Xử phạt giao thông qua hình ảnh là... trái luật
Trong số tám văn bản do UBND TP ban hành trong hai năm (2003 và 2004), có đến bốn văn bản liên quan đến lĩnh vực xử phạt ATGT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đó là Công văn 7696/UB-ĐT ngày 14-12-2003 của UBND TP về tăng cường kiểm tra xử phạt vi phạm đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Nội dung Công văn này quy định những trường hợp lưu thông trên một số tuyến đường bắt buộc đội mũ bảo hiểm mà không thực hiện thì ngoài hình thức phạt tiền còn bị tạm giữ xe trong vòng 10 ngày đối với người vi phạm.
Đối chiếu với khoản 1 Điều 10 Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19-2-2003 của Chính phủ quy định cho thấy, chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền chứ không quy định phải giam xe. Được biết, đến nay TP Hồ Chí Minh đã không còn thực hiện việc tạm giữ phương tiện, Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh cũng đã có Công văn đề nghị hủy nội dung trái pháp luật này.
Nhằm tăng cường trật tự kỷ cương, xây dựng nếp sống văn minh đô thị tại thành phố, dựa trên cuộc họp bất thường của HĐND và đề nghị của Công an và Sở Tư pháp, ngày 27-6-2003, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 106/2003/QĐ-UB về áp dụng một số biện pháp xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT tại thành phố.
Theo đó, khoản 1 Điều 1 và Điều 2 quy định "biện pháp tịch thu xe, tạm giữ phương tiện vi phạm ATGT" đối với những trường hợp tái phạm như điều khiển lạng lách, đánh võng hoặc đuổi nhau trên đường phố; điều khiển bằng một bánh đối với xe hai bánh; buông hai tay khi điều khiển; đua xe trái phép (nếu như chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự)... Ngoài ra, Quyết định này còn áp dụng thêm cả biện pháp giam giữ xe (Điều 3) có thời hạn từ 20 ngày đến 60 ngày đối với những trường hợp vi phạm.
Văn bản này, Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị hủy bỏ vì UBND TP ban hành trái quy định pháp luật về biện pháp tịch thu xe, tạm giữ phương tiện đối với một số hành vi vi phạm ATGT được quy định tại Nghị định 15/2003/NĐ-CP. Hơn nữa, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 134/2003/NĐ- CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) quy định: "Các văn bản do UBND ban hành không được quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt".
Tương tự, căn cứ Tờ trình của Công an và Sở Tư pháp vào ngày 30-8-2004, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 210/2004/QĐ- UB về quy định thủ tục xử phạt qua hình ảnh một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại thành phố. Đây là chủ trương được UBND TP Hồ Chí Minh đầu tư rất nhiều kinh phí cho công tác được đánh giá hiện đại nhất hiện nay.
Tuy nhiên, theo Cục Kiểm tra VBQPPL thì hiện các quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định của Chính phủ "chưa hề cho phép thực hiện thủ tục xử phạt thông qua hình ảnh. UBND TP ban hành văn bản quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính thông qua hình ảnh là vượt thẩm quyền, trái quy định của pháp luật"...
Không hủy bỏ sẽ bị kiến nghị xử lý
Ngoài bốn văn bản liên quan đến lĩnh vực xử phạt ATGT ban hành trái thẩm quyền, Cục Kiểm tra VBQPPL còn đề nghị UBND hủy bỏ hoặc sửa đổi một phần đối với một số quy định khác. Chẳng hạn như quy định quản lý và giúp đỡ học viên cai nghiện ma túy và người sau cai nghiện hồi gia (Quyết định số 114/2004/QĐ-UB ngày 23-4-2004) quy định: "Người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị, Hiệu trưởng các trường học nếu không thực hiện đúng cam kết về việc tiếp nhận người hồi gia vào làm việc và học tập thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt VPHC".
Căn cứ này không ổn, như đã viện dẫn ở phần trên, Nghị định 134/NĐ-CP quy định, các văn bản do UBND ban hành không được quy định hành vi vi phạm hành chính. Do đó quy định trên của UBND TP là trái pháp luật. Chưa hết, cùng ngày, UBND TP còn ban hành Quyết định 113/2004/QĐ-UB còn "đòi" xử lý cả... hình sự đối với những trường hợp "không trung thực trong việc cam kết bão lãnh người hồi gia về đi làm, đi học".
Có văn bản quy định thẩm quyền của cán bộ cao hơn... Pháp lệnh Xử lý VPHC. Chẳng hạn như, Quyết định 107/2003/QĐ-UB ngày 27-6-2003 của UBND TP về quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn trong việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính về trật tự xây dựng tại TP Hồ Chí Minh. Quyết định này cho phép "Tổ quản lý trật tự đô thị có nhiệm vụ lập biên bản và đình chỉ hành vi vi phạm hành chính". Trong khi đó, Điều 2 Pháp lệnh Xử lý VPHC năm 2002 chỉ quy định "lập biên bản về VPHC".
Quyết định 104/2003/QĐ-UB ngày 27-6-2003 về quản lý người lang thang ăn xin, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, còn dám tự... cho phép "áp dụng trong thời gian Chính phủ chưa ban hành Nghị định về xử phạt VPHC trong một số lĩnh vực trật tự, an toàn đô thị tại TP Hồ Chí Minh". Theo Cục Kiểm tra VBQPPL, văn bản này cũng trái pháp luật do không đủ thẩm quyền để quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử phạt...
Theo ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sau khi đi kiểm tra đã phát hiện tại TP Hồ Chí Minh có những văn bản có nội dung trái pháp luật của các VBQPPL. Những văn bản này cần phải được hủy bỏ toàn bộ nội dung hoặc một phần do vượt quá thẩm quyền ban hành. Ông Sơn đề nghị UBND TP phải xử lý những văn bản trái luật trước ngày 10-2-2006.
|