Người đầu tiên đưa gia đình ra đảo sinh sống, lập nghiệp, tạo tiền đề để lập nên làng quân nhân hôm nay là anh Nguyễn Văn Be, cán bộ Cụm M.
Hồi anh Be về quê vận động gia đình để đưa vợ ra đảo sinh sống, bà con hai họ nhất định không chịu. Chị Ðỗ Thị Doan, vợ anh là một cô giáo trẻ dạy tiểu học ở Thái Bình. Nhìn trên tấm bản đồ địa lý chị vẫn thường dạy học trò, đảo Thổ Chu chỉ như một hạt tấm mầu xanh, xa đất liền vời vợi. Chị vừa sợ, vừa lo. Theo anh ra đảo rồi biết làm gì sinh sống. Con cái lớn lên học hành, lập nghiệp ở đâu? Thấu hiểu tâm tư của vợ, của bố mẹ và gia đình, anh kiên trì thuyết phục. Thương anh, hiểu anh, chị Doan quyết định khăn gói cùng chồng vượt sóng gió trùng khơi ra đảo. Trước một không gian xa lạ, buồn tênh, chị Doan thấy lòng dạ nao nao trăm mối tơ vò. Gia đình anh chị được cấp một mảnh đất ở khu Bãi Ngự. Ðồng chí, đồng đội mỗi người một tay giúp anh chị dựng nhà, lập vườn, chăn nuôi, ổn định cuộc sống bước đầu. Căn nhà của anh Be nằm lọt thỏm giữa một cánh rừng lau sậy, cây cối um tùm. Thời gian đầu chưa quen, hằng đêm chị Doan không có được một giấc ngủ trọn vẹn bởi những tiếng hú, tiếng kêu của các loài thú, trăn, rắn, chim muông hòa lẫn trong tiếng sóng biển gầm gào...
Bắt đầu một cuộc sống mới, chị Doan trở thành chỗ dựa vững chắc giúp anh Be hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ngoài thời gian ở đơn vị, anh về nhà phụ giúp vợ làm vườn, chăn nuôi phát triển đời sống. Anh Be tâm sự:
- Hồi tôi đưa gia đình ra đảo, Thổ Chu còn hoang sơ lắm. Cả tháng mới có một chuyến tàu từ đất liền ra. Phương tiện liên lạc về đất liền chẳng có gì ngoài... gửi thư. Mà thư có khi cả mấy tháng mới tới. Quyết định đưa gia đình ra đảo lập nghiệp, tôi lo lắng nhiều lắm. Thời tiết, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, nhỡ vợ con ốm đau, bệnh tật biết chạy chữa vào đâu. Ðược sự động viên khích lệ và nhất là khí thế phong trào "Thanh niên lập nghiệp giữ nước", mình quyết định chấp nhận gian khổ, thử thách...
Noi gương anh Be và chị Doan, nhiều sĩ quan trẻ sau khi xây dựng gia đình đã đưa vợ con ra đảo lập nghiệp, tạo thành phong trào xung kích sôi nổi của Ðoàn Thanh niên trong đơn vị. Chẳng bao lâu, trên đảo Thổ Chu đã hình thành làng quân nhân trẻ, đến nay đã có gần 30 hộ gia đình. Mặc dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng với quyết tâm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ đã chung tay xây dựng làng quân nhân trở thành làng văn hóa tiêu biểu của vùng biển đảo Tây - Nam. 100% hộ gia đình quân nhân trẻ đều được tặng danh hiệu gia đình văn hóa.
Trong mỗi bước đổi thay, vươn lên mạnh mẽ của hòn đảo này đều in đậm dấu ấn của sức trẻ Vùng E Hải quân mà trực tiếp là mô hình làng quân nhân trẻ. Từ những việc nhỏ trong đời sống thường nhật đến công việc chung của xã đảo đều có sự tham gia tích cực của các hộ gia đình trong làng. Làng quân nhân thật sự là hạt nhân đoàn kết của cộng đồng dân cư trên đảo. Những việc làm ấy đã góp phần quan trọng tạo thế trận lòng dân vững chắc.
Liên tục những năm gần đây, đảo Thổ Chu được công nhận là hòn đảo phát triển nhanh về kinh tế xã hội, vững mạnh về quốc phòng - an ninh trên vùng biển đảo Tây - Nam. Thượng tá Ðào Phúc Lâm, Ðảo trưởng đảo Thổ Chu cho biết: "Các cán bộ, sĩ quan có gia đình ở đảo đều rất trẻ. Sự ổn định cuộc sống, hợp lý hóa gia đình đã trở thành nguồn động viên to lớn giúp họ hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ. Ðảng ủy, chỉ huy đảo Thổ Chu luôn động viên tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ phát triển đời sống, an tâm công tác. Làng quân nhân đang tiếp tục phát triển, trở thành một động lực, một nhân tố quan trọng của các đơn vị đóng quân trên đảo. Mọi hoạt động của làng quân nhân đều gắn chặt với nhiệm vụ của đơn vị".
Ðến thăm các gia đình trong làng quân nhân, tôi đọc thấy trong ánh mắt những người vợ lính một niềm tin mãnh liệt vào tương lai. Chị Lê Thị Tâm Thư, vợ của bác sĩ quân y Ðặng Ðình Hùng nói:
- Thời khó khăn, gian khổ nhất đã qua rồi. Giờ đây chúng em đã có cuộc sống ổn định. Ðảo đã có điện, đường bê-tông, trường học, bệnh xá... Người dân các địa phương ra đảo lập nghiệp ngày càng nhiều. Các hoạt động của phong trào thanh niên lập nghiệp ở đây được gắn kết, lồng ghép vào các chương trình phát triển đời sống trên đảo nên hiệu quả tốt lắm!
Mô hình làng quân nhân giữa chốn trùng khơi này là một nỗ lực rất lớn của tuổi trẻ Vùng E. Tính xung kích, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn của những chàng sĩ quan trẻ là yếu tố quyết định, song không thể không nói đến nghị lực tuyệt vời của những người vợ lính, những nữ thanh niên thời đại mới. Cảm ơn các chị đã vì các anh, vì sự bình yên, phồn thịnh của hòn đảo nơi biển trời Tây - Nam này mà gắn bó cuộc đời và cả thế hệ tương lai nơi đây...
|