Phản ứng của tập đoàn Điện lực (EVN) đối với đề án của bộ Công thương về xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh tại Việt Nam (xem bài EVN lo sợ mất thế độc quyền trên Sài Gòn Tiếp Thị ngày 20.2.2009) cho thấy rõ tính chất phức tạp và quyết liệt của việc xoá bỏ độc quyền, tạo lập môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế nước ta
Đáng hoan nghênh và biểu dương lĩnh vực viễn thông đã mạnh dạn xoá bỏ độc quyền; từ chỗ VNPT một mình thống lĩnh thị trường, khi mở ra cho một số công ty nhảy vào đầu tư thì chỉ trong vòng vài năm đã phát triển được nhiều loại hình dịch vụ, chất lượng khá hơn, giá cả mềm hơn, người tiêu dùng được thoải mái hơn.
Nền kinh tế “tín hiệu thị trường”
Tuy nhiên, kinh nghiệm tốt này không được phát huy. Luật Cạnh tranh đã ra đời năm 2004 nhưng đi vào cuộc sống quá chậm, nên cho đến nay nước ta vẫn chưa có môi trường cạnh tranh thật sự bình đẳng và lành mạnh. Trong nền kinh tế vẫn tồn tại nhiều mảng độc quyền như điện, than, xăng dầu; đường sắt... Một số lĩnh vực khác tuy không còn độc quyền như trước, nhưng một vài doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, vẫn giữ vai trò chi phối (như xi măng, thép, xuất khẩu lương thực...). Gần đây, ta nói là đưa giá điện và giá xăng vận hành theo cơ chế thị trường; nói thế chưa ổn vì còn độc quyền kinh doanh thì giá không thể theo cơ chế thị trường được, mà Nhà nước vẫn phải kiểm soát, xét duyệt khi cần. Chẳng qua là trước đây, Nhà nước bao cấp, bù giá đối với mặt hàng ấy, nay xoá bỏ bao cấp, để cho giá lên xuống theo tín hiệu của thị trường chứ chưa phải là làm theo cơ chế thị trường. Đã là cơ chế thị trường thì phải có cạnh tranh; giá cả thuận mua vừa bán, thông qua cạnh tranh mà hình thành.
Cũng chính vì được độc quyền, được Nhà nước ưu đãi cả về tín dụng, đất đai…, nên nhìn chung doanh nghiệp nhà nước ít chịu sức ép cạnh tranh, cũng không bị thúc bách phải đổi mới công nghệ và quản lý. Vì vậy, hiệu quả kinh tế của khu vực doanh nghiệp nhà nước thấp hơn các khu vực khác (chiếm tỷ trọng lớn về tài sản, vốn đầu tư, vốn tín dụng, cả về nhân lực được đào tạo nhưng phần đóng góp vào GDP và vào ngân sách không tương ứng). Hiện nay, chưa có sự đánh giá đúng thực trạng kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước được coi là thuộc sở hữu toàn dân, nhưng dân là người chủ lại không được biết đích xác về khu vực kinh tế này. Một ví dụ: trong cuộc họp ngày 11.2 vừa qua với Thường trực Chính phủ, tập đoàn Vinashin được “đại diện các bộ, ngành cho rằng xét về tổng thể, thời gian qua hoạt động mang lại hiệu quả khá” (trang tin điện tử của Chính phủ ngày 11.2.2009); ngược lại, Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 5.2 có bài phân tích dựa trên số liệu về lợi nhuận và về vốn chủ sở hữu do chủ tịch HĐQT tập đoàn này đưa ra thì tỷ suất lợi nhuận năm 2007 của tập đoàn chỉ có 0,5% trong khi vốn vay chịu lãi trên 7% (vay ngoài nước) và 8,4 – 12% (vay trong nước).
