Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên và phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến đã chủ trì hội nghị triển khai nghị quyết 30 của Chính phủ về công tác xuất nhập khẩu năm 2009 tại TP.HCM. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhằm vực dậy hoạt động xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp cho rằng vẫn chưa đủ...
|
Ông Nguyễn Ngọc Bảo - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước - trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao của hội nghị - Ảnh: THANH ĐẠM |
Lo nguyên liệu đầu vào
Tháng 1-2009, xuất khẩu giảm 24,2% Tháng 1-2009 xuất khẩu ước đạt 3,8 tỉ USD, giảm 24,2% so với tháng 1-2008, trong đó giảm mạnh nhất là xuất khẩu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (26%) - vốn chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu cả nước. Với điều kiện hiện nay, phấn đấu tăng trưởng xuất khẩu 13% so với năm 2008 - tức trên 70 tỉ USD là khó. |
Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM Nguyễn Chiến Thắng nói: “Thời gian vừa qua Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhưng chưa đủ. Ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ đang thiếu khách hàng và thị trường”. Theo ông Thắng, giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu đang ở mức thấp là cơ hội để mua dự trữ. Nhưng chính sách hỗ trợ lãi suất (LS) ngân hàng (NH) chỉ kéo dài trong vòng tám tháng là không đủ để doanh nghiệp tự tin vay nhập khẩu gỗ.
“Chúng ta nhập khẩu nguyên liệu gỗ đến 80%. Nếu bây giờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ việc dự trữ kịp thời thì tôi tin khi thị trường thế giới phục hồi, ngành xuất khẩu gỗ của chúng ta sẽ có cơ hội đạt kim ngạch lớn” - ông Thắng ao ước.
Trong khi đó, ngành xuất khẩu thủy sản đang gặp tình huống trái ngược: trong khi giá xuất khẩu giảm thì giá nguyên liệu đầu vào là tôm và cá tra lại tăng. Ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) - cho biết: “Xảy ra tình trạng giá nguyên liệu tăng là do người nuôi “treo ao” dẫn đến thiếu hàng. Để đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã phải nhảy vào đầu tư nuôi tôm, nuôi cá”. Theo ông Hòe, ngành xuất khẩu thủy sản cần nguồn cung cấp ổn định nên Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ việc đầu tư ao nuôi. Để việc nuôi cá, tôm của nông dân không bấp bênh, cần phải lập quỹ bình ổn thức ăn chăn nuôi.
Liên quan đến vấn đề nguyên liệu, ông Phạm Trung Cang - chủ tịch Hiệp hội Nhựa TP.HCM - cho rằng ngành nhựa VN đang phải đối đầu với cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Ông Cang giải thích: “Một trong những lý do khiến ngành nhựa các nước xung quanh có giá rẻ hơn hàng VN là họ được nhập khẩu phế liệu nhựa dễ dàng. Trong khi đó, doanh nghiệp nhựa VN không thể nhập nguồn nguyên liệu này vì quy định “băm nhỏ, rửa sạch” gây khó khăn”.
Theo ông Cang, phế liệu nhựa nhập về nếu tuân thủ theo quy định “băm nhỏ, rửa sạch” thì giá thành lên rất cao, hơn nữa nếu đã làm đến công đoạn đó thì không còn ai bán cho doanh nghiệp VN nữa. “Ngành nhựa xuất khẩu có mức tăng trưởng cao, đến 20% và nhiều khả năng sẽ đạt kim ngạch 1 tỉ USD trong năm nay. Chúng ta cần có chính sách hợp lý cho ngành xuất khẩu tiềm năng này” - ông Cang nói.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TH.Đạm |
Nên giảm thêm lãi suất và thuế
Theo ông Võ Quốc Thắng - chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, việc giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho một số nhóm hàng, dịch vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm giá bán, kích thích người dân tiêu dùng là chủ trương đúng đắn và kịp thời.
Tuy nhiên, “quy định này chỉ áp dụng hạn chế cho một số ngành hàng, dịch vụ là chưa thỏa đáng. Chính phủ cần xem xét mở rộng thêm đối tượng được hưởng giảm thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống và sử dụng nhiều lao động” - ông Thắng đề nghị.
Theo ông Thắng, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng và người tiêu dùng sẽ là người trực tiếp được hưởng lợi từ chính sách này, như vậy hiệu quả kích cầu tiêu dùng sẽ cao hơn, doanh nghiệp có điều kiện bán được nhiều hàng hóa hơn.
Cũng theo ông Thắng, với LS cơ bản hiện nay 7%/năm thì trần LS cho vay là 10,5%/năm, sau khi trừ 4%/năm hỗ trợ LS doanh nghiệp vẫn phải chịu LS 6,5%/năm. Nếu so với các nước trong khu vực, mức LS này vẫn còn khá cao làm cho sản phẩm VN khó cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu. Ông Thắng đề nghị nên sớm triển khai cho vay theo LS thỏa thuận để giải quyết hài hòa việc giảm thêm LS nhưng cũng không gây sức ép về phía các NH.
