Bưu điện tỉnh Bắc Cạn vừa có công văn phản ánh việc Viettel vi phạm luật cạnh tranh. Lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 1 tháng, Viettel bị đối thủ VNPT "tố giác" chơi xấu.
![]() |
Trạm thu phát sóng của VNPT (Quảng Ngãi) |
Trong công văn gửi Bộ Bưu chính Viễn thông, VNPT, Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Bắc Cạn nêu rõ, số báo Bắc Cạn ra ngày 6/1 có đăng tin quảng cáo cho dịch vụ viễn thông của Viettel, trong đó có bảng so sánh với giá cước dịch vụ của VNPT để khách hàng thấy được ưu điểm dịch vụ của mình.
"Viettel đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quảng cáo so sánh trong Luật cạnh tranh. Tuy nhiên, do họ mới vi phạm lần đầu nên chúng tôi chưa đề xuất phương án xử lý mà chỉ phản ánh lên các cấp có thẩm quyền", Giám đốc Bưu điện Bắc Cạn Nguyễn Thành Lưu khẳng định.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh, những trường hợp quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh như so sánh trực tiếp với sản phẩm của đối thủ sẽ bị xử lý. Mức phạt 15-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo như: So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về: giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; Cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành; Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác. |
Trước đó, Bưu điện tỉnh Bình Thuận cũng có văn bản phản ánh chuyện nhân viên của Viettel đến nhà khách hàng lắp thiết bị chuyển đổi các cuộc gọi đường dài sang dịch vụ VoIP 178 của họ.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó giám đốc Bưu điện Bình Thuận khẳng đinh: "Hầu hết khách hàng phản ánh họ bị nhân viên ép lắp đặt máy chứ họ không có nhu cầu. Rõ ràng nếu xét theo các quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông thì Viettel vi phạm quyền tự do lựa chọn dịch vụ của khách hàng".
Tuy nhiên, phía Viettel lại cãi rằng, nếu không có sự đồng ý của khách hàng sẽ không ai dám tự tiện vào nhà thân chủ để lắp đặt cả. Hơn nữa, trong một thị trường có nhiều nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp có thể tự do trình bày phương án và giới thiệu về sản phẩm của mình, việc chọn lựa cuối cùng thuộc về khách hàng. VNPT nếu muốn cũng có thể làm.
"Chúng tôi không ép mà chỉ đề xuất tặng máy, còn việc lắp đặt hay không khách hàng toàn quyền quyết định. Điều này, VNPT có thể đối thoại trực tiếp với khách hàng", vị đại diện Viettel nói.
Với vai trò cơ quan chủ quản, Bộ Bưu chính Viễn thông cho rằng, hiện nay Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông chưa có quy định cụ thể đối với những hành vi này. Tuy nhiên, nếu xét theo thỏa thuận kết nối giữa 2 doanh nghiệp thì Viettel đã vi phạm một số điều khoản. Bởi lẽ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không được cưỡng chế, không được làm thay đổi tính năng kỹ thuật của thiết bị đầu cuối. Theo Bộ, nhà máy thiết bị Bưu điện Postef, khi sản xuất máy điện thoại cố định, mặc dù có thể cài mặc định sẵn phím tắt 171 - dịch vụ của VNPT - nhưng khách hàng vẫn phải làm các thao tác và phải tự quay mới được sử dụng dịch vụ.
Hồng Anh
▪ Hàng ngàn chai rượu ngoại giả trên thị trường (19/01/2006)
▪ Mua chè của đồng bào dân tộc thiểu số với giá ưu đãi (19/01/2006)
▪ EU không ngăn chặn xuất khẩu giày da của Việt Nam (19/01/2006)
▪ Vận hành dự án mở rộng trạm biến áp Suối Dầu (19/01/2006)
▪ Đà Nẵng được hưởng một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi (19/01/2006)
▪ Áp lực cung cầu vốn đẩy lãi suất ngân hàng tăng cao (19/01/2006)
▪ Thị trường ôtô VN năm 2005 giảm sút 13% (19/01/2006)
▪ Nếu trước cách nhau 20cm, giờ chỉ còn 2 (19/01/2006)
▪ Phấn đấu đạt 75.000 - 80.000 người lao động VN làm việc ở nước ngoài (19/01/2006)
▪ Netco muốn gia nhập thị trường chuyển phát thư (19/01/2006)