Vì sao việc thi công các nhà máy thủy điện ở Lào Cai dở dang và chậm tiến độ ? 
Các Website khác - 27/03/2006
Năm 2003, đã có chín nhà máy thủy điện được khởi công Lào Cai, tỉnh có tiềm năng thủy điện lớn thứ hai sau Sơn La trong số các tỉnh miền núi phía bắc, nhưng đến nay ba nhà máy đang đắp chiếu, năm nhà máy thi công cầm chừng.
Với ba hệ thống sông chính là sông Hồng, sông Chảy và sông Nậm Mu, Lào Cai có tiềm năng thủy điện lớn thứ hai sau Sơn La, trong số các tỉnh miền núi phía bắc. Quyết định số 100 của Chính phủ cùng với chính sách thông thoáng của tỉnh Lào Cai đã thu hút 19 nhà đầu tư đăng ký xây dựng 40 nhà máy thủy điện có công suất từ 2 đến 90 MW, với tổng số vốn gần 12 nghìn tỷ đồng. Năm 2003, đã có chín nhà máy được khởi công nhưng đến nay ba nhà máy đang đắp chiếu, năm nhà máy thi công cầm chừng, chỉ có một nhà máy bảo đảm phát điện đúng tiến độ.

So với nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Lào Cai có mạng lưới sông suối phân bố đều khắp các địa phương trong tỉnh. Do địa hình bị chia cắt mạnh, nên sông suối có độ dốc lớn, lưu lượng nước lớn, tạo tiềm năng thủy điện dồi dào. Xác định đây là một lợi thế tự nhiên, ngay sau khi tái lập tỉnh, lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã thuê Viện Khoa học thủy lợi thuộc Bộ NN và PTNT khảo sát quy hoạch tổng thể, được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2003, 19 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đã đăng ký "đầu tư" xây dựng 40 nhà máy thủy điện có công suất nhỏ nhất là 1,7 MW và lớn nhất là 90 MW. Sau đó, chín nhà máy lần lượt khởi công, trong đó có hai nhà máy công suất lớn nhất là Ngòi Phát (57 MW) và Bắc Hà (90 MW). Thoạt đầu ai cũng mừng và hy vọng chỉ sau một thời gian không xa Lào Cai sẽ có một hệ thống thủy điện khai thác nguồn "vàng trắng" trời cho thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.

Thực tế diễn ra lại không phải như vậy. Ðến thời điểm này, duy nhất Nhà máy thủy điện Phú Mậu 2, do Công ty TNHH Tân An làm chủ đầu tư, công suất 1,7 MW là bảo đảm được tiến độ phát điện (dự kiến vào tháng 6 năm nay), còn lại đều "túc tắc" thi công cầm chừng, ba nhà máy đã "đắp chiếu" dừng thi công từ tháng 7-2005 là Ngòi Phát, Séo Choong Hô và Minh Lương. Theo Sở Công nghiệp Lào Cai, nhiều nhà đầu tư khác cũng đang viện mọi lý do để trì hoãn các bước tiếp theo sau khi được chấp thuận đầu tư, nhất là các dự án nhóm C do UBND tỉnh quản lý. Nhà máy thủy điện Bắc Hà có công suất lớn nhất 90 MW tiến độ thi công cũng rất chậm.

Chúng tôi đến hiện trường thi công xây dựng Nhà máy thủy điện Ngòi Phát ở huyện Bát Xát của Công ty cổ phần điện miền bắc 2, thuộc Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (VINACONEX). Khu nhà của Ban giám đốc nhà máy và Ban chỉ huy các xí nghiệp thi công lặng ngắt, cỏ dại lút sân, hè. Máy móc, thiết bị đã chuyển đi nơi khác, còn lại một số nằm trơ mưa nắng, hoen gỉ. Vài ba công nhân được cử ở lại trông coi công trình đang lúi húi nấu cơm. Cũng theo Sở Công nghiệp Lào Cai cho biết, nhà máy thi công được một phần sáu khối lượng công việc, gồm 550 m/7.070 m hầm đường kính 3,4 m, lắp đặt trạm trộn bê-tông, đường điện, kho chứa vật liệu và đường công tác nội bộ..., tổng giá trị đạt khoảng 60 tỷ đồng/970 tỷ đồng, con số rất nhỏ so với tổng mức vốn đầu tư xây dựng nhà máy (bằng 6,1%). Các nhà máy khác cũng ở trong tình trạng "bi đát" như vậy. Nhà máy thủy điện Séo Choong Hô ở huyện Sa Pa của Công ty điện lực 1, công suất 21,7 kW, tổng giá trị đầu tư 415 tỷ đồng, song mới chỉ làm được 15 km đường đất vào công trình, trị giá 2,5 tỷ đồng, hiện đã dừng thi công. Nhà máy thủy điện Minh Lương ở huyện Văn Bàn của Công ty cổ phần thủy điện Minh Lương, công suất 22,5 MW, tổng giá trị đầu tư 336 tỷ đồng, mới chỉ thi công xong 12 km đường vào nhà máy và 5 gian nhà điều hành (cấp 4), trị giá 14 tỷ đồng, hiện đã dừng thi công.

