CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI XIV ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ HÀ NỘI HÀ NỘI SAU 20 NĂM ĐỔI MỚI
Năm 2005 là tròn 20 năm từ khi thủ đô bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới cùng cả nước. Nhìn lại 20 năm qua, Hà Nội đã có những bước tiến đáng kể trong mọi mặt kinh tế, xã hội, văn hoá... Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XIV được tiến hành vào thời điểm kết thúc 5 năm đầu của thế kỷ XXI, hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm 2001 - 2005. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, nhìn lại 20 năm đổi mới, quyết định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển thủ đô đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đây là đại hội phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng và thành tựu đổi mới, xây dựng thủ đô phát triển toàn diện, bền vững, thiết thực kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bước đột phá trong giáo dục, y tế
Đức Hạnh Trong suốt 20 năm đổi mới, Hà Nội đã có những bước chuyển biến đáng kể trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
 | Hầu hết trẻ em 6 tuổi đều được vào lớp 1 | Hơn 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 Năm 1990, Hà Nội hoàn thành phổ cập tiểu học và đến năm 1999, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành phổ cập THCS; phổ cập THPT và tương đương cho trên 75% thanh niên trong độ tuổi. Công tác xã hội hoá giáo dục - đào tạo đạt kết quả khá, đặc biệt ở bậc trung học và đại học với sự ra đời của hàng loạt các trường dân lập có chất lượng cao. Giáo dục mầm non được quan tâm, hệ thống các trường mầm non ngoài công lập tiếp tục phát triển ở cả nội và ngoại thành, tỉ lệ trẻ đến trường mẫu giáo tăng, thu hút số lượng lớn trẻ khuyết tật đến trường. Tính đến năm học 2004 - 2005, đã có hơn 99,9% số trẻ em 6 tuổi vào lớp 1, 89% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Giáo dục chuyên nghiệp được mở rộng với quy mô, mạng lưới các trường trung học chuyên nghiệp được phân bố đều tại các quận, huyện; chất lượng giáo dục được cải thiện, nhiều ngành nghề mới đã được đưa vào đào tạo. Tỉ lệ giáo viên của Hà Nội đạt chuẩn khá cao so với cả nước. Đến năm 2005, 98% số giáo viên đạt chuẩn ở ngành học mầm non, 99,5% ở bậc tiểu học, 99,1% ở bậc THCS và 100% ở bậc THPT, TH chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên. Cơ bản đã xoá được phòng học cấp 4 ở bậc giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn chưa đồng đều, vẫn còn những học sinh sa sút về đạo đức, nhân cách, vi phạm pháp luật. Chưa hình thành được mạng lưới các trường trọng điểm có chất lượng cao trong giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp, tỉ lệ trường TH chuyên nghiệp và dạy nghề còn quá thấp so với THPT. Đội ngũ giáo viên phân bố chưa hợp lý, giáo viên giỏi tập trung chủ yếu ở nội thành, đặc biệt ở một số trường điểm. Hầu hết các trường nội thành đều trong tình trạng quá tải học sinh, không có khả năng bảo đảm diện tích mặt bằng đất đai theo quy chuẩn để hiện đại hoá. Phần lớn các trường dân lập, tư thục chưa có địa điểm riêng, cơ sở vật chất chưa ổn định. Những hạn chế này bắt nguồn chủ yếu từ tình trạng chạy theo thành tích của hầu hết các trường, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, nội dung giáo dục chưa gắn dạy chữ với dạy làm người, dạy nghề...
200/229 trạm y tế xã, phường được xây dựng kiên cố Ngành y tế thủ đô đã có những phát triển ở cả bề rộng và chiều sâu. 200/229 trạm y tế xã, phường, thị trấn được xây dựng kiên cố; 725 nhân viên y tế hoạt động tại 672 thôn ngoại thành; hình thành 16 chuyên khoa đầu ngành ở 7 bệnh viện và 3 trung tâm; hệ thống y tế ngoài công lập năm 2004 là 5.000 cơ sở, tăng 3,38 lần so với năm 1991... Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh với những thành công mới như mổ nội soi, mổ vi phẫu nối mạch máu, kỹ thuật lọc máu nhân tạo... cùng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt đối với người nghèo; chủ động phát hiện, ngăn chặn các bệnh dịch... Vấn đề nâng cao hiểu biết của người dân về các biện pháp tránh thai, bệnh viêm nhiễm, lây lan qua đường tình dục, đặc biệt phổ biến tri thức và không kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS được mở rộng, nhất là trong phụ nữ và thanh niên. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3% theo chuẩn cũ, tỉ lệ thất nghiệp đô thị giảm còn 6,2%. Đến năm 2005, mức sống của người dân thủ đô tăng gấp 4 lần so với năm 1985.
Tuy nhiên, tình hình bệnh tật ở Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông, nhiễm HIV/AIDS đang ở mức báo động; vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thật sự hiệu quả... Tình trạng quá tải ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập vẫn thường xuyên diễn ra, thiếu nhiều cán bộ đầu ngành có trình độ chuyên môn cao. Công tác quản lý y tế tư nhân còn nhiều hạn chế. Tỉ lệ sinh con thứ ba đang tăng nhanh, đặc biệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên. Số trẻ em chậm tiến, nghiện hút, lang thang, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng.
Đại hội Đảng bộ TP XIV triệu tập 396 đại biểu, trong đó có 145 cán bộ lãnh đạo, 216 công chức viên chức, 53 đại biểu nữ, 35 đại biểu thuộc các lực lượng vũ trang. Có 6 đại biểu dưới 35 tuổi, 183 đại biểu từ 36 - 50 tuổi, 207 đại biểu trên 50 tuổi, trong đó cao tuổi nhất là Đặng Như Tý - sinh năm 1929, đại biểu Đảng bộ quận Ba Đình, ít tuổi nhất là Nguyễn Lan Hương - sinh năm 1976, Bí thư Quận đoàn, đại biểu Đảng bộ quận Đống Đa. 96,7% số đại biểu có trình độ CĐ, ĐH; 3,3% số đại biểu có trình độ trung cấp. Về trình độ chính trị, có 3 đại biểu trình độ sơ cấp, 49 đại biểu trình độ trung cấp và 255 đại biểu có trình độ chính trị cao cấp. |