Cả trăm hộ dân ở Đồng Mỏ (Lạng Sơn) là nạn nhân của nạn “vay khống”
Các Website khác - 25/11/2005
Dư luận thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đang nóng lên chung quanh chuyện hàng loạt hộ dân có tên khống trong sổ vay nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng chính sách xã hội huyện Chi Lăng.
Không vay tiền lại có giấy báo nợ (!)

Khu dân cư Hòa Bình 1, nơi có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao của thị trấn, nhiều hộ đang phải đối mặt với nguy cơ mất nhà đất, bị tịch biên tài sản. Bà Vi Thị Tố Uyên, ở khu Hòa Bình 1, thị trấn Đồng Mỏ bức xúc kể: "Khoảng tháng 10, tôi được ông Trần Chí Hình, khu trưởng khu Hòa Bình 1 thông báo có tên trong danh sách vay nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Bàng hoàng cả người vì vợ chồng tôi đều là công chức, có kinh doanh hay chăn nuôi gì đâu mà đi vay ngân hàng. Cùng lúc ấy, chị Trương Thị Dương là hàng xóm cũng nhận được tin báo giống tôi. Tên và địa chỉ trong danh sách đúng là của vợ chồng tôi, chỉ khác chữ đệm. Tôi làm đơn nói rõ sự việc và nộp cho ngân hàng, từ bấy đến nay không thấy thông tin gì nữa".

Có lẽ đây là "sự kiện" động trời ở một thị trấn miền núi khi kinh tế của người dân còn quá eo hẹp, người dân thật thà chân chất bỗng nhiên trở thành "nạn nhân" của những món nợ "trên trời rơi xuống". Càng vô lý hơn nữa khi chúng tôi tiếp xúc với bà Phạm Thị Thê, cũng ở khu Hòa Bình 1. Bà Thê cho biết: Ngày 13-10, bà nhận được giấy báo nợ của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chi Lăng yêu cầu phải hoàn trả số tiền vay của ngân hàng gần 10 triệu đồng. Gia đình hết sức ngỡ ngàng vì không hề vay vốn. Và trong bảng danh sách nợ ở Ngân hàng chính sách lại có tên con trai bà Thê là Nguyễn Lan Phương Hà (tên thật là Nguyễn Lan Phương) và người ta lại dựng cho anh một cô vợ mặc dù anh chưa kết hôn lần nào?!

Cho “vay ké” nợ bé thành nợ to

Ngoài việc phải chịu món nợ "khống”, một số người dân ở Đồng Mỏ đang lâm vào bước đường cùng khi họ là nạn nhân của hàng loạt vụ "vay ké" do bà Tổ trưởng Tổ phụ nữ Trần Thị Tuyết "đạo diễn". Trong ngôi nhà cấp bốn nằm sát bìa rừng của vợ chồng anh Ninh Văn Nóm ở khu Hòa Bình 1 chẳng có vật dụng gì đáng giá, là chỗ che mưa nắng của vợ chồng anh và 5 đứa con, nhưng đang đứng trước nguy cơ bị phát mại nếu anh không có tiền trả nợ ngân hàng.

Cách đây bốn tháng, anh được bà Trần Thị Tuyết đến “thăm” và gợi ý vay vốn của Ngân hàng để xóa đói giảm nghèo. Gia đình anh chẳng làm ăn hay tăng gia sản xuất gì mà phải vay tiền. Nhưng bà Tổ trưởng phụ nữ vẫn ngọt nhạt: “Chú không vay thì cho tôi vay”. Anh Nóm đồng ý ra ngân hàng ký tên vào giấy vay nợ rồi về nhà mà không hề biết đồng tiền vay tròn méo thế nào. Suy nghĩ của anh Nóm hết sức đơn giản: Mình chỉ ký tên chứ mình không vay. Thế rồi, Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Chi Lăng báo nợ về gia đình với số tiền vay 10 triệu đồng, tiền lãi là 506 nghìn đồng. Người đàn ông dân tộc Tày thật thà chất phác này đến giờ vẫn còn nửa tỉnh nửa mê: “Tôi không vay tiền ngân hàng mà là bà Tuyết vay".

Cùng hoàn cảnh với anh Nóm còn cả 100 hộ gia đình do thiếu hiểu biết đã mắc bẫy “kịch bản" của bà Tuyết. Trong số ấy rất nhiều người có hoàn cảnh hết sức khó khăn, có người chữ viết còn chưa hoàn chỉnh nhưng khi bị bà Tuyết ngọt nhạt đã ký vào giấy vay nợ ngân hàng mà bản thân số tiền đó họ không được nhận. Nhiều người chỉ có nhu cầu vay 2 triệu đồng, nhưng bà Tuyết vẫn thuyết phục họ vay 10 triệu để bà ta ké vào 8 triệu. Hầu hết nạn nhân đều có trình độ dân trí thấp, bà Tuyết bảo đâu họ làm đấy.

Ai chịu trách nhiệm?

Lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết, thủ tục cho vay vốn theo quy định là rất chặt chẽ. Trong mỗi hồ sơ vay vốn gửi lên ngân hàng đều có đủ các thủ tục, giấy tờ và có xác nhận của chính quyền địa phương. Để xảy ra vụ việc trên là do cán bộ tín dụng là bà Vi Nguyệt Hồ có sai sót khi không tiến hành kiểm định hồ sơ theo quy định. Vậy thì bà Tuyết đã "lách” vào đâu để làm những bộ hồ sơ khống khi nhiều cái tên chủ hộ vay vốn trong hồ sơ không có trên thực tế?

Ông Lý Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Mỏ đã trả lời không có sức thuyết phục: "Thị trấn có tới 8.000 dân nên không thể quản lý được hết mà giao cho các hội, đoàn thể quản lý. Việc xác nhận sai chỉ là khuyết điểm. Trách nhiệm thuộc về ngân hàng. Ngân hàng phải tìm hiểu có người thật việc thật thì mới cho vay tiền chứ?”. Theo cái lý của ông chủ tịch, người ta còn cần sự xác nhận của chính quyền địa phương để làm gì?

Hiện cơ quan Công an đang tiến hành điều tra vụ việc này.

Theo Công an nhân dân