Kinh tế thị trường sở dĩ năng động, phát triển nhanh là nhờ cạnh tranh. Đã tới lúc, nếu không muốn nói là đã muộn, cần kiểm điểm sâu việc thi hành luật Cạnh tranh, phân tích cặn kẽ tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh của nước ta, làm rõ những trở lực đang kìm hãm việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng |
Xu hướng làm ăn cậy thế
Khu vực dân doanh ở Việt Nam mấy năm qua phát triển nhanh, tạo ra nhiều việc làm nhất và đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn khu vưc kinh tế nhà nước. Một số doanh nghiệp tư nhân nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu bằng năng suất, chất lượng, hiệu quả nhưng phải thừa nhận rằng do chưa có môi trường cạnh tranh bình đẳng nên họ không thể hoạt động trong những lĩnh vực kinh doanh độc quyền, họ có nhiều khó khăn hơn doanh nghiệp nhà nước trong việc tiếp cận vốn tín dụng và quyền sử dụng đất, họ chịu nhiều phiền toái và tốn phí khi đối mặt với một nền hành chính còn nhiều thủ tục quan liêu. Trong môi trường đó, tính năng động vốn có của khu vực tư nhân không hướng nhiều vào nâng cao trình độ công nghệ sản xuất và quản lý mà tìm lối thoát cho kinh doanh bằng sự tạo lập và sử dụng các mối quan hệ với những người có vị thế trong các cơ quan nhà nước và với các doanh nghiệp có thế lực để có thể kiếm lời dễ hơn, kể cả bằng các hành vi không lành mạnh.
Kinh tế thị trường sở dĩ năng động, phát triển nhanh là nhờ cạnh tranh. Đã tới lúc, nếu không muốn nói là đã muộn, cần kiểm điểm sâu việc thi hành luật Cạnh tranh, phân tích cặn kẽ tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh của nước ta, làm rõ những trở lực đang kìm hãm việc tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, đề ra những biện pháp khắc phục phù hợp với đặc điểm từng lĩnh vực. Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, phải hoạch định và thực hiện lộ trình hạn chế, xoá bỏ độc quyền kinh doanh, đặt các doanh nghiệp nhà nước vào môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng theo pháp luật; đây là bước cải cách lớn có nhiều khó khăn, phức tạp không chỉ nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước mà còn tác động trực tiếp đến sự đổi mới và phát triển của toàn bộ nền kinh tế.
Việc bộ Công thương trình Chính phủ đề án xoá bỏ độc quyền, xây dựng thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh điện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và mong muốn của người tiêu dùng là một nỗ lực rất đáng hoan nghênh. Vấn đề lớn và phức tạp nên có ý kiến khác nhau là điều không lạ và có thể giúp cho việc hoàn thiện đề án. Điều quan trọng là vấn đề này không nên chỉ đóng khung việc thảo luận trong các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp mà cần phát huy được trí tuệ của nhiều người, đặc biệt là các trí thức ở trong và ngoài nước. Cách tốt nhất là công bố rộng rãi đề án của bộ Công thương cũng như ý kiến phản bác của EVN và hình thành diễn đàn thảo luận công khai trên báo chí. Việc này làm tốt sẽ thúc đẩy những nỗ lực xoá bỏ độc quyền, tạo lập môi trường kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác, đồng thời tạo tiền đề cho việc xây dựng luật bảo đảm quyền của dân được tiếp cận thông tin và đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, đặc biệt là vào những chủ trương, chính sách có quan hệ mật thiết tới sản xuất và đời sống của dân.
Trần Đức Nguyên
Nguyên trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng
Theo SGTT
▪ Chứng khoán tiếp tục lao dốc (24/02/2009)
▪ Giá tiêu dùng tăng tháng thứ hai liên tiếp (24/02/2009)
▪ Chậm khai báo thông tin trả trước sẽ bị xóa số điện thoại di động (24/02/2009)
▪ Văn phòng cho thuê giảm giá 30% (24/02/2009)
▪ Siêu thị đồng loạt “siêu khuyến mại” (24/02/2009)
▪ Thời trang giá rẻ ngày càng rẻ (24/02/2009)
▪ Hãi hùng thịt heo bơm nước (24/02/2009)
▪ Đôla chợ đen tiến gần mốc 18.000 đồng (24/02/2009)
▪ Giao dịch nhà đất Hà Nội tăng ba lần so với trước Tết (24/02/2009)
▪ Cho vay tiêu dùng: dùng dằng giữa mở và lo (24/02/2009)