Câu trả lời chúng tôi nhận được từ Sở Công nghiệp (cơ quan được giao quản lý, theo dõi tiến độ thi công các nhà máy thủy điện trên địa bàn) và các nhà đầu tư là do: Thiếu vốn. Khách quan mà nói, các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã tỏ ra "dễ dãi" trong thẩm định chủ đầu tư, các nhà đầu tư thì muốn "xí phần giữ chỗ". Ngay như Công ty cổ phần điện miền bắc 2, trong khi đang thi công Nhà máy thủy điện Ngòi Phát ì ạch vẫn đăng ký nhận thêm ba nhà máy nữa, đó là Tả Thàng, Chu Linh I và Chu Linh II, tổng công suất 120 MW. Công ty Ðiện lực I nhận hai nhà máy trên ngòi Bo, tổng công suất 30 MW. Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (NINAINCON) nhận ba nhà máy trên ngòi Phăng, tổng công suất 63 MW. Công ty xây dựng giao thông vận tải Quyết Tiến nhận năm nhà máy trên ngòi Nhù, tổng công suất 28 MW... Những nhà máy này đều đã có báo cáo tiền khả thi từ tháng 6-2004, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công, theo Quyết định số 50/QÐ-BCN của Bộ Công nghiệp (nếu sau một năm không khởi công sẽ phải thu hồi).

Trở lại với các nhà máy đang thi công dở dang phải dừng thi công, chúng tôi đặt câu hỏi vì sao không vay vốn ngân hàng thì đều được các chủ đầu tư trả lời do không có 30% tổng vốn xây dựng nhà máy để tín chấp với ngân hàng, cho nên không vay được vốn. Rõ ràng là năng lực tài chính của các chủ đầu tư rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu, thế nhưng họ vẫn "đang là chủ đầu tư" của nhiều nhà máy khác!? Một nguyên nhân nữa là, nhiều dự án được tỉnh phê duyệt trong khi chưa có đầy đủ thiết kế cơ sở như di dân tái định cư, đánh giá tác động môi trường... do các cơ quan chuyên ngành thẩm định và chấp thuận. Thí dụ, như dự án Nhà máy thủy điện Chu Linh I ở Sa Pa, chủ đầu tư đã không thể thỏa thuận được phương án di chuyển gần 60 ngôi mộ của đồng bào dân tộc Mông địa phương, vì phong tục tập quán của họ.

Hậu quả của việc chủ quan, nóng vội, "dễ dãi" trong thẩm định chủ đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện của cơ quan chức năng và việc "xí phần giữ chỗ" của các nhà đầu tư gây những thiệt hại không nhỏ, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Công ty cổ phần điện miền bắc 2 hiện đã bỏ vào nơi "rừng xanh núi thẳm" 60 tỷ đồng nhưng chưa biết tìm đâu ra gần 900 tỷ đồng nữa để làm tiếp nhà máy.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Sở Công nghiệp rà soát lại để có biện pháp khắc phục. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ thu hồi 14 dự án đã đăng ký đầu tư của năm chủ đầu tư để giao cho chủ đầu tư khác có năng lực thật sự để triển khai thi công. Ðồng thời phối hợp với Ban quản lý dự án các nhà máy đang thi công dở dang tìm biện pháp tháo gỡ về vốn.

Quốc Hồng