Những nẻo đường săn đuổi gấu đen
Các Website khác - 06/10/2005
Gấu đen nuôi lấy mật.

Trước đây, hầu như khu rừng nào của Việt Nam cũng có gấu đen sinh sống. Song khoảng 20 năm trở lại đây, rừng bị tàn phá, lại thường xuyên phải đối mặt với nạn săn bắt nên loài gấu đen đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh “nổi tiếng” nhất về săn bắt và nuôi gấu lấy mật, cũng là hai vùng rừng được xem là nhiều động vật này nhất. Nhưng theo đánh giá của các nhà sinh vật học thì gấu trong rừng hiện nay tại khu vực này không thể nhiều bằng gấu nuôi trong nhà.

Lô Văn Kim, một thợ săn nổi tiếng tại xã Chi Khê (Con Cuông) cho biết, lang thang đặt bẫy trong rừng, nếu chỉ một lần “trúng gấu” cũng đủ tiêu xài cả năm. Mỗi ký gấu còn sống giá khoảng 2 triệu đồng, bằng bắt được cả chục con cầy vằn. Thế nên chỉ cần đánh hơi thấy chú gấu nào xuất hiện tại một cánh rừng cụ thể, lập tức có hàng chục thợ săn tìm đến và “ra tay” ngay.

Kim cho biết, khoảng 15 năm trước, thợ săn thường dùng súng để bắn gấu và lấy mật ngay trong rừng, xác gấu chỉ dùng để nấu cao. Hiện nay, họ dùng bẫy vòng và quan trọng hơn là bắt được gấu sống. Bẫy vòng dùng để bắt gấu phải bền hơn nhiều lần bẫy thường. Chỉ 3 hoặc 4 sợi phanh xe đạp bện lại với nhau là đủ để “khuất phục” một chú gấu nặng khoảng 70 kg. Chiếc bẫy vòng đơn giản như đồ chơi của trẻ con, song theo Kim, chú gấu chỉ cần chạm vào cái bẫy đặt dưới đất, tay sẽ bị mắc vào cái vòng này và càng giãy càng bị siết chặt.

Làm nghề săn, tuy thu nhập khá cao nhưng cũng rất nguy hiểm. Tại Chi Khê từ trước đến nay đã có ít nhất 5 người chết vì bị thú “bật lại”. Kim kể, hồi tháng 2 năm ngoái, anh Lô Văn Hằng - thợ săn Tà Cạ (Kỳ Sơn) khi bắt gấu dính bẫy đã bị chú gấu nặng gần 80 kg cào vào mặt. Do vết thương quá sâu, đường ra lại xa quá, lại không có thuốc cầm máu nên chết trên đường ra. Những cái chết như thế được coi là thương tâm nhất bởi nó diễn ra từ từ và trước mặt chỉ có vài người bạn.

Ở thị trấn Con Cuông, ai cũng biết nhà hàng Tám Lan vì ngày nào cũng có món thịt gấu cho khách nhậu. Bà Lan chủ quán xởi lởi nói rằng, mật gấu và thịt gấu ở đây là rẻ nhất Việt Nam. Đúng thế thật, 1cc mật gấu rừng chính hiệu ở đây giá chỉ khoảng 90.000 đồng, rẻ bằng 1/3 so với giá ở Vinh.

Nhà hàng này còn có nhiều món được chế biến từ thịt gấu như gấu giả cầy, gấu hấp, xào... khoảng 60-80 nghìn đồng/đĩa. Bà Lan nói rằng, mỗi tháng, quán này “xài” hết dăm bảy chú gấu. Nguồn cung cấp chủ yếu là từ thợ săn và những nhà nuôi gấu thải ra.

Tuổi thọ của gấu chỉ khoảng 15 năm, gấu rừng thì ngày càng hiếm, trong khi gấu nhà thì không sinh đẻ được. Song với tình trạng này, chỉ trong vòng khoảng 10 năm nữa, gấu sẽ biến mất trên bản đồ động vật học Việt Nam. Đó là lời cảnh báo của một trong những chuyên gia động vật học hàng đầu Việt Nam - giáo sư Võ Quý.

(Theo Sài Gòn Giải Phóng)