Công an đã bắt giữ Trương Đức Lượng (SN 1983, trú tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) và Nguyễn Tiến Cường (SN 1983, trú tại thị xã Bắc Giang, Bắc Giang). Lượng và Cường cùng tạm trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Lượng vừa ra trường, mới vào làm nhân viên tin học tại Trung tâm Điện toán và truyền số liệu khu vực I có trụ sở tại phố Tây Sơn (Hà Nội). Cường nguyên là sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đã từng bị lưu ban và gần đây bị đuổi học do kết quả học tập kém.
Qua nắm tình hình, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã phát hiện một số đối tượng có trình độ tin học và tiếng Anh giỏi, có khả năng lên mạng Internet lập các giao dịch mua hàng hóa từ nước ngoài thông qua các website bán hàng trung gian. Kiểm tra thì các đối tượng này không có tiền mà thường xuyên vào tài khoản của người nước ngoài, trộm tiền trên thẻ tín dụng của họ rồi mua hàng chuyển về Việt Nam.
Khi bị triệu tập đến cơ quan điều tra, Lượng khai thủ đoạn anh ta vào một số diễn đàn (forum) trên mạng Internet. Trên những diễn đàn này, dân hacker (tin tặc) đã đánh cắp sẵn các thông tin về thẻ tín dụng (tên chủ tài khoản, mật khẩu, và các thông tin khác liên quan) cung cấp cho các thành viên diễn đàn dùng miễn phí.
Lượng lấy các thông tin này, điền vào các giao dịch mua hàng trên một số các trang web chuyên bán hàng qua mạng như amazon.com (Mỹ) hoặc amazon.co.uk (Anh)... Khi giao dịch thành công, chủ thẻ tín dụng là người phải trả tiền cho những món hàng mình không mua mà không hay biết, còn Lượng chỉ ung dung ngồi tại Việt Nam chờ hàng chuyển về qua đường bưu điện.
Vì hành vi "bẻ khóa" tinh vi nên Ngân hàng Quốc tế cũng không biết, xác nhận với Amazon rằng đó là tài khoản thật, có đủ tiền và vì vậy Amazon chỉ việc mua hàng và chuyển về Việt Nam cho Cường và Lượng theo địa chỉ đã ghi sẵn trong giao dịch mua bán trên mạng. Lượng khai, anh ta chỉ đánh cắp mỗi lần khoảng 150 – 200 euro, và mỗi tài khoản chỉ thực hiện đánh cắp một lần. Lượng cho rằng, với số tiền “ít ỏi” như vậy, cuối mỗi tháng chủ tài khoản phát hiện ra mình mất tiền trong tài khoản cũng sẽ không kiện cáo. Mà nếu khách hàng có kiện cáo thì Công ty Amazon sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù, còn mình... vô can!
Với thủ đoạn trên, Nguyễn Tiến Cường cũng đã nhiều lần nhận được hàng chuyển về Việt Nam qua Bưu điện TP Hà Nội. Để che giấu tung tích, Cường đã làm CMND giả mang tên Ngô Tiến Cường để xuất trình mỗi lần đến bưu điện nhận hàng. Ngày 16- 11 vừa qua, khi đang làm thủ tục để nhận một máy tính xách tay trị giá 2.000 USD gửi từ nước ngoài về thì Cường bị Công an Hà Nội phát hiện.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong năm 2004, Cường và Lượng đã lập 10 giao dịch mua hàng từ các nước như Anh, Mỹ, với số tiền trị giá khoảng 1.500 euro; chủng loại hàng chủ yếu là sách tiếng Anh, sách tin học của các NXB nước ngoài, trị giá mỗi cuốn từ 70-200 USD. Tất cả những số hàng này đã được Công ty bán hàng qua mạng chuyển về Việt Nam. Về số hàng mà Cường nhận được không chỉ là những cuốn sách, mà còn có những hàng “cao cấp” như máy tính xách tay, điện thoại di động giá trị hàng nghìn USD.
Theo khai nhận của Cường và Lượng, chúng đã đột nhập vào tài khoản của 10 người nước ngoài, chủ yếu có quốc tịch Anh và Mỹ. Các chủ tài khoản ngay khi bị mất không phát hiện ra mà phải đến cuối tháng kiểm tra mới biết, kiểm tra ở Công ty Amazon chỉ biết là chuyển hàng về một nước thứ ba mà không biết nước nào.
Với hành vi chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn tinh vi, Cơ quan điều tra đã tạm giữ Cường – Lượng, thu giữ các tang vật liên quan. Vụ án còn liên quan đến một số đối tượng khác cũng với thủ đoạn tương tự, đang được Công an Hà Nội mở rộng điều tra.
|