Sữa kém chất lượng: Không có chuyện "ém" thông tin
Các Website khác - 13/02/2009
Trước thông tin về các sản phẩm sữa kém chất lượng trong những ngày qua, dư luận cho rằng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đã “ém nhẹm” thông tin và chưa làm đúng trách nhiệm của cơ quan quản lý.
Ngày 11/2, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã khẳng định: Không có chuyện “ém nhẹm”.
 
Tuân thủ đúng Luật Chất lượng hàng hoá
 
Theo ông Khẩn, ngày 5/10/2008, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (TC&BVNTDVN) có công văn gửi Bộ Y tế về kết quả khảo sát chất lượng sữa bột tại TPHCM do Hội tiến hành trong tháng 9/2008.
 
Đây là thông tin có tính chất cảnh báo, giúp cho việc định hướng trong công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý để triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát. Trên thực tế, các đơn vị trong ngành y tế đã thường xuyên giám sát, kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm phục vụ cho công tác quản lý chất lượng sữa.
 
Ngay sau khi nhận được văn bản của Hội TC&BVNTDVN, Sở Y tế TP HCM đã thanh, kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm xác minh lại. Khi có kết quả kiểm nghiệm, Sở Y tế TP HCM đã xử lý công khai các vi phạm, buộc thu hồi, tiêu huỷ hoặc tái chế toàn bộ sản phẩm sữa không đạt tiêu chuẩn. Việc xử lý của Sở Y tế TP HCM đã tuân thủ đúng theo điều 30 của Luật Chất lượng hàng hoá. Sở Y tế TP HCM khẳng định đã kiểm soát được các sản phẩm sữa kém chất lượng theo cảnh báo của Hội TC&BVNTDVN. Còn Viện Y tế công cộng sau khi có những thông tin về kết quả kiểm nghiệm các loại sữa có hàm lượng đạm thấp cũng đã thông báo đến sở y tế các địa phương như là một định hướng theo đúng quy định.
 

Thanh tra Sở Y tế TP HCM kiểm tra nguyên liệu sản xuất sữa. (Ảnh: T.L)

 
Cần sự tham gia của các bộ khác…
 
Mặc dù khẳng định Cục ATVSTP và Sở Y tế TPHCM không “ém nhẹm” thông tin, nhưng với tinh thần cầu thị, ông Khẩn cho rằng, để quản lý các mặt hàng thực phẩm, trong đó có mặt hàng sữa rất khó nên những gì đã và đang làm vẫn chưa đáp ứng theo nhu cầu.
 
Việc các tổ chức xã hội, cơ quan kiểm nghiệm cảnh báo những vấn đề về chất lượng thực phẩm đã chưa được thanh kiểm tra đầy đủ. Vấn đề hậu kiểm đòi hỏi hệ thống quản lý phải nỗ lực rất nhiều. Kiểm soát hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng cần có sự tham gia tích cực của các Bộ Công Thương, Bộ Công an... Nếu chỉ riêng ngành Y tế thì chưa thể làm được tốt.
 
Cũng trong ngày 11/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã có công văn khẩn số 79/BC- BYT gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nhanh tình hình sữa kém chất lượng bán lẻ trên thị trường. Theo đó, báo cáo cho rằng, Sở Y tế TPHCM không “ém nhẹm” thông tin mà thực tế đã giải quyết vấn đề này một cách chủ động.
 
Trong báo cáo, Bộ Y tế đã đưa ra 3 kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Thứ nhất, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Ban chỉ đạo 127 TW, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai những biện pháp phòng chống hàng giả, kém chất lượng trong đó có sản phẩm sữa mà ngành Y tế đã xét nghiệm và thông báo.
 
Thứ hai, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành Công Thương, Y tế, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm soát, xử lý những sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, bao gồm cả sữa trên địa bàn.
 
Thứ ba, chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin một cách chính xác, khách quan, đúng mức không gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến sản xuất.
 
Ngày 11/2, Sở Y tế TPHCM có công văn gửi Sở Công Thương và UBND 24 quận, huyện trên địa bàn TPHCM về việc tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực phẩm trên địa bàn thành phố.
 
Mặt khác, Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng. Kết quả đợt thanh kiểm tra tăng cường này phải báo cáo cho Sở Y tế trước ngày 15/3.
 
Huyền Trang
 
Theo Giadinh.net