Vào "đại bản doanh" ứng chiến với H5N1
Các Website khác - 20/11/2005

(VietNamNet) - Nhớ lại những bệnh nhân đã tử vong trong đợt dịch cúm đầu năm 2005, giọng của vị bác sĩ trùng xuống… Hồi lâu, ông mới nói về kế hoạch chuẩn bị ứng chiến với bệnh dịch cúm gia cầm (H5N1).

 

Mọi việc đã sẵn sàng

 

Khu vực cách ly dành cho những bệnh nhân nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm virus H5N1 là một khu  nhà hình chữ L nằm trong khuôn viên Bệnh viện Nhiệt Đới. Đó là khu nhà mang dáng dấp xưa  được phủ lên màu vôi vàng khác với những bức tường màu trắng toát ở các bệnh viện.

 

Những hành lang bệnh viên sâu hun hút, phảng phất mùi thuốc tẩy trùng mà trong đời ai đã từng vào bệnh viên ắt hẳn sẽ không thể quên thứ mùi đặc trưng này. Các phòng bệnh đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

 

Máy móc, phương tiện y tế hiện đại đã được huy động tối đa. Tại lối cửa chính dẫn vào khu vực cách ly, các y tá, điều dưỡng viên đang tụ tập bàn chuyện chuyên môn trong những phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày.

 

Soạn: AM 624167 gửi đến 996 để nhận ảnh này

BS Trần Tịnh Hiền đang giới thiệu máy chụp X-quang di động mà bệnh viện Nhiệt Đới vừa mới được cấp.

 

 

Dẫn chúng tôi xuống thăm “Khu vực cách ly đặc biệt”, BS Trần Tịnh Hiền- Phó giám đốc, Trưởng khoa D (khoa lây nhiễm) bệnh viện Nhiệt Đới, ông giải thích: Những ngày này, khi dịch cúm đã lan rộng trên nhiều tỉnh, thành, bệnh viện luôn trong tư thế sẵn sàng.

 

Bệnh viện gồm  50 giường bệnh chỉ định điều trị cho các ca bệnh H5N1. Khu vực cách ly gồm hai cánh: một cánh dành cho những ca bệnh nghi ngờ nhiễm. Đây có thể là những trường hợp có tiếp xúc với gà không bị bệnh nhưng có triệu chứng sốt, ho… Những bệnh nhân này sẽ được theo dõi từ 3 đến 4 ngày nếu khỏi sẽ cho xuất  viện.

 

Cánh còn lại là nơi tiếp nhận, điều trị  những bệnh nhân sau khi làm các xét nghiệm về dịch tễ lâm sàng cho kết quả dương tính. Đây là những bệnh  được xác nhận nhiễm H5N1 và sẽ phải cách ly hoàn toàn với khu vực khác. 

 

Nhắc đến chuyện tiếp nhận và điều trị bệnh “cúm gà” (như dân gian thường gọi), người ta thường nghĩ ngay đến bệnh viện Nhiệt Đới vì vậy khả năng tiếp nhận bệnh nhân ở đây còn có khả năng cao hơn. Hiện nay, mặc dù ngành Y tế đã triển khai phân cấp điều trị đến từng cơ sở, nhưng hễ có ca bệnh nghi ngờ nhiễm “cúm gà” là ngay lập tức được chuyển đến bệnh viện Nhiệt Đới.

 

“Tiếng lành đồn xa” đã khiến bệnh viện trở nên “nổi tiếng” ở khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Nhiều bệnh nhân nghi nhiễm từ các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… đều được chuyển lên đây.

 

Thấy trước được khả năng “quá tải” nên chủ trương của Bộ Y tế cho phép bệnh viện Nhiệt Đới tiếp nhận tối đa 200 giường bệnh. Còn nếu hơn nữa, lãnh đạo ngành Y tế TP.HCM sẽ can thiệp bằng cách chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện khác.

 

Soạn: AM 624171 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Ở khu vực cách ly bệnh viện Nhiệt Đới (TP.HCM).

 

Thấy chúng tôi quan tâm nhiều đến phương tiện hỗ trợ và đội ngũ y bác sĩ chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm H5N1, BS Tịnh Hiền trấn an: “ Phương tiện hỗ trợ cho việc điều trị tương đối đầy đủ.

 

Mới đây, Sở Y tế TP cũng vừa trang bị cho bệnh viện trên chục máy thở, máy chụp X-quang di động, khoảng 17.000 viên thuốc Tamiflu...Về con người, khoa chúng tôi có 30 y, bác sĩ. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, sẽ bố trí các kíp trực phù hợp”.

 

Tính đến thời điểm hiện nay, bệnh viện Nhiệt Đới cũng là nơi duy nhất có phòng xét nghiệm an toàn cấp 3, đội ngũ y, bác sĩ ở đây có khả năng làm được những chuyện như cấy virus, phản ứng vi trùng ngoài…mà chỉ có thể làm được ở một số  viện nghiên cứu.

 

Ký ức của những người đối mặt với H5N1

 

Nhắc lại những ca bệnh nhiễm H5N1 vào mùa dịch trước, BS Tịnh Hiền có thể nói vanh vách từng hồ sơ bệnh án, quá trình theo dõi điều trị cho các bệnh nhân.

