“Chàng liều” về bản xây thủy điện
Các Website khác - 09/07/2008

Vừa xắn ống quần quá đầu gối, anh Phạm Bá Đợi (33 tuổi), ở bản Pu, xã vùng cao Thành Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) ào xuống làn nước để kiểm tra đường dẫn nước vào các “nhà máy thủy điện” của mình đặt trên dòng suối Pu.

 Anh Phạm Bá Đợi bên “nhà máy thủy điện” công suất 10 kw, xây dựng trên dòng suối Pu, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Hoàng Lam

Vịn tay lên thành máy phát điện 10 kw được đặt vững chãi trong một khối bê tông, anh Đợi ngước nhìn tôi đang đứng trên con đập đá ngăn dòng suối Pu cười hiền: “Với lượng nước này, đồng bào yên tâm dùng điện rồi”.

Kỹ sư của bản” học hết... lớp ba

“Ngày Đợi ở tuổi đến trường, cả bản Pu cùng gia đình tôi nghèo lắm. Lũ trẻ trong bản cứ một buổi đến trường, một buổi vào rừng đào củ mài ăn thay cơm. Học hết lớp ba, Đợi nằng nặc đòi bố mẹ cho nghỉ học để ra Co Lương (Mai Châu, Hòa Bình) tìm việc phụ giúp gia đình. Nói tuần trước, tuần sau Đợi bỏ chiếc cặp sách vào góc nhà sàn rồi trốn ra Co Lương”- Ông Phạm Bá Thiệm (56 tuổi), bố của anh Đợi tâm sự.

Thời gian đầu, Đợi học sửa chữa xe máy. Chỉ sau ba tháng học nghề, Đợi đã được chủ tiệm sửa xe máy trả lương. Khi đó, tiền lương tháng của Đợi mua được cả tạ gạo. Không dừng lại ở học sửa xe máy, anh còn học sửa chữa ti vi, đồ điện dân dụng.

Sau nhiều năm làm nghề ở Co Lương có được chút vốn liếng, đầu năm 2000, anh về Thành Sơn mở tiệm sửa chữa xe máy và các thiết bị sử dụng điện. Ngày đó, cả ba xã vùng cao là Trung Sơn, Trung Thành và Thành Sơn (huyện Quan Hóa) chỉ có tiệm của Đợi sửa được xe máy, đồ điện nên không lúc nào ngớt khách.

Xe máy, các thiết bị điện của đồng bào hư hỏng kiểu gì, Đợi cũng sửa được. Ông Đinh Xuân Soạn, ở bản Pu, xã Thành Sơn, kể: “Ở vùng cao, đường sá đi lại khó khăn, nên xe máy chỉ chạy được vài tháng là nằm ì giữa đường.

Cái ti vi đen trắng đang xem thì mất hết người trên màn hình, chỉ còn một lũ... muỗi. Thế mà khi qua bàn tay của chú Đợi, cái xe máy lại chạy ngon ơ à; cái ti vi bỗng nhiên lại “gọi” được người về à. đồng bào ở vùng cao Quan Hóa quen gọi chú Đợi bằng cái tên thân mật: “Kỹ sư của bản”.

Ngồi cặm cụi sửa chiếc máy phát điện mi ni cho bà con, anh Đợi nói: “Ước mơ ngàn đời nay của chúng tôi là có ánh điện lưới quốc gia về bản, nhưng đến nay vẫn còn chờ đợi.

Cách đây 5 năm, khi máy phát điện mini (loại 0,5- 1kw) chạy bằng sức nước của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường các xã vùng cao đã phần nào đưa ánh điện về một số gia đình có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của loại máy phát điện này là độ bền không cao, đặt ở suối thường bị trôi khi mùa mưa lũ về; chi phí lắp đặt cao...

Từ nguyên lý hoạt động của máy phát điện mini chạy bằng sức nước, tôi đã cải tiến, lắp đặt hệ thống tua bin cho máy phát điện cỡ lớn để đưa ánh điện về với bản làng một cách ổn định”.

