Tuyến biên giới Lào Cai ngoài cửa khẩu chính Lào Cai - Hà Khẩu còn có các cửa khẩu Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai, trong đó phức tạp nhất là cửa khẩu Lào Cai, nằm ngay trong thành phố, với hai bên cánh gà là đường sông suối kéo dài hàng chục km, mùa này nước cạn nhiều chỗ có thể lội qua.
Mặc dù, việc buôn bán, nhập lậu gia cầm không nóng bỏng như tuyến biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, nhưng theo báo cáo của Ban chống buôn lậu tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã bắt hàng chục vụ nhập lậu gia cầm sống và sản phẩm gia cầm đã qua chế biến.
Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Cường cho biết, nguồn gia cầm nhập lậu được cung ứng chủ yếu từ các trại gà lớn ở thành phố Mông Tự và huyện Bình Biên (Vân Nam, Trung Quốc) với giá 8-10 nghìn đồng/kg chở ra sát biên giới. Giá rẻ bởi vì đây là gà thải loại, gà già đẻ trứng nhỏ, ít hoặc không đẻ được nữa. Nổi cộm nhất là việc nhập lậu trứng gà. Giá trứng gà rất rẻ, khoảng 400-500 đồng/quả. Giá rẻ cộng với nhu cầu tiêu dùng tăng, lãi cao là nguyên nhân trực tiếp khiến tình hình nhập lậu gà, trứng gà diễn ra phức tạp trong thời gian từ đầu tháng 3 đến nay, nhất là trong hơn một tuần qua (từ 15 đến 23-3) ở cả cửa khẩu chính lẫn dọc tuyến biên giới sông Hồng và sông Nậm Thi. Trên tuyến biên giới dọc theo sông Hồng thuộc phường Duyên Hải TP Lào Cai, ở các lối mở tự do như Gốc Đa, Cầu Sập các đối tượng buôn lậu dùng thuyền nan ban ngày giấu kín trong nhà dân, hoặc lùm cây rậm rạp ven sông đợi tối là vượt sông chở hàng lậu đã được chuẩn bị từ trước. Nhộn nhịp nhất là khoảng 7, 8 giờ tối đến 11 giờ đêm. Hàng lậu cập bờ, lập tức được cửu vạn nhanh chóng phân tán, rất khó bắt giữ. Trường hợp bị phát hiện bọn chúng sẵn sàng bỏ hàng chạy trốn. Ngày 18-3, Đội quản lý thị trường số 1 bắt 11.520 quả trứng tại điểm đỗ xe khách liên tỉnh ở phường Duyên Hải, ngày 23-3 bắt 15.120 quả trứng nhập lậu. Mặc dù ngay tại Gốc Đa có bố trí một tổ biên phòng chốt trực, nhưng như đồng chí tổ trưởng ở đây cho biết: "Cánh gà phía bắc cửa khẩu kéo dài hàng chục km, chúng tôi không đủ người canh giữ xuể". Ở tuyến biên giới sông Nậm Thi cũng diễn ra tình trạng như vậy, nóng bỏng nhất là ở các lối mở Na Mo, Bản Quẩn, Bản Phiệt... Ở cửa khẩu chính Lào Cai - Hà Khẩu, bọn buôn lậu dùng thủ đoạn xé lẻ hàng giấu vào ruột những thồ rau, hoa quả, hoặc nhờ người đi du lịch xách hộ, lực lượng chức năng phải rất vất vả mới kiểm tra phát hiện được. Trao đổi ý kiến với chúng tôi về tình hình nhập lậu gia cầm gia tăng mạnh trong những ngày vừa qua, đồng chí Trần Văn Trường, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Lào Cai cho biết: Đơn vị đang thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh tập trung mạnh vào đấu tranh phòng, chống nhập lậu gia cầm qua biên giới, xử nghiêm những kẻ buôn lậu. Ngày 21-3, đơn vị đã bắt tại nhà Ngô Thị Thanh, trú tại tổ 30 phường Duyên Hải 10.000 quả trứng nhập lậu, ngoài tiêu hủy trứng sẽ điều tra làm rõ để xử lý theo pháp luật.
Thực hiện Công điện khẩn số 441 ngày 17-3-2006 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại các phường giáp biên giới tăng cường phối hợp, kiểm tra kiểm soát việc nhập khẩu, vận chuyển gia cầm qua biên giới. Thế nhưng có thể nói mới chỉ chuyển động ở các lực lượng phía trước, còn tại các chợ tiêu thụ thì khâu kiểm tra, kiểm soát dường như còn buông lỏng. Tại các chợ Cốc Lếu, Gốc Mít gà mổ sẵn không có dấu kiểm dịch vẫn bày bán công khai. Hỏi chuyện chị Nguyễn Thị Vân, bán hàng ở chợ Gốc Mít, chúng tôi được biết, thỉnh thoảng mới có một ông tên là Diễm đến kiểm tra. Tại chợ này còn có một chủ hàng bán vịt quay người Trung Quốc tên là A Sình hằng ngày mang vịt từ Hà Khẩu sang đây quay bán. Trong vai một người đi mua gà phục vụ hội nghị, tôi được một thanh niên tên Quang làm nghề mổ gà thuê ở chợ Gốc Mít dẫn ra sau nhà xem những lồng gà đầy ắp và hứa hẹn mua nhiều sẽ giảm giá.
