"Ða nguyên, đa đảng" có phải là "chiếc đũa thần" để chấn hưng và phát triển đất nước?
Các Website khác - 28/03/2006
Về những ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X, Thông báo của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX khẳng định: "Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận nghiêm túc, tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng để làm cho các văn kiện Ðại hội thực sự là kết tinh trí tuệ của toàn Ðảng, toàn dân ta. Ðối với một số vấn đề phức tạp, còn có ý kiến khác nhau, Ban Chấp hành Trung ương xin lắng nghe và tiếp tục nghiên cứu sau Ðại hội, đồng thời kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ những ý kiến mang động cơ xấu, chống đối, thù địch, lợi dụng việc góp ý với Báo cáo Chính trị để xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta".

Ðiều khẳng định trên đây cho thấy sự nghiêm túc, lập trường nhất quán; đồng thời cũng thể hiện thái độ dứt khoát của Ðảng ta trước các luận điểm sai trái, các đòi hỏi vô lý mà các thế lực thù địch cùng một số phần tử cơ hội đã và đang tuyên truyền nhằm gây rối đời sống chính trị - tinh thần của xã hội.

Trên thực tế, không chỉ từ khi Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Ðại hội X được công bố trên hệ thống thông tin đại chúng để mọi người Việt Nam có thể tham gia đóng góp ý kiến với Ðảng trong việc hoạch định đường lối, chính sách, giải quyết các vấn đề hệ trọng của đất nước, mà hàng chục năm qua, các "ý kiến mang động cơ xấu, chống đối, thù địch... xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta" đã được tán phát dưới nhiều hình thức khác nhau. Ðặc biệt, vào thời gian trước Ðại hội Ðảng lần thứ X, các phần tử nói trên đã triệt để lợi dụng ưu thế của hệ thống internet để reo rắc các luận điệu đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Từ hệ thống và bản chất của chúng, các luận điệu này có mục đích rất cụ thể và rõ ràng, đó là muốn xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, tiến tới xóa bỏ thành quả của hơn nửa thế kỷ đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc; đưa Việt Nam vào "vòng cương tỏa" của các thế lực "chống cộng" mà cách đây không lâu, một nhân vật "dân chủ" đã nói với họ rằng: "đóng góp của quý vị đối với đất nước rất quý, còn chúng tôi đây lại là như thế này, chỉ là dọn đường cho các vị về, và để cho các vị xây dựng đất nước". Ðể đạt được mục đích, cùng với việc thường xuyên truyền bá các tin tức bóp méo, xuyên tạc sự thật, thổi phồng các hiện tượng tiêu cực, bịa đặt các thông tin thất thiệt..., người ta tỏ ra khá nhất quán trong việc khai thác đề tài "dân chủ" theo mô hình phương Tây và cho rằng muốn có dân chủ phải đi theo con đường "đa nguyên, đa đảng" từ đó tạo ra thời cơ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Về vấn đề này, GS Trần Chung Ngọc - trí thức Việt kiều ở Mỹ, đã vạch rõ: "Nhà nước mời gọi góp ý để xây dựng tương lai cho đất nước. Nhưng một số... "nhà dân chủ" ở trong nước cũng như một số chuyên gia chống cộng ở hải ngoại lại mượn cơ hội này để tố cộng một chiều, phê bình lăng nhăng về chủ thuyết Mác, trong khi họ chỉ có một trình độ hiểu biết rất hời hợt về Mác... Những người này chống Mác qua cái lăng kính nhỏ hẹp của mình, không hề biết vị thế của Mác trong giới trí thức là như thế nào". Về "đa nguyên, đa đảng" ông khẳng định: "chưa đủ trình độ thì chỉ thành lắm thầy thối ma, thành đại loạn, chỉ đục nước béo cò". GS Trần Chung Ngọc viết tiếp: "Hiện nay, Nhà nước phải đối diện với hai đòi hỏi mà những người tự phong là "nhà dân chủ" thường to tiếng rêu rao: dân chủ và đa nguyên đa đảng, và được giới chống cộng ở hải ngoại tích cực ủng hộ. Nhưng nếu hỏi họ là dân chủ như thế nào và đa nguyên đa đảng như thế nào, theo những mô hình như thế nào, để thích hợp với Việt Nam, thì họ ú ớ không thể trả lời được rõ ràng... Nói về dân chủ? Hay lắm! Nhưng thử hỏi đã có những ai nghiên cứu về một thể thức dân chủ thích hợp với hoàn cảnh xã hội và trình độ dân trí Việt Nam ngày nay? Thử hỏi những Việt kiều chống cộng ở Mỹ, ở Astralia, những người sống trong các chế độ dân chủ, qua những hành động cực đoan phi lý chống đủ mọi thứ từ Việt Nam, đã hiểu thế nào là dân chủ chưa?". Từ nhận thức cụ thể và thiết thực, GS Trần Chung Ngọc cho rằng: "Vấn đề chính là Nhà nước đã đưa đất nước qua một giai đoạn khó khăn đen tối nhất sau khi chiến tranh chấm dứt, trong khi trong tay Nhà nước không có cây đũa thần, và nước lã không thể quấy thành hồ... Với tình trạng kiệt quệ của đất nước vì chiến tranh, với sức ép về kinh tế của Mỹ và Âu châu như vậy, tôi không hiểu bằng cách nào mà Nhà nước đã vượt qua được giai đoạn cực kỳ khó khăn trên, để có thể đưa đất nước đến tình trạng ngày nay. Người ta trách trong giai đoạn đầu, Nhà nước đã áp dụng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa cho nên đã đưa đất nước đến bên bờ vực thẳm, nhưng thử hỏi, trong giai đoạn đó, có cách nào khác?... cấm vận trong 19 năm, có nước muốn viện trợ cho Việt Nam, trâu bò để cày cấy cũng bị ngăn chặn, đầu tư nước ngoài không có, nền kinh tế không do Nhà nước quản lý thì do ai đây? Lạ một điều, tất cả những người chống Ðảng, phê bình giai đoạn khốn khổ 1975 - 1985 của Việt Nam, chẳng có ai nghĩ đến hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh, chẳng có ai nghĩ đến chuyện nếu mình ở trong guồng máy cầm quyền thì mình sẽ làm được gì. Ðứng ngoài phê bình thì bao giờ cũng dễ, khi bắt tay vào việc mới thấy vấn đề xây dựng đất nước không đơn giản như mình tưởng, nhất là khi sự hiểu biết của mình lại rất giới hạn" (giaodiem.com, 17-3-2006).

