![]() |
Sổ đỏ ế đọng khiến việc cấp giấy không có hiệu quả. Ảnh: A.T. |
Đã hơn nửa năm nay, huyện Thanh Trì, Hà Nội vẫn tồn hơn 1.000 giấy chứng nhận sử dụng đất do người dân không đến nhận. Theo ông Trần Văn Trung, Trưởng phòng Tài nguyên nhà đất, mặc dù Nghị định 17 ra đời song vẫn chưa đi vào cuộc sống bởi mới chỉ cho phép người dân nợ tiền sử dụng đất.
Theo ông Trung, lẽ ra nên cho phép dân nợ cả thuế chuyển quyền cũng như lệ phí trước bạ, thì mới xóa được tình trạng "ế" sổ đỏ.
Trong năm 2005, khi biểu giá đất mới thay đổi trong khi tỷ suất thuế không thay đổi khiến nghĩa vụ tài chính mà người dân phải nộp khi nhận sổ đỏ tăng cao. Nhiều hộ dân không có khả năng chi trả nên đã không đi nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hàng nghìn sổ phải nằm trong tủ của cơ quan nhà đất.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành nghị định 17 cho phép người dân ghi nợ tiền sử dụng đất, còn các nghĩa vụ khác như thuế chuyển quyền và lệ phí trước bạ phải thực hiện ngay trước khi nhận sổ. Khi sổ đỏ ghi nợ, người dân không được thực hiện các giao dịch nhà đất.
Trên thực tế, quy định này vẫn không giải quyết được tình trạng ế đọng sổ đỏ. Theo các chuyên gia nhà đất, nếu tính khoản thuế chuyển quyền và lệ phí trước bạ mà người dân phải nộp ngay để lấy sổ đỏ vẫn là khá cao, có hộ phải trả tới hàng chục, hàng trăm triệu.
Ngoài ra, do vẫn nợ tiền sử dụng đất nên người dân không được thực hiện các quyền lợi trên đất như cầm cố, thế chấp... càng khiến người dân không muốn nhận sổ.
Quy định mới cũng khiến cán bộ nhà đất địa phương phải làm công việc gấp đôi so với trước đây. Một phần tính khoản tiền nợ để ghi trên sổ, phần khác là tính thuế cho các khoản để người dân trả ngay.
Tình trạng ứ đọng số đỏ phổ biến ở các huyện ngoại thành, vùng ven đô bởi giá đất mới đã tăng cao tới 6-10 lần so với giá cũ. Nhiều người dân phải nộp các loại thuế như chuyển quyền, tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ cao nhiều lần so với giá đất cũ. Ngoài ra, các quận, huyện này chưa cấp nhiều sổ đỏ qua các năm trước nên số sổ tồn đọng phải giải quyết là khá lớn.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên môi trường Nhà đất Hà Nội, hiện thành phố phải giải quyết 70.000 trường hợp, trong đó có 65.000 trường hợp bất khả kháng như thất lạc giấy tờ, nhà vi phạm Pháp lệnh đê điều. Tuy nhiên, vấn đề bất cập của ngành nhà đất là tình trạng người dân không đến nhận sổ. Sở Tài nguyên môi trường Nhà đất cho biết, sẽ kiến nghị UBND thành phố để xin hướng chỉ đạo.
Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường và Nhà đất, cho rằng, thuế là nghĩa vụ của người dân và việc nợ thuế chỉ có giới hạn nên Nhà nước không thể cho nợ nhiều khoản.
Theo ông Võ, bất hợp lý ở chỗ tỷ suất thuế không thay đổi trong khi giá đất mới thay đổi nên gây khó khăn cho dân. Vấn đề này sẽ được Bộ Tài nguyên môi trường Nhà đất bàn thảo với Bộ Tài chính về chính sách áp giá tính thuế theo giá đất cũ hoặc điều chỉnh tỷ suất thuế. "Nếu điều chỉnh áp thuế theo giá đất cũ thì sẽ xóa được tình trạng tồn sổ đỏ. Chúng tôi sẽ cố gắng sửa đổi nội dung này trong tháng 4", ông Võ nói.
Đoàn Loan
▪ 50% số thương hiệu nổi tiếng trong nước là của Việt Nam (22/03/2006)
▪ Khởi động sớm các tour du lịch dịp 30/4 (22/03/2006)
▪ Liên minh HTX quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam (22/03/2006)
▪ Việt Nam không thể trở thành bãi rác của thế giới (22/03/2006)
▪ Mở rộng công khai việc thu chi tài chính ở cấp cơ sở (22/03/2006)
▪ Nhân viên đăng kiểm 'ăn tiền' bị chuyển công tác (22/03/2006)
▪ Công nhân khu chế xuất Linh Trung bị trấn lột (22/03/2006)
▪ Huấn luyện sinh viên về an toàn giao thông (22/03/2006)
▪ Trẻ em Việt Nam là con nuôi ở Mỹ về thăm quê (22/03/2006)
▪ VN hấp dẫn các hãng du lịch Nga (22/03/2006)