![]() |
Hà Nội sẽ giãn dân các khu ven đô. Ảnh: Anh Tuấn |
Phát triển kinh tế đồng bộ tại 7 tỉnh bao quanh Hà Nội sẽ giúp giảm làn sóng nhập cư, giảm tải về cơ sở hạ tầng cho thủ đô. Các giải pháp quy hoạch vùng đô thị đã được đưa ra bàn thảo ngày 21/11 tại Hà Nội.
Theo ông Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn, Hà Nội tăng dân số cơ học khoảng 1,4% trong một năm. Đây là tốc độ tương đối cao, do vậy giữa thủ đô và các vùng lân cận đang đối mặt với những vấn đề như chênh lệch phân bố dân cư và kinh tế xã hội, đầu tư dàn trải nhiều ngành kinh tế trong khu vực...
Quy hoạch vùng thủ đô đã được xác định bao gồm Hà Nội và 7 tỉnh xung quanh là Hà Tây, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nam. Khu vực này hiện có tổng diện tích tự nhiên trên 13.000 km2, bằng 87% vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, số dân hơn 12 triệu người.
Việc xây dựng quy hoạch vùng nhằm phát triển hệ thống trung tâm hành chính chính trị hiện đại để xứng tầm là một trung tâm chính trị của quốc gia. Các tỉnh lân cận sẽ phát triển theo những trục kinh tế chính trị, dựa trên các vùng công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ và làng nghề.
Vùng thủ đô sẽ phát triển theo hai trục: kinh tế đô thị quốc tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trục đô thị quốc gia là vùng Tây Bắc và vùng đô thị duyên hải. Trong đó, vùng đô thị hạt nhân là thủ đô Hà Nội sẽ được phát triển thành trung tâm kinh tế chính trị hiện đại, xứng tầm khu vực Đông Nam Á. Vùng đối trọng phía Tây thủ đô dự kiến sẽ phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Vùng phía Bắc - Đông Bắc sẽ hình thành vùng công nghiệp, đô thị. Vùng phía Đông sẽ trở thành các ngành dịch vụ, chế biến nông sản.
Một chuyên gia của Viện nghiên cứu IMV (Pháp), cho rằng, Hà Nội cần hạn chế người dân nhập cư, phải để mức dân số dưới 5 triệu dân vào năm 2023. Nếu làm tốt quy hoạch vùng, dân số cơ học sẽ giảm hằng năm chứ không tăng.
Theo Viện nghiên cứu IMV, ở khu vực bán kính cách Hà Nội 50 km nên phát triển những đô thị nhỏ để liên kết giữa thành phố với các tỉnh và thu hút dân cư vào các khu đô thị này. Khu vực này chú trọng phát triên công nghiệp nặng, dịch vụ. Trong bán kính 50km có thêm một số ngành công nghiệp nặng như sản xuất ôtô. Tại khu vực nông thôn, cần thu hút người dân hoạt động theo mô hình làng nghề thay vì di chuyển ra thành phố.
TS Hoàng Hữu Phê, Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, cho rằng, hiện chưa có định hướng ưu tiên với thủ đô Hà Nội nên trong quy hoạch cần xác định rõ lĩnh vực để đầu tư, như phát triển công nghệ cao hay là khoa học kỹ thuật, giáo dục, dịch vụ, giao thông... "Phải xác định rõ tính cạnh tranh của thành phố để không đầu tư dàn trải với các địa phương khác. Nếu không các dự án đầu tư sẽ dễ bị viển vông", ông Phê nói.
Quy hoạch vùng thủ đô đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn tất để trình Thủ tướng phê duyệt vào giữa năm 2006.
Đoàn Loan
▪ Ở nước ta, dân chủ là mục tiêu, động lực phát triển (21/11/2005)
▪ Ngày hội Di sản văn hoá Việt Nam 2005 (21/11/2005)
▪ 'Người mẫu' quán nhậu (21/11/2005)
▪ Một doanh nghiệp gây ô nhiễm bị người dân đập phá (21/11/2005)
▪ 'Mua bán' người (21/11/2005)
▪ Truyền hình Mỹ khẳng định hậu quả của chất độc da cam (21/11/2005)
▪ Khẩn cấp kêu gọi quốc tế hỗ trợ phòng chống dịch cúm (21/11/2005)
▪ Phó thủ tướng và 8 bộ trưởng trả lời chất vấn (21/11/2005)
▪ Quốc hội sẽ theo sát lời hứa của các bộ trưởng (21/11/2005)
▪ Có trên 100.000 Việt kiều về TP.HCM ăn Tết Bính Tuất (21/11/2005)