Trong lịch sử phát triển của nhân loại cũng như của mỗi quốc gia, tính đa dạng về nguồn gốc của nhiều sự vật - hiện tượng xã hội là một thực tế, đặc biệt là trong văn hóa. Tính đa dạng ấy làm nên bộ mặt phong phú, nhiều vẻ của xã hội, đồng thời luôn tiềm ẩn nguy cơ đẩy tới phân liệt, đẩy tới nguy cơ xung đột nếu hoặc không được điều hòa về lợi ích, hoặc lợi ích của một bộ phận xã hội nào đó không được tôn trọng. Xem xét từ góc độ kinh tế và ở các nước phát triển, các thế lực kinh tế khác nhau, bằng những phương thức khác nhau luôn giữ vai trò chi phối việc tổ chức và sự vận hành của xã hội thông qua những đảng phái chính trị trước hết là phục vụ lợi ích của một thế lực kinh tế nào đó. Dân chủ hay Cộng hòa ở Mỹ, Công đảng hay Bảo thủ ở Anh... xét đến cùng chính là sự thể hiện vai trò chi phối của các tập đoàn kinh tế trong xã hội mà thôi. Ngay với một loại hiện tượng tưởng chừng chỉ liên quan đến đạo đức như hành vi bạo lực trong xã hội, cựu Tổng thống Mỹ B.Clinton cũng phải lý giải rằng: "Những người dân Mỹ biết tôn trọng luật pháp rất sợ đi bộ trên các đường phố lân cận của mình; họ thậm chí còn sợ cả việc cho con cái đến trường. Bị ngăn cản bởi các liên minh buôn bán vũ khí từng gây sức ép với Quốc hội, các nỗ lực muốn làm cho tình hình trở nên lành mạnh đã bị kìm giữ trong nhiều năm..." (B.Clinton, Giữa hy vọng và lịch sử, NXB Chính trị Quốc gia, H. 1997, tr.82). Trong một xã hội như vậy, ý niệm "tự do, dân chủ" cùng với phúc lợi xã hội không triệt để đã luôn được duy trì, khuếch trương không chỉ nhằm tạo ra một "mẫu hình xã hội" mà còn nhằm tạo ra trong công chúng "ảo giác" về quyền lợi được tôn trọng, thông qua "ảo ảnh" về tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhân quyền... Song hãy thử trực diện phê phán các thế lực kinh tế - chính trị, hãy thử bàn tới chuyện thay đổi trật tự xã hội, người dân trong xã hội ấy sẽ được thấy thực chất giá trị của "dân chủ" có nguồn gốc từ "đa nguyên, đa đảng" là như thế nào. Trên phạm vi thế giới cũng vậy, chỉ nhìn vào doanh thu của 10 tập đoàn kinh tế hùng mạnh nhất thế giới đã đạt tới con số cao hơn giá trị tổng thu nhập quốc dân của nước Pháp và 20 tập đoàn kinh tế hàng đầu có doanh số một năm lớn hơn thu nhập của 80 quốc gia thuộc thế giới thứ ba cộng lại, có thể thấy bức tranh về sự bình đẳng trong kinh tế loang lổ và có mầu sắc đối lập nhau ra sao. Theo GS Martin Schwarzt từ Trường đại học Virginia (Hoa Kỳ), chuyên gia về toàn cầu hóa, thì: "Ở Mỹ 20% số dân có thu nhập cao nhất sở hữu khoảng gần 50% thu nhập toàn xã hội, trong khi bộ phận 20% đó ở Thụy Ðiển chỉ nắm giữ có 35%. Ở Brasil tỷ lệ thu nhập xã hội do 1/5 số dân đó nắm giữ lại lên tới 60-65%, tức là kẻ thắng hầu như không chia sẻ gì cho kẻ thua thông qua nhà nước" (vietnamnet.vn, 26-2-2006). Và như thế, cái gọi là "đa nguyên, đa đảng" mà người ta hô hào chỉ là điều huyễn hoặc dành cho những người thiếu tỉnh táo. Thông qua tiềm lực kinh tế, một nhóm người trong xã hội đã thao túng sự vận hành của thể chế chính trị, nên không ngẫu nhiên, trong một bài viết khác GS Trần Chung Ngọc đã nhận xét: "đa nguyên đa đảng theo mẫu mực hai đảng mà thực ra chỉ có một đảng tài phiệt", và ông coi dân chủ ở phương Tây chỉ là "dân chủ bát nháo" (giaodiem.com, 14-2-2006).

