![]() |
Đại diện VKS Hà Nội xin lỗi công dân Hoàng Minh Tiến bị kết án oan. Ảnh: P.Vũ. |
Theo TAND Tối cao, năm 2005 có 4 trường hợp bị kết án oan (giảm so với những năm trước). Cả 4 đều xuất phát từ những sai lầm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của công dân. Cùng với giảm án oan là việc gia tăng tình trạng bỏ lọt tội phạm.
Đó là những số liệu trong công tác xét xử các vụ án hình sự được TAND Tối cao công bố ngày 3/1 tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2005.
Năm 2006, toà án phấn đấu tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ dưới 1,16%; bị sửa dưới 4% trong tổng số các vụ án đã giải quyết. |
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện, ngược với tình trạng kết án oan là hiện tượng bỏ lọt tội phạm. Do đánh giá chứng cứ thiếu khách quan, toàn diện nên toà án cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo không phạm tội. Khi bản án đó bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì toà án cấp phúc thẩm lại thấy có căn cứ cho rằng người đó phạm tội và tuyên có tội. Ông Hiện cho rằng: "Những sai phạm này cần làm rõ trách nhiệm và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm để có biện pháp xử lý".
Trong các vụ án hình sự ngành toà án đã xét xử, tội phạm về ma tuý, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, mua bán phụ nữ, mại dâm... chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt, các loại tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, thương mại, dầu khí, bảo hiểm, xây dựng cơ bản; các hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT... đã xảy ra liên tiếp. Đây là nguyên nhân khiến số vụ việc đưa ra xét xử về những hành vi này tăng nhiều trong năm 2005.
Một mảng công tác khác của ngành toà án là xét xử các vụ dân sự. Năm 2005, tỷ lệ giải quyết các tranh chấp, yêu cầu về dân sự và kinh doanh thương mại thấp hơn 4% chỉ tiêu đặt ra, chỉ đạt 82%. Đặc biệt, các bản án, quyết định về kinh doanh thương mại và lao động bị huỷ, sửa cao hơn so năm trước. TAND Tối cao cho rằng cần khắc phục việc tuyên án không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự. Đây là vấn đề nổi cộm, cần khắc phục.
Ngành toà án nhận thấy, dù lượng công việc của toà án hành chính không nhiều, nhưng chất lượng lại không đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ án bị sửa là 5,7%, huỷ là 6,8%. Những số liệu này đều cao hơn 2,9% so với năm 2004. Theo Chánh án Hiện, hiện trạng này xảy ra do thẩm phán không nắm vững các quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn của TAND Tối cao. Chủ toạ phiên xử đánh giá chứng cứ phiến diện, chủ quan nên dẫn tới việc ra quyết định giải quyết vụ án không chính xác.
Ngày 3/1, kỷ niệm 60 năm thành lập, ngành toà án đã nhận huân chương Sao Vàng. |
Năm 2005, toàn ngành có 9 thẩm phán và 12 cán bộ toà án bị kỷ luật. 4 người trong số này bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Để chấn chỉnh cán bộ và hạn chế tiêu cực, ông Hiện nhấn mạnh: "Cần đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân với từng chức danh cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị và thẩm phán... Toà án nào để xảy ra việc kết án người vô tội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ sửa cao, có cán bộ vi phạm pháp luật... thì lãnh đạo toà án đó phải chịu trách nhiệm về công tác quản lý".
Anh Thư
▪ Chính sách hỗ trợ giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm gia cầm (03/01/2006)
▪ Tạo sự chuyển biến về quản lý đất đai (03/01/2006)
▪ Các kiểu “ăn bẩn” của Lê Bảo Quốc (03/01/2006)
▪ Tháng "củ mật" cần cảnh giác với các loại tội phạm (03/01/2006)
▪ Hà Nội thực hiện kê khai, xử lý tài sản công (03/01/2006)
▪ Công khai, minh bạch là khâu đột phá trong phòng, chống tham nhũng (03/01/2006)
▪ Quốc tịch nước ngoài cũng được hưởng thừa kế ở Việt Nam (03/01/2006)
▪ Bắt thêm một hung thủ đâm trung tá hải quân (03/01/2006)
▪ Kẻ giết người yêu diệt khẩu bị kết án chung thân (03/01/2006)
▪ G.Glitter bồi thường mỗi bé gái bị xâm hại tình dục 2.000 USD (03/01/2006)