Chị Hà Thị Hoa- vợ anh Đợi bộc bạch: “Bây giờ nghĩ lại mới thấy anh ấy “liều”. Đầu tháng 2 năm 2006, bọc trong túi hơn 10 triệu tiền tích cóp của gia đình nhiều năm, anh ấy ra Nam Định tìm mua một chiếc máy phát điện công suất 5 kw, rồi về Co Lương ở miết trong xưởng cơ khí của một người bạn để chế tạo, lắp ráp tua bin.

 Sau một tuần, anh ấy chở chiếc máy phát điện và chiếc tua bin được chế hoàn chỉnh về nhà, buông một câu chắc nịch: “Anh sẽ xây dựng nhà máy thủy điện”.

Miệng nói, tay làm, sáng hôm sau anh Đợi cùng bố và vợ con hì hục khuân đá, xi măng xuống chặn dòng suối Pu, xây dựng “nhà” để lắp máy phát điện. Rồi hệ thống đường dây điện dài hơn 1km được kéo từ “nhà máy thủy điện” đặt trên dòng suối Pu về nhà cũng được anh Đợi hoàn tất.

Hôm “đóng” điện đầu tiên, cả bản Pu kéo đến nhà anh Đợi chứng kiến, vui như ngày hội. Khi ánh điện bừng sáng, rồi chiếc tivi màu đặt giữa nhà anh Đợi được bật lên với khuôn hình căng nét, âm thanh trong trẻo, đồng bào trong bản vỗ tay rào rào.

Đưa dòng điện về các bản làng

Sau khi anh Đợi lắp đặt thành công chiếc máy phát điện công suất 5kw, nhiều gia đình trong bản đã đến đăng ký “mua” điện của anh.

Đến nay, sau hơn một năm triển khai xây dựng, lắp đặt các “nhà máy thủy điện”, anh Đợi đã xây dựng được 15 máy phát điện (loại từ 3- 10 kw) trên nhiều dòng suối ở các xã Trung Thành, Trung Sơn, Thành Sơn (huyện Quan Hóa); Trung Lý, Mường Lý (huyện Mường Lát).

Mỗi máy phát điện của anh Đợi đang cung cấp điện sinh hoạt ổn định cho 20 hộ gia đình, với giá bán điện là 2.000 đồng/kwh. Ngoài ra, “nhà máy thủy điện” của anh Đợi còn cấp điện cho UBND xã, trạm Y tế xã và các trường học ở xã Thành Sơn.

Ông Ngân Văn Dướng, Bí thư Đảng ủy xã Thành Sơn, cho biết: “Có điện của anh Đợi, các thiết bị như máy vi tính, máy photocopy, máy in, quạt máy của xã mới sử dụng được. Như vậy hiệu quả công việc của xã được nâng lên rõ rệt”. Còn bà Hà Thị Nguyệt, ở bản Pu: “Có điện anh Đợi đưa về bản, đồng bào Thái mình vui và ưng cái bụng lắm.

Từ nay người vùng cao chúng tôi cũng đã biết dùng cái tivi màu để nghe các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; biết dùng cái nồi cơm điện, cái quạt máy cho mình đỡ khổ. Có điện sáng, lũ trẻ từ nay không phải học bài bên ánh đèn dầu tối mù mù nữa”.

Bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua sắm, lắp đặt các “nhà máy thủy điện”, cung cấp điện cho đồng bào ở nhiều xã vùng cao, anh Đợi đã và đang góp phần đưa “ánh sáng văn minh” đến với người dân nơi đây.

Trận lũ lịch sử đầu tháng 10/2007 làm hư hỏng một số đập, tua bin của máy phát điện... với tổng thiệt hại lên tới gần 50 triệu đồng nhưng không làm anh Đợi nản lòng. “Sau lũ, tôi đã kịp thời tu sửa các chỗ hư hỏng của các nhà máy thủy điện để đảm bảo cấp điện sinh hoạt ổn định, thường xuyên cho đồng bào.

Đã bén duyên với nghề, một ngày đồng bào không có điện dùng là mình không yên tâm”- Anh Đợi vừa tâm sự với chúng tôi vừa lắp đặt xong bộ tua bin mới cứng do anh chế tạo để sắp tới anh lại lên đường đi xây dựng “nhà máy thủy điện” trên dòng suối Khiết ở xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa.    

Hoàng Lam