"Cách thức làm việc của công chức VN chưa thay đổi"
Các Website khác - 30/11/2005

(VietNamNet) - Đó là một trong số những mục tiêu cải cách hành chính mà VN đặt ra trong giai đoạn I (2001-2005) nhưng không thực hiện được. Ông David Ma, chuyên gia cải cách hành chính, thẳng thắn nhìn nhận tại Hội nghị quốc tế tổng kết cải cách hành chính giai đoạn 2001 - 2005, diễn ra tại Hà Nội từ 29- 30/11.

Nhiều mục tiêu giai đoạn I không đạt

Soạn: AM 635731 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông Melt Blunt: "Cần đưa ra câu hỏi đồng tiền công được chi tiêu như thế nào".

Những thành tựu VN đã đạt được về cải cách thể chế mà báo cáo tổng kết giai đoạn I của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nêu rõ được ông Jordan Ryan, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam, đánh giá cao.

Tuy nhiên, vị quan chức LHQ nhiều năm gắn bó với VN cũng góp ý một cách thẳng thắn rằng, tệ quan liêu, tham nhũng, việc thiếu các dịch vụ có chất lượng, thiếu tính minh bạch... đang là thách thức lớn cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Sự suy thoái về đạo đức công vụ cũng là một thực tế đáng lo ngại.

"Nhiều mục tiêu VN đặt ra trong giai đoạn I (2001-2005) đã không thực hiện được. Cách thức làm việc của công chức và cơ quan công quyền chưa có những thay đổi cơ bản" - Ông David Ma, chuyên gia cải cách hành chính, thẳng thắn nhìn nhận.

Theo ông David Ma, đáng ghi nhận nhất trong 5 năm qua là Việt Nam đã ban hành được nhiều đạo luật tạo ra khung pháp lý rõ ràng, cởi mở; hệ thống văn bản được rà soát, đơn giản hóa và trình độ đội ngũ công chức được nâng cao...

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng những thành tựu trên chưa thể đáp ứng kịp quá trình đổi mới, phát triển của VN. Vì thế trong giai đoạn II (2006 - 2010), VN cần cải cách hành chính nhiều và nhanh hơn nữa trên mọi lĩnh vực.

Xây dựng các nhóm chuyên gia quản lý minh bạch thông tin

Soạn: AM 635729 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung: "Vấn đề là trong tăng trưởng kinh tế của VN có công của cải cách hành chính không".

Cơ quan Phát triển Thụy Sĩ (SDC) đại diện cho Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế tham dự Hội nghị cho biết cải cách hành chính là ưu tiên hàng đầu trong các khoản tài trợ của họ cho VN.

Góp ý cho những giải pháp trong giai đoạn II cải cách hành chính, Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế nhấn mạnh, VN cần tập trung khắc phục hạn chế của giai đoạn trước là sự chậm trễ trong việc chuyển hóa từ chính sách đến hành động và việc phân cấp quản lý giữa các ngành, địa phương.

TS. Kim Jung Sik, chuyên gia cải cách hành chính Hàn Quốc, góp ý: Muốn cải cách hành chính tốt, chính phủ cần cố gắng đạt được những mục tiêu sau: hiệu quả, phục vụ người dân cho tốt, minh bạch, phân quyền, phối kết hợp.

Ông Kim còn chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc xây dựng một chính phủ nhỏ, tinh giản biên chế.

Một vấn đề được chuyên gia Hàn Quốc đề cập là việc xây dựng một chính phủ minh bạch gắn bó chặt chẽ với việc chia sẻ thông tin giữa các cấp với nhau. Trong chỉ đạo điều hành, hệ thống thông tin cập nhật rất quan trọng. Xây dựng chính phủ minh bạch phần nào liên quan đến xây dựng chính phủ điện tử.

Thực tế, nhiều cơ quan hạn chế việc chia sẻ thông tin với người dân, mặc dù đã có quy định được chia sẻ, làm hạn chế việc minh bạch. Chuyên gia Hàn Quốc đưa ra kinh nghiệm cho việc trên: "Chúng tôi có 6 nhóm chuyên gia quản lý việc giao tiếp thông tin giữa các cơ quan với nhau, phải điều phối thật mạnh, liên tục yêu cầu các Bộ bổ sung thông tin để thông tin được lưu thông".

Một điểm trong mô hình chính phủ của Hàn Quốc được các đại biểu ghi nhận là: Một số chuyên gia ở dạng hợp đồng cũng tham gia vào công tác điều hành của chính phủ, để chính phủ bớt kiêm nhiệm, quá tải.

Ông Melt Blunt, cố vấn trưởng dự án VIE, đặc biệt nhấn mạnh đến việc áp dụng hệ thống quản lý theo kết quả, quản lý thực thi công vụ theo chất lượng. Từ đó có thể theo dõi việc thực hiện yêu cầu của chính phủ đối với các cấp quản lý khác nhau, tạo ra sự liên kết giữa mục tiêu của chính phủ với thực tế.

"Cần mô hình hoá lại thực tiễn thực thi công việc, đưa ra câu hỏi đồng tiền công được chi tiêu như thế nào. Cần đánh giá việc thực thi đối với mỗi cá nhân. Tiếp thu sự phản hồi để cho chính phủ thấy rõ việc thực thi, bởi vì từ chủ trương đến việc thực thi bao giờ cũng có khoảng cách nhất định" - ông Melt Blunt nói.

Còn về phân cấp, ông Melt Blunt cho rằng, "phân cấp sẽ không đạt hiệu quả nếu các địa phương không sáng tạo. Ở các địa phương khác nhau phải có các hình thức phân cấp khác nhau".

Nhìn một cách tổng thể về cải cách hành chính, ông David Ma nói: "Chúng ta không thể đạt đến đích trong cải cách hành chính nếu không có một bộ máy mạnh mẽ".

  • Phạm Cường