Bộ trưởng Giao thông thừa nhận tầm nhìn quy hoạch kém
Các Website khác - 25/11/2005
Bộ trưởng Đào Đình Bình. Ảnh: Anh Tuấn

Chiều 25/11, đăng đàn Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đào Đình Bình thừa nhận một trong nhiều lý do khiến đường mới xây đã chật hẹp, xuống cấp là do tầm nhìn của những người quy hoạch giao thông còn chưa tiến kịp với yêu cầu phát triển xã hội.
Bộ trưởng Y tế gặp khó khăn / Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư thừa nhận yếu kém / Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường muốn xóa xin cho đất đai / Bộ trưởng Công nghiệp nhận lỗi vụ điện kế

Sau 20 phút trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng Đào Đình Bình chỉ còn chưa đầy nửa tiếng để trả lời chất vấn của của 2 đại biểu. Dẫn ra một loạt vấn đề của ngành giao thông như chất lượng đường xuống cấp, vừa xây đã hỏng; mỹ thuật xấu, đại biểu Trần Văn Kim đặt vấn đề: "Bộ trưởng cho biết kế hoạch khôi phục các tuyến đường xuống cấp, chiến lược quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu đường sắp tới".

Thừa nhận ngay tình trạng một số tuyến đường mới làm xong, chất lượng đã có vấn đề, Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục là đường vẫn còn thời gian bảo hành thì yêu cầu nhà thầu phải khắc phục. Tuy nhiên, ông Bình không quên đưa ra các lý do khách quan "xây dựng đường xá được tiến hành trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, phương tiện đi lại thường xuyên".

Về việc đường mới xây đã hẹp, ông Bình giải thích là thiếu vốn. Ví dụ quốc lộ 1A, Ngân hàng thế giới chỉ cho vay để làm cấp 3, tức là 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận việc quy hoặc bất cập là do tầm nhìn chưa theo kịp yêu cầu phát triển xã hội, nhiều người nặng tư duy theo kiểu đường như thế là tốt rồi. Ông Bình cho biết, ngành giao thông đã rút kinh nghiệm. Ví dụ, tuyến cao tốc TP HCM đi Trung Lương có 8 làn xe, làm trước 4 làn. 4 làn còn lại trồng cây xanh để 10 năm sau có tiền làm tiếp, không tốn chi phí giải phóng đền bù.

"Trách nhiệm quy hoạch, tư vấn kỹ thuật của bộ như thế nào trong các công trình giao thông?", đại biểu Trần Văn Kim đặt câu hỏi tiếp. Bộ trưởng Bình trả lời chung chung: "Bộ chỉ quản lý về tiêu chuẩn, thông qua việc giám định của các cơ quan chuyên môn. Hằng năm đều giám định một số công trình địa phương thấy có vấn đề". Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ông Kim bộc lộ thẳng: "Có nhiều lý do dẫn đến đường xấu, mới xây đã hẹp, nhưng vấn đề ở đây theo tôi là tầm nhìn. Nếu không có tầm nhìn sẽ gây lãng phí rất lớn".

Là người thứ hai chất vấn bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường tỏ thái độ không bằng lòng với phần giải trình bằng văn bản của Bộ trưởng Bình: "Tôi hỏi trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trong vấn đề thua lỗ của doanh nghiệp giao thông và khi nào thì khắc phục xong. Bộ trưởng chỉ trả lời hy vọng vài năm tới tình hình sẽ được cải thiện. Tôi không hiểu cải thiện mức độ nào, thời hạn cụ thể ra sao?"

Cho rằng việc thua lỗ của doanh nghiệp là vấn đề lịch sử để lại, Bộ trưởng Bình khẳng định: "Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, đưa vấn đề công khai, xử lý theo tinh thần tích cực giúp doanh nghiệp trụ lại, không để suy sụp vì đất nước rất cần các công ty giao thông này trong thời gian tới". Dừng lại giây lát, Bộ trưởng nói tiếp: " Chúng tôi đưa ra thời hạn 3 năm 2005-2007 phải giải quyết xong. 2 năm vừa qua, tình trạng bỏ thầu giá thấp, một nguyên nhân dẫn đến thua lỗ, đã được khắc phục".

Trước đó, trong 20 phút dành để trả lời 8 chất vấn bằng văn bản, Bộ trưởng Bình đã giải trình rất nhanh 3 vấn đề lớn. Liên quan đến vấn đề đầu tư giao thông cho đồng bằng sông Cửu Long, ông cho rằng không có chuyện đầu tư ít. Tuy nhiên, ông cũng nêu thực tế là các nhà đầu tư quốc tế luôn ưu tiên cho những vùng miền có mật độ giao thông cao, thành phố, khu công nghiệp. Nếu trông chờ vào ngân sách thì không được, bởi hiện vốn nhà nước chỉ đủ cấp đối ứng cho các dự án ODA. Ông Bình cũng đã mở ra tia hy vọng cho người dân đồng bằng sông Cửu Long, bằng việc kể ra một loạt dự án đầu tư đến năm 2010, ví dụ quốc lộ từ Chơn Thành đi Vàm Tống, quốc lộ 1A mở 4 làn xe, mở đường cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, cầu Hàm Luông, xây dựng xong sân bay Cần Thơ...

Trả lời về vấn đề nợ lương, bảo hiểm xã hội của công nhân giao thông, Bộ trưởng Bình trước sau khẳng định đây là tồn tại của lịch sử. Ông dẫn ra một loạt nguyên nhân, như: công tác quản lý tài chính còn nhiều bất cập, tình trạng bỏ thầu bất hợp lý, vốn lưu động của doanh nghiệp thấp, vay ngân hàng nhưng các doanh nghiệp làm ra không đủ bù lãi vay. Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là tăng cường thanh tra, thành lập Tổ giám sát trực thuộc bộ trưởng để xử lý doanh nghiệp thua lỗ, thay thế tổng giám đốc, đưa ra pháp luật xử lý một số giám đốc cố tình sai phạm. Kết quả, đến nay đa số giải quyết hết, không để nợ quá 3 tháng.

Giải trình về việc khống chế tốc độ có phải là biện pháp tối ưu giảm tai nạn, ông Bình đưa ra một loạt dẫn chứng ở các nước ngoài để chứng minh rằng: "Quy định tốc độ là biện pháp hữu hiệu để giảm tai nạn giao thông". Theo ông Bình, việc này rất tế nhị, nên Bộ không đơn phương làm một mình mà đã cùng Bộ Công an, Tư pháp và cả 64 tỉnh thành nhập cuộc.

Chốt lại phần trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng Bình cho rằng biện pháp căn cơ nhất để nâng tốc độ phương tiện đúng bằng tốc độ thiết kế là phải nâng cấp đường, phát triển giao thông công cộng. Việc này đòi hỏi sự nỗ lực của không chỉ bộ mà còn các ngành khác. "Tôi kính mong nhân dân giám sát, phát hiện cho bộ để nâng cao năng lực quản lý", ông Bình tha thiết.

Ngày mai, Quốc hội sẽ dành 20 phút để tiếp tục chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bình trước khi chuyển sang phần chất vấn Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện và Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Như Trang