Khả năng ngân sách có hạn
Trước đề xuất kéo dài thời gian và mở rộng thêm đối tượng được bù LS, phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng quyết định 131 và thông tư 02 mang tính cấp thiết nên trước mắt chỉ ưu tiên cho một số đối tượng thuộc lĩnh vực trọng yếu nhất. “Nguồn ngân sách có giới hạn nên những kiến nghị không nên bó hẹp cho vay dùng làm vốn lưu động, hoặc đầu tư đổi mới thiết bị, thực hiện dự án chưa thể thực hiện được ngay” - ông Tiến nói.
Liên quan đến đề xuất tiếp tục nới rộng biên độ tỉ giá trong năm 2009, ông Tiến nhấn mạnh chính sách điều hành tỉ giá của NH Nhà nước là linh hoạt, dựa trên quan hệ cung cầu thị trường nhưng phải tính toán nhiều mục tiêu, trong đó có khuyến khích xuất khẩu, bảo đảm kiểm soát nhập khẩu và quản lý được các khoản nợ. Với doanh nghiệp xuất khẩu, ông Tiến cho rằng tỉ giá không phải là tất cả mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như thị trường, biện pháp xúc tiến thương mại.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng những kiến nghị về nới rộng thời hạn và đối tượng đều có lý nhưng nếu áp dụng trong điều kiện hiện tại lại vượt quá khả năng ngân sách cho phép. Về kiến nghị vay ngoại tệ nhập nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, ông Biên cho rằng vẫn được thực hiện theo quyết định 09 của NH Nhà nước nhưng tận dụng tối đa quyết định 131 và thông tư 02 về bù LS.
Theo ông, không có doanh nghiệp thuần xuất khẩu, do đó với doanh nghiệp nhập nguyên vật liệu về sản xuất hàng xuất khẩu vẫn được vay LS ưu đãi, có thể theo hình thức NH ứng trước ngoại tệ cho doanh nghiệp, sau đó thu được ngoại tệ từ xuất khẩu doanh nghiệp sẽ trả lại NH.
Đối với kiến nghị của Hiệp hội Nhựa về việc nới quy định nhập khẩu phế liệu nhựa sạch, ông Biên cho rằng vướng mắc nằm ở chỗ chưa đề xuất phương án chống ô nhiễm thuyết phục. Do đó trong thời gian này doanh nghiệp nên chủ động, không nên trông chờ vào chính sách.
Giải thích thêm về bù lãi suất cho vay Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NH Nhà nước), đối với doanh nghiệp thực hiện các dự án bất động sản mà vay vốn ngắn hạn bằng VND sử dụng để mua vật liệu xây dựng như gạch ngói... để xây dựng thì vẫn được bù LS. Chỉ trừ doanh nghiệp vay vốn để kinh doanh, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đầu cơ bất động sản thì không được bù. Trường hợp doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu vay vốn VND có LS thấp (thường được gọi là vay VND theo LS USD) vẫn được bù LS. Chỉ cần hợp đồng vay vốn ghi là vay VND và giải ngân bằng VND là được, còn chuyện cam kết bán ngoại tệ ngày giải ngân là thỏa thuận trong hợp đồng, chứ không phải là cho vay bằng ngoại tệ. Theo ông Bảo, doanh nghiệp khi vay vốn bù LS nếu có thắc mắc nên liên hệ các NH thương mại để được giải đáp và các NH có trách nhiệm trả lời cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa thỏa mãn thì liên hệ với giám đốc NH Nhà nước địa phương để được hướng dẫn. Nếu có những vấn đề mà NH Nhà nước địa phương không giải quyết được thì báo cáo NH Nhà nước để kịp thời giải quyết cho doanh nghiệp. * Xung quanh vấn đề “đảo nợ” - chuyển từ hợp đồng có LS cao đã ký trước đây sang hợp đồng vay mới được bù LS, ông Nguyễn Đồng Tiến - phó thống đốc NH Nhà nước - nói: có hai hình thức đảo nợ. Trường hợp đảo nợ để tìm cách che giấu chất lượng tài chính, chất lượng khoản vay của doanh nghiệp là hành vi không trung thực trong kinh doanh, cần phải ngăn chặn. Tuy nhiên, đảo nợ cũng có thể hiểu là những khoản vay cũ nằm trong tình huống bất lợi nếu có nguồn tài chính để trả nợ để vay nguồn vốn mới có lợi hơn, tạo thuận lợi trong kinh doanh và chất lượng khoản vay vẫn đảm bảo thì sẽ khuyến khích. Nhất là những doanh nghiệp trong năm 2008 vay LS cao nay muốn được chuyển sang vay với LS thấp thì các NH cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp. M.KHANH |
▪ Nắng rực rỡ trong ngày Lễ tình nhân (13/02/2009)
▪ Vết nứt ở hầm Thủ Thiêm tiếp tục phát triển (13/02/2009)
▪ Hậu Giang: Cần phát huy nhiều nguồn lực và tiềm năng sẵn có (13/02/2009)
▪ Chính quyền phải văn minh để nêu gương (13/02/2009)
▪ Nước vẫn thải, cá vẫn chết (13/02/2009)
▪ “Xén” tiền Tết của người nghèo để xây cổng văn hóa (13/02/2009)
▪ Thời tiết đẹp trong ngày Valentine (13/02/2009)
▪ Du khách Mỹ bị rơi khỏi tàu Thống Nhất (13/02/2009)
▪ Kiểm tra các dự án trọng điểm: Nhiều khả năng lỗi hẹn (13/02/2009)
▪ Diễn biến dịch sởi: Vẫn phức tạp (13/02/2009)