Từ thực tế của sự tồn tại, có thể nói rằng, ngày nay tính đa dạng về nguồn gốc của nhiều sự vật - hiện tượng trong xã hội chỉ đẩy tới tình trạng "đa đảng" khi có sự đối lập về lợi ích giữa các tập đoàn người có địa vị khác nhau đối với tư liệu sản xuất, cụ thể hơn là có sự đối lập về lợi ích giữa các tập đoàn kinh tế tư bản với đại đa số nhân dân lao động. Và về chính trị - xã hội, cần thấy rằng với vai trò tổ chức và quản lý xã hội của nó, một nhà nước có nguồn gốc "đa đảng" bao giờ và trước hết cũng đều nhằm phục vụ lợi ích của các tập đoàn kinh tế tuy có mâu thuẫn về quyền lợi song lại thống nhất với nhau về cách thức duy trì quyền lợi.

Cổ vũ cho "đa nguyên, đa đảng", người ta viện dẫn rằng "đa nguyên, đa đảng" sẽ tạo ra "đối trọng" về quyền lực để các xu hướng chính trị - xã hội kiềm chế lẫn nhau, tạo ra điều kiện thực hiện "dân chủ". Nhưng thử hỏi, đại đa số nhân dân sẽ có lợi ích gì từ sự "kiềm chế" ấy, hay họ sẽ chỉ được chứng kiến những "thủ đoạn chính trị" nhằm đạt tới mục đích làm cho một nhóm người giàu có nào đó ngày càng giàu có hơn? Về lý luận và thực tiễn Việt Nam, một Ðảng Cộng sản và một Nhà nước lấy lợi ích của toàn dân làm mục đích cho hành động thì hiển nhiên mọi bước đi trong chiến lược phát triển, mọi hoạt động điều hành kinh tế - chính trị đều hướng tới phúc lợi của toàn dân. Ðiều đó đã được chứng minh qua 20 năm đổi mới. Dựa trên nền tảng của đổi mới tư duy kinh tế, từng bước đổi mới tư duy chính trị và mở cửa, hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa với thế giới... chúng ta đã đạt được những thành tựu không thể phủ nhận, làm thay đổi diện mạo của đất nước, đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, vị thế của đất nước trong các quan hệ quốc tế ngày càng được nâng cao, khẳng định... Về vấn đề dân chủ cũng vậy, ngoài việc bản chất và sự thực hành dân chủ luôn phụ thuộc vào quan điểm chính trị - xã hội xác định dân chủ như thế nào, dân chủ cho ai và vì ai, thì tinh thần dân chủ chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó thẩm thấu vào mọi bộ phận cấu thành nên ý thức xã hội, và nó mang tính quá trình như ông B.Clinton đã viết: "Nền dân chủ không đến với ta một cách dễ dàng, nhanh chóng và không phải trả giá. Như lịch sử của bản thân nước Mỹ cho thấy, nền dân chủ được xây dựng dần dần, không thể ngay lập tức" (B.Clinton, sđd, tr.168). Ðối với Việt Nam ngày nay, việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một thành tố quan trọng tạo ra tiền đề để thực hiện dân chủ thông qua việc giáo dục, nâng cao nhận thức về dân chủ cho mọi người dân. Và bên cạnh vai trò chỉ đạo quá trình xây dựng xã hội mới, Nhà nước còn tạo điều kiện và bảo vệ quyền được phát triển toàn diện, quyền được học hành, quyền được lao động và được hưởng thành quả từ lao động, quyền được tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước... của mọi người.

