi hỏi về tính mỹ thuật và văn hóa trên mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ rất cao. Người Mỹ, mỗi khi đặt hàng thủ công mỹ nghệ, đều muốn ít nhất những sản phẩm này phải thể hiện được tính văn hóa bản địa, dấu ấn cá nhân, địa phương hay họ có thể gửi gắm một tư tưởng gì vào đó. Theo bà Becky Boswell Smith, Tổng biên tập tạp chí Home Accents Today, người Mỹ càng ngày càng có xu hướng quan tâm hơn tới yếu tố truyền thống có kết hợp với vẻ hiện đại. Họ có thể rất thích những nét độc đáo trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của riêng VN, nhưng cũng muốn sản phẩm họ sử dụng mang dấu ấn, hay cốt cách của văn hóa nơi mình đang sinh sống.

"Trên thực tế, có nghệ nhân của một làng nghề VN (đề nghị được giấu tên) rất nổi tiếng với mặt hàng thêu, thêu được những tấm thêu hình rồng phượng rất đẹp. Nhưng khách hàng Mỹ không ưa chuộng bởi nó không phù hợp với văn hóa của họ", ông Dần kể.

Mỹ được coi là một thị trường có tiềm năng lớn đối với hàng thủ công mỹ nghệ của VN, đặc biệt là hàng gốm ngoài vườn, gốm trang trí trong nhà, hàng mây tre, hàng thêu... Chỉ mới 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của VN sang thị trường này đạt 73,5 triệu USD, tăng 38,1% so với cả năm ngoái. Tuy nhiên, nếu so với các mặt hàng khác cùng xuất khẩu sang Mỹ thì kim ngạch hàng thủ công mỹ nghệ còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo các chuyên gia Bộ Thương mại, nhà sản xuất VN nên nghiên cứu những giá trị nghệ thuật và đặc tính văn hóa của các dân tộc để lồng vào sản phẩm xuất khẩu của mình, chứ không thể lúc nào cũng áp đặt những giá trị văn hóa của mình trên sản phẩm.

Ông Dần nhận xét, đây là một thách thức bởi hiện nay, dù số lượng lao động trong các làng nghề ngày một nhiều, nhưng kỹ năng lao động và trình độ dân trí ở một số nơi còn chưa cao. Đặc điểm của các làng nghề VN là có lao động cần cù, chịu khó, nhưng giữa các làng không liên kết được với nhau, thậm chí chống lại lẫn nhau. "Các làng nghề của VN rất đa dạng, phong phú nhưng nó giống như một bản hợp xướng không có nhạc trưởng chỉ huy, hoặc có chỉ huy nhưng người chơi lại solo", ông Dần ví von.

Trình độ kiến thức chưa cao cũng là lý do khiến người lao động gặp nhiều trở ngại khi phải đối mới công nghệ, kỹ mỹ nghệ, thay đổi mẫu mã hay nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn nữa ở ngay trong mỗi hộ gia đình, tay nghề thợ không đồng đều, chính vì vậy khi cung cấp sản phẩm cho thị trường với số lượng lớn thì chất lượng không đảm bảo yêu cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Nga, Giám đốc Công ty TNHH Linh Nhật, hiện nay năng lực thiết kế của các nhà thiết kế VN vẫn còn yếu. Do đó, mẫu mã làm ra thường chưa thỏa mãn được người tiêu dùng.

Hà Vy