Iraq có chính phủ mới Hơn 5 tháng kể từ sau cuộc tổng tuyển cử tháng 12.2005, chính phủ mới của Iraq đã hình thành và bắt đầu phiên họp đầu tiên hôm 21.5. Cho đến phút cuối cùng, bất đồng giữa các phe phái về một vài vị trí chủ chốt vẫn còn gay gắt khiến cho lễ nhậm chức của nội các mới hôm 20.5 phải trì hoãn 2 giờ so với dự kiến. Và chính phủ mới vẫn khuyết tên 3 vị bộ trưởng phụ trách an ninh.
Tân Thủ tướng Nouri al-Maliki và nội các 40 người của Iraq đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tại toà nhà Quốc hội Iraq trong vùng Xanh ở trung tâm Baghdad hôm 20.5. Sau 2 giờ trì hoãn do những tranh cãi vào phút cuối cùng, các nghị sĩ mặc áo choàng Arab truyền thống bước vào toà nhà quốc hội. Các ứng cử viên do Thủ tướng al-Maliki đề cử đều được thông qua nhanh chóng bằng biểu quyết. Tuy nhiên, dấu hiệu chia rẽ vẫn lộ rõ khi 3 vị trí bộ trưởng phụ trách an ninh vẫn còn để trống. Thủ tướng al-Maliki (người Shiite) tạm thời giữ cương vị quyền Bộ trưởng Nội vụ. 2 vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng An ninh Nội địa được tạm giao cho 2 Phó Thủ tướng Salam Zikam al-Zubaie (người Sunni Arab) và Barham Saleh (người Kurd). Trước đó vài giờ, nghị sĩ dòng Sunni Arab Saleh al-Mutlaq đã yêu cầu hoãn lễ nhậm chức cho tới khi nào 3 ghế trên được thoả thuận xong. Ông đã phát biểu hết sức căng thẳng trong gần 10 phút đồng hồ, đến nỗi người ta phải cất microphone đi. Sau đó, ông al-Mutlaq và 10 nghị sĩ Sunni khác bỏ ra ngoài để phản đối, nhưng nghi lễ nhậm chức vẫn được tiến hành. Một núi công việc Trong phiên họp đầu tiên của chính phủ, Thủ tướng Al-Maliki nhấn mạnh khôi phục an ninh sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông. "Thách thức đầu tiên mà chúng tôi phải đối mặt là làm thế nào để đối phó với những kẻ khủng bố đang phá hoại đất nước" - ông nói. Ông Al-Maliki cũng đưa ra kế hoạch 34 điểm nhằm đảm bảo an ninh, thực thi luật pháp và khôi phục các dịch vụ cơ bản như điện, nước, y tế... Tổng thống Mỹ G.Bush - người đang phải chịu những chỉ trích ngày càng gia tăng về vấn đề Iraq, hôm 20.5 đã hoan nghênh việc thành lập chính phủ mới ở Iraq. Ông cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ chính quyền Baghdad. "Mỹ và các quốc gia yêu chuộng tự do trên thế giới sẽ sát cánh cùng Iraq" - ông Bush nói. Sau khi chính phủ mới của Iraq được thành lập, một vấn đề khiến dư luận quan tâm là bao giờ liên quân sẽ rút khỏi Iraq. Bộ trưởng Ngoại giao Italia Massimo D'Alema hôm 20.5 thông báo, chính phủ mới của nước này sẽ bắt đầu lập kế hoạch rút quân khỏi Iraq trong vài ngày tới. Báo chí Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi sẽ thảo luận về việc rút quân khỏi Iraq với Tổng thống Bush trong cuộc gặp thượng đỉnh tháng 6 tới và sẽ thực hiện vào đầu tháng 7. Về phần mình, Đại sứ Mỹ tại Iraq Zalmay Khalilzad lại một lần nữa cảnh báo về những nguy hiểm của việc rút quân sớm. Nhưng ông cũng cho biết về mặt chiến lược, Mỹ đang tiến về phía giảm quy mô lực lượng ở Iraq. Thủ tướng Anh Tony Blair cũng mập mờ rằng, Anh hy vọng sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho người Iraq càng sớm càng tốt, nhưng lính Anh sẽ ở lại Iraq cho đến khi còn cần thiết. Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn hôm 20.5 tại khắp Iraq làm ít nhất 31 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Cùng ngày, cảnh sát đã phát hiện 15 thi thể người Iraq ở phía nam Baghdad. Hầu hết các nạn nhân đều bị tra tấn trước khi bị bắn chết. TR.M (Theo AP. Reuters) |
▪ Tìm kiếm tiếng nói ủng hộ công cuộc cải tổ Liên Hợp quốc (20/05/2006)
▪ Hai lần trực diện chủ nhân ngôi nhà chung thế giới (20/05/2006)
▪ Thư rùa (21/05/2006)
▪ Nhà thổ cho phụ nữ (21/05/2006)
▪ Khoả thân để chạy trốn (21/05/2006)
▪ Cựu Tổng thống Indonesia Suharto đang trong tình trạng nguy kịch (19/05/2006)
▪ Đưa đầu vào rọ (19/05/2006)
▪ Du khách tới Nhật Bản sẽ phải lăn dấu tay (19/05/2006)
▪ Iran quay lưng với đề xuất của EU (19/05/2006)
▪ Bão Chanchu đổ vào miền nam Trung Quốc (19/05/2006)