Không được phép!
Các Website khác - 14/12/2005

Không được phép!

Lưu Quang

Những thông tin về nghi án bán độ của một số cầu thủ trong đội tuyển U.23 VN tại SEA Games 23 đã làm hàng triệu người hâm mộ cả nước rất đỗi bất ngờ. Sau bất ngờ là sự phẫn nộ. Và sau phẫn nộ là nỗi đau.

Đau bởi chúng ta đá bóng dù chưa hay như Brazil, như Hà Lan..., nhưng về tình yêu với bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, có thể tự hào mà khẳng định VN không hề thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Không biết những cầu thủ trong đội tuyển U.23 còn nhớ không: Trận bán kết SEA Games 22, 40.000 khán giả trên sân Mỹ Đình bất chấp cơn mưa tầm tã và cái rét tê người của mùa đông xứ Bắc, đã ngồi cổ vũ không mệt mỏi cho họ trong trận thắng Malaysia 4 - 3.

Họ còn nhớ không: Những đêm cả nước xuống đường, từ Hà Nội đến TPHCM, từ Cần Thơ đến Đà Nẵng... sau mỗi lần đội tuyển VN chiến thắng. Các em cũng hẳn còn nhớ: Đã bao lần người hâm mộ thất vọng vì các em - vì những giấc mơ dang dở ở SEA Games 22, ở Tiger Cup 98... Nhưng sau mỗi lần thất vọng, người hâm mộ lại tha thứ, lại cổ vũ hết mình.

Và họ có biết không: Dù vẫn còn rất nghèo, thu nhập đầu người mới chỉ đạt 400USD/người/năm, nhiều người không đủ ăn, nhiều gia đình chưa có nổi mái nhà ấm, nhiều em nhỏ chưa được đến trường... nhưng tổ quốc đã không hề tiếc bất cứ điều gì với các em, đã tạo điều kiện để các em đi tập huấn, đã thuê những huấn luyện viên nước ngoài tốt nhất, đã gom góp để có những khoản tiền thưởng lớn đến mức không nước nào trong khu vực có được...

Vậy mà (nếu đúng là có việc bán độ) các cầu thủ đã phản bội lại tất cả những tình cảm đó, như đứa con hư nhẫn tâm bán đứng bà mẹ nghèo. Vì sao họ lại có thể làm cái việc "coi trời bằng vung" ấy?

Chẳng lẽ họ không hiểu rằng, có những ranh giới không được phép vượt qua: Tổ quốc - Danh dự - Lòng Tự trọng. Không được phép - dù chỉ trong ý nghĩ - xúc phạm đến những điều thiêng liêng đó!

Phải chăng những hành động không thể tha thứ của họ phản ánh sự thoái hoá nghiêm trọng của nền tảng đạo đức xã hội. Những ứng xử đáng trách của họ là hệ quả sự khủng hoảng của nền giáo dục và những chuẩn mực sống.

Rõ ràng là trong một bộ phận giới trẻ hiện nay - từ những ngôi sao bóng đá đỏng đảnh, đến những thanh niên đua xe, sử dụng thuốc lắc, thậm chí gây tội ác - đang có một khoảng trống đạo đức và văn hoá rất lớn, đòi hỏi những ai có trách nhiệm phải phân tích, mổ xẻ thật kỹ càng để hiểu, từ đó tìm ra biện pháp khắc phục. Đó mới là cái gốc của vấn đề.

Không đi từ cái gốc, không có những biện pháp giáo dục chu đáo để ngay từ nhỏ, cầu thủ ý thức được rằng có những điều tuyệt đối không được phép làm, thì dù hôm nay chúng ta chỉ trích cầu thủ nặng nề đến thế nào, dù có kiểm tra, giám sát chặt chẽ đến đâu (như cử hẳn cán bộ an ninh theo đội), dù trừng phạt nghiêm khắc bao nhiêu (như bắt giam hàng loạt đối tượng "nhúng chàm"), cũng không bao giờ có thể loại trừ hoàn toàn được tiêu cực. Điều này thiết nghĩ không chỉ đúng với trường hợp đội U.23.