Sau 20 năm, đất nước đổi mới từng ngày, và niềm tin vào tương lai đã trở thành động lực tinh thần lao động của hàng triệu con người được phản ánh một phần qua nhận xét của ông Michael Marine - Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, rằng: "Tôi quay trở lại đây nhận nhiệm kỳ cách đây 18 tháng, tức là sau 15 năm không đến Việt Nam, tôi đã nhìn thấy sự thay đổi cực kỳ mạnh mẽ. Tôi nhận thấy nhiệt huyết làm việc tại Hà Nội đã tăng lên từ 300% đến 400%. Và mọi người ai cũng tỏ ra có thể nắm bắt bất cứ cơ hội nào để sử dụng tài năng của mình. Tôi thấy, với thực tế như vậy, tương lai của Việt Nam rất sáng sủa" (vietnamnet.vn, 16.3.2005). Trong bối cảnh ấy, thật kỳ lạ là vẫn có những con người cố tình nhắm mắt, cố tình gân cổ hô hào, cổ vũ cho những "giá trị" mà tự thân chúng chỉ có một khả năng duy nhất là làm rối loạn xã hội, cản trở và phá hoại con đường đi lên của dân tộc. Cho nên một trí thức Việt kiều đã viết: "Nay đọc báo chí hay xem phim ảnh trong nước, có thấy những cố gắng cải cách xã hội và trong guồng máy chính quyền hay không? Công nhân biểu tình, người dân phản đối bất công công khai được báo chí hỗ trợ. Hối lộ, cho con em dùng bằng cấp giả để vào cơ quan làm việc, v.v... đều bị phanh phui và trừng phạt; mấy anh chính trị nửa mùa làm tay sai cho ngoại bang tha hồ phát ngôn láo, trả lời phỏng vấn từ nước ngoài tùm lum tùm la, đi ngoại quốc chữa bệnh rồi phát ngôn bậy bạ rồi lại phây phây trở về nước, v.v..."

Cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các hiện tượng tiêu cực nảy sinh trong quá trình đấu tranh giữa mới và cũ, giữa tiên tiến với lạc hậu, giữa lợi ích cá nhân vị kỷ với lợi ích chân chính của xã hội, giữa lý tưởng mà Ðảng và Bác Hồ đã lựa chọn, được nhân dân đồng tình và nỗ lực phấn đấu biến thành hiện thực với các thủ đoạn tuyên truyền bôi đen, xuyên tạc... đang diễn ra hằng ngày hằng giờ từ các lĩnh vực hoạt động của xã hội đến từng con người. Ðiều này cho thấy cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận đang trở nên phức tạp và hơn lúc nào hết, ngoài việc cần thiết phải tỉnh táo bảo vệ tính đúng đắn của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới, chúng ta càng phải nỗ lực hiện thực hóa tính đúng đắn đó trong hoạt động thực tiễn, thông qua những thành tựu ngày càng to lớn hơn. Ðối với chúng ta, tinh thần đổi mới của Ðảng chính là chiếc "chìa khóa vàng" của quá trình hoạch định và triển khai chiến lược phát triển vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội - con người, vừa phù hợp hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Thành tựu đã đạt được và đạt được nhiều thành tựu hơn nữa không chỉ là khát vọng của toàn dân tộc mà còn là sự khẳng định một cách chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, bằng trí tuệ và lao động sáng tạo của mình, nhân dân ta nhất định sẽ thành công trong sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước không cần vào các nhà "dân chủ" cóp nhặt kiểu dáng "đa nguyên, đa đảng" của người, lòe loẹt bề ngoài nhưng mục ruỗng bên trong, mang về áp đặt chúng ta. "Ða nguyên, đa đảng" không phải là "chiếc đũa thần" mà là chiếc đũa mốc, hoàn toàn không có khả năng giải quyết những vấn đề của quá trình chấn hưng và phát triển đất nước. Thậm chí nó còn làm cho đất nước mất ổn định, xã hội rối loạn, kéo lùi sự phát triển mà nhỡn tiền là tình hình đang diễn ra ở một số nước Ðông Âu, ở không gian hậu Xô Viết và ở một vài nơi khác trong khu vực gần với chúng ta. Ngoài một số ít người đánh võ mồm hòng chiếm vũ đài chính trị, tuyệt đại đa số nhân dân ta không cần đến và kiên quyết bác bỏ cái gọi là "đa nguyên, đa đảng".

NGUYỄN HÒA