Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đơn điệu và đắt đỏ
Các Website khác - 19/11/2005
Sản phẩm gia công kim hoàn của công ty Cửu Long, mỗi mẫu mã chỉ làm một món hàng duy nhất, có giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD. Ảnh: Đ.V
Hai đặc điểm khiến hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam yếu sức cạnh tranh vào thị trường Hoa Kỳ là mẫu mã đơn điệu và giá cả cao.

Hàng Trung Quốc lại lấn sân!

Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại), các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như hàng gốm ngoài vườn và gốm trang trí trong nhà, hàng mây tre, hàng thêu… là những mặt hàng thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu lớn và Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt. Liên tục từ năm 2000 đến 2004, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đều tăng.

Tuy nhiên dù mức tăng trưởng cao nhưng nếu so với mặt hàng khác cùng xuất khẩu sang Hoa kỳ như dệt may, thủy sản, giày dép… kim ngạch xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ còn thấp. Như năm 2004 chỉ bằng 2% kim ngạch của hàng dệt may. “Tăng kim ngạch mặt hàng này sang thị trường Hoa Kỳ đã và đang là thách thức đối với Việt Nam” - Cục Xúc tiến Thương mại nhận định.

Theo xác định của Cục Xúc tiến Thương mại và các DN làm hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm của Việt Nam hiện đang gặp phải một số khó khăn. Khó khăn lớn nhất là phải đối mặt chính là sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang là nguồn cung cấp chính cho thị trường Hoa Kỳ những mặt hàng thủ công mỹ nghệ và quà tặng như mây tre lá, thêu… tương tự như các mặt hàng mà Việt Nam đang cố gắng xuất khẩu. Hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, lượng hàng lớn nên giá thành sản phẩm thấp.

Không thể áp đặt thị hiếu người tiêu dùng!

Sự yếu thế của hàng Việt Nam thể hiện ngay trong mẫu mã, mà vấn đề chủ yếu là chưa phù hợp với thị hiếu của người Mỹ. Các chuyên gia khuyến cáo: nhiều người sản xuất ở Việt Nam hay nhấn mạnh đến tính dân tộc hoặc văn hóa của sản phẩm, nhưng những đặc tính này có thể có giá trị đối với dân tộc hoặc nền văn hóa này song lại chẳng có ý nghĩa gì đối với một dân tộc hoặc một nền văn hóa khác!

Vì vậy mà các chuyên gia nghiên cứu đã khuyên nhà sản xuất Việt Nam nên nghiên cứu giá trị nghệ thuật và đặc tính văn hóa của các dân tộc ở Hoa Kỳ để lồng vào sản phẩm, chứ không thể áp đặt những giá trị văn hóa của mình trên sản phẩm bán cho người Mỹ.

Giá cả cao hơn đối thủ

Việc xác định giá cả của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ rất phức tạp - Cục Xúc tiến Thương mại cho biết như vậy. Theo cơ quan này vì hàng thủ công mỹ nghệ bao gồm nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau và mỗi loại sản phẩm có giá cả khác nhau. Chẳng hạn, sản phẩm đồ gỗ của làng nghề Đồng Kỵ, có giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD một sản phẩm. Nhưng những sản phẩm như mây tre cói lá có giá tương đối rẻ, chỉ từ vài USD đến vài chục USD.

Giá của hàng Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu sang Hoa Kỳ thường được tính theo hai dạng: một là khách hàng đặt trước mẫu mã, chất lượng và giá, để các DN Việt Nam lựa chọn; hai là DN Việt Nam chào hàng, chào giá. Tuy nhiên, cả hai phương thức này đều không giải quyết được vấn đề giá so với hàng Trung Quốc.

“Điều khó hiểu là Việt Nam có nguồn nhân công rẻ, nhưng sản phẩm vẫn cứ cao hơn đối thủ cạnh tranh của mình” - một nhà nhập khẩu của Mỹ đặt vấn đề. Theo ông, các DN Việt Nam làm hàng thủ công mỹ nghệ hầu hết là nghề truyền thống, quy mô nhỏ, nên ít quan tâm tới công tác tổ chức lao động, từ đó không tiết kiệm được chi phí, nên giá thành sản phẩm cao.

Một yếu tố nữa, do chủ yếu là nghề truyền thống, nên không thể sản xuất đại trà khối lượng lớn. Do lượng sản phẩm sản xuất ra ít ỏi nên tất cả các khoản chi phí tính trên sản phẩm sẽ cao. Kể cả chi phí vận chuyển, chi phí thủ tục, các sản phẩm phải chia nhau gánh vác vào giá.

Tập trung cho hàng gia công thủ công

Theo nhận xét của các chuyên gia, chừng nào hàng Việt Nam vẫn không độc đáo hoặc giá còn cao hơn Trung Quốc thì các doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục mua hàng của Trung Quốc.

Một giải pháp được các DN đưa ra là tham khảo cách làm của Thái Lan, để tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, bằng cách cách chuyển sang làm thủ công. Hướng thâm nhập sẽ đầu tư mẫu mã và chuyển sang sản xuất các mặt hàng tinh xảo. Chẳng hạn sản phẩm gia công kim hoàn của Công ty Cửu Long ở TP.HCM, mỗi mẫu mã chỉ sản xuất độc nhất một sản phẩm, có giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn USD. Đặc điểm của người tiêu dùng Mỹ là chú trọng yếu tố mẫu mã. Các chủng loại hàng thủ công mỹ nghệ mới khi tung ra thị trường đều thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

Một trong những đặc điểm của thị trường Hoa Kỳ là yếu tố thời trang thay đổi rất nhanh. Hàng năm ở Hoa Kỳ có rất nhiều hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ để người bán, người mua tìm kiếm mẫu mã độc đáo. “Thông thường, với mặt hàng quà tặng, mây tre đan, hàng thêu mỹ nghệ và đồ trang trí, nhu cầu tiêu dùng ở Hoa Kỳ thay đổi vào tháng 1 và tháng 7 hằng năm. Các DN Việt Nam có thể nhân cơ hội này để tìm hiểu sự thay đổi thị hiếu, chào hàng” - Cục Xúc tiến Thương mại thông báo.

(Theo Vietnamnet)