Tình hình nhập lậu gia cầm diễn ra phức tạp còn có nguyên nhân là sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm của chính quyền và người dân ở các xã, phường giáp biên giới, coi việc ngăn chặn là nhiệm vụ của công an, biên phòng, quản lý thị trường... chứ không phải của mình. Thậm chí, một số người dân vì lợi trước mắt, viện cớ đời sống khó khăn còn tiếp tay cho buôn lậu. Chủ tịch UBND phường Duyên Hải Vũ Ngọc Thanh, nói chắc như đinh đóng cột rằng, không có việc nhập lậu gia cầm trong dân cư của phường, vì đã tổ chức ký cam kết trong từng tổ dân phố, những vụ cơ quan chức năng bắt được là người ở nơi khác mang đến (?)
Để ngăn chặn triệt để việc thẩm lậu gia cầm trên tuyến biên giới Lào Cai cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành chức năng và chính quyền, nhân dân các xã, phường biên giới; đồng thời truy quét quyết liệt hơn, xử nghiêm những kẻ nhập lậu gia cầm qua biên giới.
Theo Cục Thú y, các tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Hà Tây, Bắc Giang, Hải Dương, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang đã tiêm phòng vắc-xin phòng cúm gia cầm cho 2.581.350 con gia cầm; trong đó gà 1.120.935 con, vịt là 1.460.415 con. Ngoài ra, Cục còn tiến hành xét nghiệm 15.491 mẫu huyết thanh, tỷ lệ bảo hộ đạt hơn 80%; 2.563 mẫu swab kết quả âm tính với vi-rút cúm H5.
l Hiện nay, đoàn công tác của các Bộ: Y tế, Thương mại, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục kiểm tra ở các đường biên giới Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Thông tin ban đầu của đoàn kiểm tra, gà nhập lậu, gà từ Trung Quốc được bán rất rẻ (5.000 đồng/kg), về đến nội địa giá lên tới 40-50 nghìn đồng/kg. Việc buôn lậu gà không qua kiểm dịch từ biên giới tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh. Dù dịch cúm gia cầm ở nước ta đã được khống chế, không có người nhiễm H5N1, nhưng nếu việc nhập lậu gia cầm không được ngăn chặn, sự tái phát dịch H5N1 có khả năng xảy ra.
l Tính đến ngày 23-3, nạn buôn lậu gà qua biên giới tại địa bàn Lạng Sơn vẫn không giảm. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã lập ra 5 "phòng tuyến" ngăn chặn. Tại tuyến 1 - tuyến biên giới, lực lượng biên phòng sẽ chủ trì cùng chính quyền địa phương và các ngành hữu quan kiểm tra, kiểm soát. Tuyến 2 tại khu vực sát biên giới, lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ trì cùng các ngành thú y, Đội 127 để kiểm tra, kiểm soát. Tuyến 3 trong khu vực TP Lạng Sơn được giao cho Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các Đội quản lý thị trường, lực lượng thú y, công an và UBND các xã, phường kiểm tra, rà soát. Tuyến 4 được giao cho Công an tỉnh chỉ đạo, phối hợp với UBND các huyện tuyến sau như Chi Lăng, Hữu Lũng, Trạm kiểm soát giao thông Tùng Diễn khống chế lượng gà lậu lọt qua thành phố và tuyến 5 là tuyến cuối cùng.
l Tại tỉnh Quảng Ninh, trong vòng nửa tháng, các lực lượng kiểm soát thị trường đã bắt 10 vụ nhập lậu gà, trứng gà, với tổng số 7,5 tấn gà và 126 nghìn quả trứng. Các địa phương khác như Móng Cái, Cẩm Phả, Đầm Hà, Tiên Yên, số lượng gà nhập lậu bị bắt giữ thấp nhất đều không dưới một tấn.
* Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương và Trạm thú y TP Hải Dương đã tổ chức tiêu hủy 52.800 quả trứng nhập lậu, không qua kiểm dịch. Đây là lô hàng bị Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương) bắt giữ ngày 18-3, khi đang được vận chuyển từ Đông Triều (Quảng Ninh) về Hà Nội tiêu thụ. Theo Chi cục Quản lý thị trường Hải Dương, tình hình vận chuyển trứng gia cầm nhập lậu qua địa bàn tỉnh khá phổ biến. Hàng được vận chuyển qua cửa khẩu ở Quảng Ninh, tập kết tại Đông Triều, sau đó sẽ xuôi quốc lộ 18 về Hà Nội.
* Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa phát hiện xe tải vận chuyển hơn 79 nghìn quả trứng gia cầm không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không có hóa đơn chứng từ. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã lập biên bản và giao cho Chi cục Thú y tiêu hủy, trước sự chứng kiến của chủ hàng.
* Ngày 23-3, Chi cục thú y TP Hồ Chí Minh đã phối hợp UBND phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, kiểm tra nhà số 347 Vườn Lài, phát hiện ở đây gần 8.000 quả trứng gà nhập lậu. Số trứng này do Nguyễn Duy Luận ở Hải Dương đưa vào thành phố để tiêu thụ. Cơ quan chức năng đã lập biên bản để tiếp tục xử lý lô hàng này.
|