(VietNamNet - Boston) - Ngày làm việc thứ ba (21/11, giờ Việt Nam) của đoàn nạn nhân chất độc da cam tại khu vực Boston không diễn ra dồn dập như các ngày trước, cũng không phải là thuyết trình, thảo luận chính thức. Hôm nay, đoàn đến thăm một gia đình người Mỹ, ông bà David và Jean Thomas.
>> Boston chia sẻ với nỗi đau da cam
David Thomas là Giám đốc của Dự án Nghệ thuật Đông dương, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực trao đổi văn hoá giữa hai nước.
Vợ chồng ông đã trở thành những người bạn của Việt Nam từ khá lâu. Họ mời nhiều bạn bè thân thiết, trong đó có cả một số người Việt sống tại Boston, đến gặp gỡ và trao đổi với các nạn nhân chất độc da cam.
Thành viên trong đoàn không khỏi ngạc nhiên khi bước chân vào căn nhà với kiến trúc kiểu Tân Anh Cát lợi (vùng đông bắc nước Mỹ) nhưng bài trí bên trong như tượng, tranh, đồ đạc lại mang dáng vẻ của Việt Nam.
Đoàn được thưởng thức bánh táo, bánh ngọt làm bí ngô, trộn với kem, những món đặc trưng của người đông bắc Mỹ vào dịp Lễ tạ ơn chúa. Điều thú vị là chủ nhà mang ra mời những tách trà Thái Nguyên nóng hổi.
“Jean và tôi rất hân hạnh đón tiếp các bạn hôm nay, những vị khách quí trong bữa tiệc đầu tiên tại ngôi nhà mới sửa lại này. Cánh cửa ngôi nhà luôn rộng mở với các bạn Việt Nam, mong phần nào đáp lại thịnh tình của người Việt đối với chúng tôi trong thời gian hai năm chúng tôi sống và làm việc tại Hà Nội. Các bạn có thể coi đây là Đại sứ quán của Việt Nam tại Boston”.
Trong studio ở tầng dưới, chủ nhân rất nhiệt tình giới thiệu từng bức tranh, từng hiện vật và tranh ảnh kỷ niệm. Trong một không gian không phải là quá lớn, có khá nhiều tranh, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - kết quả của nhiều năm làm việc và nghiên cứu để cho ra đời cuốn sách “Hồ Chí Minh - một chân dung” cùng với nhà văn Lady Borton.
Cũng rất nổi bật trong các bức tranh được trang trọng trưng bày là bức tranh của hoạ sĩ Lê Trí Dũng - “Chất độc Da cam” mô tả một cánh rừng trụi lá và một oan hồn trẻ em dị dạng đang bay trên cánh rừng thảm khốc đó.
Suy nghĩ có thể khác nhau nhưng các thành viên trong đoàn đều ấn tượng rất rõ về tình cảm ấm áp đối với Việt Nam, sự cảm thông, chia sẻ đối với các nạn nhân của chủ nhà và bạn bè có mặt. Mọi người xúc động trước những lời nói chân tình của bà Đặng Hồng Nhựt: “Trước kia, tôi nhìn những người lính Mỹ không thể không có ác cảm nhưng hôm nay, tại đây, tôi cảm nhận được sự nồng ấm của tình bạn”.
Cùng chia sẻ tâm trạng của bà Nhựt, ông Hồ Sỹ Hải nói: “Trong ngôi nhà này có nhiều đồ vật của Việt Nam như cái chum, các con rối, bàn thờ tổ tiên và những thứ khác được bày biện trân trọng làm tôi thấy như mình đang ở nhà. Tình cảm của các bạn làm vợi bớt trong tôi những nỗi đau thường nhật”.
Ông Nguyễn Trọng Nhân, phát biểu tại cuộc gặp, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết của người dân Mỹ và sự ủng hộ của họ đối với việc đòi công bằng và công lý cho nạn nhân.
▪ Ở nước ta, dân chủ là mục tiêu, động lực phát triển (21/11/2005)
▪ Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam 2005 (21/11/2005)
▪ 'Người mẫu' quán nhậu (21/11/2005)
▪ Một doanh nghiệp gây ô nhiễm bị người dân đập phá (21/11/2005)
▪ 'Mua bán' người (21/11/2005)
▪ Truyền hình Mỹ khẳng định hậu quả của chất độc da cam (21/11/2005)
▪ Hà Nội muốn giảm dần người nhập cư (21/11/2005)
▪ Mưa lũ ở miền Trung làm 5 người chết (21/11/2005)
▪ 600 xe máy bị giữ sau trận Việt Nam - Singapore (21/11/2005)
▪ Đóng cửa khu vực du lịch có chim và gia cầm (21/11/2005)