Phim hay chưa nhiều
Các Website khác - 14/10/2008

 

Thanh Hằng và Johnny Trí Nguyễn trong phim Nụ hồn thần chết. Ảnh: T. Ngân

Nếu phải nêu ra một nét nổi bật của sản phẩm phim điện ảnh (phim nhựa 35 ly) trong năm 2008 thì đó chính là: Cả giới sáng tác lẫn những nhà sản xuất phim đã hết sức lưu tâm tới yêu cầu “phim làm ra phải hấp dẫn, lôi cuốn người xem”

Khoảng mươi mười lăm năm trước, có đốt đuốc đi tìm cũng không thể nào thấy tại một hãng phim chính mác “quốc doanh” như Hãng phim Truyện VN lại dám tung ra thị trường một sản phẩm như Vũ điệu tử thần. Câu chuyện kể từ màn ảnh được trù liệu khá kỹ càng, nhuần nhuyễn các yếu tố “ăn khách”: hình sự, hành động, mộng mơ, diễn viên đẹp, tiết tấu nhanh và cung cách biểu hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại.

Nổ phát súng đầu tiên với bộ phim Em muốn là người nổi tiếng, Hãng phim Hội Điện ảnh VN cũng nhắm tới lớp người xem trẻ tuổi, trong mấy ngày Tết âm lịch. Rừng đen – một bộ phim khác của Hãng phim Truyện VN - ai dám bảo là đã nằm ngoài quỹ đạo phim ăn khách? Phim kể chuyện về thế giới lâm tặc, khá đậm đặc yếu tố sex, kịch tính căng thẳng, dàn diễn viên lựa lọc chuẩn. Nhưng cho đến tận thời điểm này, Rừng đen vẫn chưa “đột” được vào mạng lưới phát hành phim, vì vậy “trượt” mất tấm vé “ứng cử viên VN” tham gia giải Oscar cũng là một điều cần được mổ xẻ.

Nói như vậy không có nghĩa là trong số phim của các hãng phim Nhà nước không còn tìm thấy tì vết của căn bệnh làm phim theo áp đặt chủ quan của tác giả, tư duy trượt theo lối mòn. Chớp mắt cùng số phận (Hãng phim truyện I) đã kể một câu chuyện về thân phận người lính từ chiến tranh kéo sang thời bình. Từ đề tài, chủ đề đến cốt kịch không hé lộ điều gì mới; đây đó còn gặp những cảnh, những trường đoạn “cóp” thẳng từ những bộ phim kinh điển của nước ngoài. Giá mua một thượng đế của Hãng phim Giải phóng mang một cái “tít” khá khêu gợi nhưng nội dung cũng không cất cánh khỏi một câu chuyện xoay quanh mẫu người có thật trong những năm tháng chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường.

Năm 2008, các hãng phim tư nhân cho ra mắt cả thảy 4 bộ phim truyện nhựa. Nhà sản xuất Phước Sang vươn dài tầm tay cộng tác với các nhà điện ảnh Hàn Quốc để thực hiện bộ phim Mười. Tạo hình tốt, âm thanh rất gây ấn tượng, đề tài “ma”, dàn diễn viên gồm cả VN lẫn Hàn... nhưng xem ra câu chuyện không hợp khẩu vị người Việt mình. Hãng Senaflim cho ra mắt Duyên trần thoát tục kể chuyện về Đức Phật – theo ý riêng của chúng tôi - là một nỗ lực rất đáng ghi nhận trong việc tìm đề tài lạ, nhắm tới một số lượng người xem rất cụ thể. Chưa thấy báo giới đề cập tới thành công về mặt doanh thu của bộ phim này, nhưng tin chắc rằng hãng phim không hề thua lỗ.

Trong 11 bộ phim truyện nhựa (của Nhà nước và tư nhân) thành công về cả doanh thu lẫn danh tiếng (với 4 giải thưởng Cánh diều vàng 2007) nổi lên bộ phim Nụ hôn thần chết của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Hãng phim Thiên Ngân sản xuất. Diễn viên trẻ đẹp; câu chuyện khá lắt léo, ly kỳ và về tài cài đặt, bày trò để có cái mà xem, mà hấp dẫn. Đạo diễn trẻ Nguyễn Quang Dũng đã tiến một bước xa so với bộ phim Hồn Trương Ba da hàng thịt trước đây của anh. Với bộ phim này, càng thấy rõ Hãng phim Thiên Ngân đã là bệ phóng tin cậy cho "quả tên lửa" còn giàu năng lượng Nguyễn Quang Dũng bay xa, bay cao.

Giải Cánh diều vàng 2007 diễn ra tại TPHCM vào tháng 3-2008 đã trao giải Nữ diễn viên xuất sắc cho cô học sinh TP Huế Đỗ Lan Hà, người đóng vai chính trong bộ phim Trái tim bé bỏng của Hãng phim Truyện VN. Theo chúng tôi, ngôi sao sáng giá nhất trong năm 2008 và sẽ hứa hẹn nhiều vai diễn ấn tượng cho điện ảnh nước nhà những năm sau này phải là Đan Lê – người đóng vai chính trong bộ phim Em thích là người nổi tiếng.

Cuối cùng, không thể né tránh một sự thật đáng buồn: Dù vật vã, trăn trở quanh câu hỏi làm thế nào để thu hút người xem đến rạp, phim có doanh thu cao, nhưng nói tới mảng phim nhựa cũng chỉ gói gọn trong số phim chiếu dịp Tết Mậu Tý (và được xét tuyển để trao Giải Cánh diều vàng 2007). Năm 2008 này, tuyệt nhiên không có phim mới trù liệu cho những ngày hè hoặc cho dịp khai giảng năm học mới. Đó là một thiệt thòi cho công chúng yêu điện ảnh VN.

Tô Hoàng