Quốc hội sẽ theo sát lời hứa của các bộ trưởng
Các Website khác - 21/11/2005

"Ban Dân nguyện sẽ theo sát phần trả lời của các bộ trưởng. Khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Chủ tịch QH chốt lại những vấn đề bộ trưởng đã hứa. Ban Dân nguyện sẽ dựa vào đó để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện" - Trưởng ban dân nguyện Lê Quang Bình nói với phóng viên sáng nay.

Các bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn kỳ này.
Các bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn kỳ này.
- Tại kỳ họp này, Quốc hội (QH) sẽ có thay đổi gì trong cách thức chất vấn, thưa ông?

- QH chỉ dành tối đa 20 phút cho các bộ trưởng khi trả lời chất vấn văn bản. Tôi biết hiện nay có bộ trưởng nhận được đến 30 chất vấn, như vậy phải gom lại thành những vấn đề chính, trả lời ngắn gọn. Sau khi giải trình văn bản, đến phần chất vấn trực tiếp tại hội trường, đại biểu có thể tiếp tục làm rõ vấn đề, hay còn gọi là truy vấn, thời gian truy vấn không quá 3 phút. Nếu hết thời gian chất vấn đại biểu nào chưa thoả mãn có thể đề nghị người bị chất vấn trả lời tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ QH vào giữa hai kỳ họp QH.

- Nhiều đại biểu cho rằng, phần chất vấn tại QH đang nhạt dần do nhiều vấn đề bức xúc đã được chất vấn tại nhiều kỳ họp nhưng không được giải quyết. Quan điểm của ông thế nào?

- Khách quan mà nói, có những vấn đề phải có thời gian dài mới có thể giải quyết được. Ví như chống tham nhũng, đây là vấn đề bức xúc nhất nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều. Cử tri đòi hỏi Chính phủ phải chặn đứng ngay, thì e rằng hơi khó. Tuy nhiên, có những quy định bất hợp lý, có thể giải quyết ngay được nhưng người ta để rất lâu hoặc trả lời là "tiếp tục nghiên cứu". Như vậy là không được. Ví dụ về nông nghiệp, có quy định tiền khoanh nuôi bảo vệ rừng 50.000 đồng/ha. Kỳ họp nào, cử tri cũng có ý kiến, đại biểu chất vấn là quá thấp nhưng Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời "tiếp tục nghiên cứu". Đáng lý ra, nếu xét thấy kiến nghị của cử tri hợp lý thì mình phải điều chỉnh ngay.

- Vừa qua, có việc "vênh" quan điểm giữa Chính phủ và QH về lời hứa của bộ trưởng. Vấn đề này đã được giải quyết đến đâu, thưa ông?

- Tại kỳ họp này, Ban Dân nguyện sẽ theo sát phần trả lời của các bộ trưởng. Nếu vấn đề nằm trong tầm tay, bộ trưởng có thể hứa được trước QH thì tôi có thể chuyển ý kiến lên Chủ tịch QH. Khi kết thúc phần trả lời chất vấn, Chủ tịch QH chốt lại những vấn đề bộ trưởng đã hứa. Ban Dân nguyện sẽ dựa vào đó để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện lời hứa. Tôi đã trình bày phương án này với Chủ tịch QH và đã được đồng ý.

-Ông nghĩ thế nào trước đề xuất của một số đại biểu coi việc bỏ phiếu tín nhiệm là chế tài để buộc các bộ trưởng thực hiện lời hứa?

- Đúng là hiện nay chúng ta chưa có chế tài, việc thực hiện lời hứa mới chỉ gắn với lương tâm, danh dự của bộ trưởng trước cử tri. Tôi rất tán đồng với đề xuất coi việc bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ là cách thực hiện chế tài. Quy định 20% đại biểu tán thành mới bỏ phiếu là rất khó. Trong luật tổ chức QH, được sửa đổi tại kỳ họp tới, theo tôi nên sửa theo hướng: Mỗi nhiệm kỳ Chính phủ nên bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ 2,5 năm.

- Tại kỳ họp này, số chất vấn dành cho Chính phủ nhiều hơn hẳn so với kỳ họp trước. Những chất vấn lãnh đạo Chính phủ tập trung vào lĩnh vực gì?

- Theo tôi biết, chất vấn chủ yếu liên quan đến trách nhiệm điều hành của Chính phủ, ví dụ trách nhiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết về chống thất thoát, đầu tư dàn trải, nhưng vẫn xảy ra. Ngoài nhà máy lọc dầu Dung Quất, các công trình trọng điểm quốc gia khác tiến độ vẫn chậm. Rồi việc điều hành giá lương tiền, chống tham nhũng lãng phí.

Các vấn đề cụ thể như tai nạn giao thông, chất lượng giáo dục, y tế thuộc trách nhiệm trực tiếp của các bộ trưởng. Nhưng đại biểu chất vấn mãi rồi, các bộ trưởng trả lời chung chung là: "Vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp thu và báo cáo Chính phủ". Nhiều đại biểu nghĩ nên chất vấn trực tiếp Chính phủ.

- Thông thường lãnh đạo Chính phủ chỉ đọc văn bản giải trình về một số vấn đề các đại biểu quan tâm chứ không trả lời chất vấn trực tiếp. Việc chất vấn lãnh đạo Chính phủ lần này sẽ thế nào?

- Phần trả lời chất vấn bằng văn bản của Phó thủ tướng có thể dài hơn các bộ trưởng. Sau đó, dự kiến sẽ đến phần chất vấn trực tiếp. Nếu Phó thủ tướng giải trình thoả đáng, đại biểu không có chất vấn thì thôi. Nếu đại biểu tiếp tục truy vấn, Phó thủ tướng sẽ phải trả lời.

Việt Anh thực hiện

Ý kiến của bạn