 

Nhớ lại những bệnh nhân đã chết trong đợt dịch cúm đầu năm 2005, giọng của ông bác sĩ trùng xuống theo từng dòng hồi tưởng: "Ngày 26/12, một ngày sau lễ Noel, ca đầu tiên nhiễm H5N1 là bệnh nhân nữ tên H. được chuyển lên từ bệnh viện Tây Ninh.

 

Hôm ấy, khoảng 8 tối, tôi đang ở nhà thì nhận được tin nhắn của bác sĩ trực bệnh viện. Trong hồ sơ bệnh án có ghi rõ, trước đó, bệnh nhân có điều trị ở bệnh viện Dương Minh Châu (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh). Sau đó 2 ngày, bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện Tây Ninh. Khi chuyển về bệnh viện Nhiệt Đới, bệnh nhân đã trong tình trạng khó thở.

 

Không lâu sau, độ bão hòa oxy xuống thấp, các bác sĩ đã phải mổ khí quản đặt máy thở cho nạn nhân. Năm ngày sau, bệnh nhân có vẻ hồi tỉnh và nhận biết chút ít về chung quanh. Thấy vậy ai cũng mừng. Nhưng đến ngày thứ bảy, bệnh tình của H. trở nặng, phổi nát bét và đã qua đời. Tiếp đó, bệnh viện Nhiệt Đới tiếp tục nhận các ca bệnh từ Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long…”.  

 

Soạn: AM 624163 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Các giường bệnh tại BV Nhiệt Đới đã sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân H5N1.

 

Rồi giọng của “bác sĩ cúm gà” vui hơn khi nhắc đến hai trường hợp bệnh nhân nhiễm H5N1 nhưng vẫn qua khỏi mặc dù đã bị  virus “ăn nát” một lá phổi. “Những bệnh nhân còn sống chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi.

 

Hai bệnh nhân này hiện giờ vẫn sống khỏa mạnh” - BS Tịnh Hiền nói. Sau này, một bệnh nhân sống sót quê ở Vĩnh Long kể lại: “Khi chuyển vào bệnh viện Vĩnh Long, em thấy mọi người nói nhỏ với nhau điều gì đó. Lúc ấy, em nghi là mình bị cúm gà rồi bởi vì em có ăn thịt gà chết. Khi chuyển lên bệnh viện Nhiệt Đới cũng là lúc hai ca bệnh ở đây vừa mới qua đời. Em không dám than mệt vì sợ bị đặt máy thở... Giờ nghĩ lại thấy mình thật may mắn”.

 

Từ năm 2003 đến đầu năm 2005, khi đến mùa dịch cúm, các y, bác sĩ tại bệnh viện làm việc rất căng thẳng vì đây là một trong những bệnh viện đặc trách chữa trị bệnh nhân nhiễm H5N1. Trong năm 2003, dù không có ca nào nhiễm bệnh nhưng y, bác sĩ nơi đây cũng làm việc “bở hơ tai” vì có đến hơn 30 ca nghi nhiễm.

 

Đến năm 2004 tổng số nhập viện vì nghi nhiễm lên đến 60 ca. Chúng tôi hỏi những khó khăn của đội ngũ y, bác sĩ ở đây trong công việc, BS Tịnh Hiền tâm sự: “Đối mặt với nguy hiểm, với dịch bệnh, ai mà chẳng sợ chết. Nhưng với lương tâm của một người thầy thuốc dù có nguy hiểm đến đâu cũng phải quan tâm, chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân, không thể để mặc họ được. Đó là thiên chức mà xã hội đặt lên vai người thầy thuốc”.

 

Soạn: AM 624939 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Các bác sĩ BV Nhiệt Đới đang chữa trị cho một ca bệnh H5N1 vào năm 2004.

 

Chúng tôi băn khoăn: Các nhân viên y tế tại đây có được bảo hộ hay tiêm phòng virus bệnh cúm chưa? Trưởng khoa Lây nhiễm bệnh viện Nhiệt Đới cười hiền: “ Còn phải kiếm thuốc nữa!”.

 

Theo BS Trần Tịnh Hiền - Trưởng khoa D (Khoa Lây nhiễm)- Phó giám đốc BV Nhiệt Đới (TP.HCM), khi bệnh nhân có triệu chứng như: sốt cao, khó thở... tuyến y tế cơ sở ngoài việc kiểm tra công thức máu, chụp X-quang phổi thì còn phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.

 

Bác sĩ tiếp nhận bệnh phải hỏi xem bệnh nhân có tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm hay không? Có sống trong vùng dịch không? Từ đó có hướng chẩn đoán, xử lý phù hợp trước khi quá muộn. Cần phải quan tâm đến yếu tố dịch tễ lâm sàng vì thực tế cho thấy, nhiều ca bệnh chuyển từ cơ sở lên thì bệnh nhân đã trong tình trạng suy hô hấp nặng, tỉ lệ tử vong cao.
 

TP.HCM sẽ có 4 bệnh viện (BV) được phân công tiếp nhận bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm H5N1 là: BV Nhiệt đới (50 giường bệnh), BV Lao và phổi Phạm Ngọc Thạch (30-50 giường bênh). BV Nhi Đồng 1 và 2 (mỗi BV tiếp nhận 30 giường bệnh).  

  • Trần Duy- Thái Thiện