Đến giữa chiều nay, tại các sàn giao dịch, lệnh của nhà đầu tư được khớp vững chắc trên 20 triệu đồng mỗi lượng. Nhiều người tranh thủ lướt sóng, dư mua bị áp đảo bởi dư bán.
Vào lúc 3h26 chiều nay, nhà đầu tư trên sàn giao dịch ACB mua bán thành công tại 20,23 triệu đồng mỗi lượng, bỏ xa giá mở cửa tới 370.000 đồng. Cùng thời điểm, Trung tâm giao dịch vàng Asia Gold, khớp lệnh của khách hàng ở 20,05 triệu đồng. Lệnh bán liên tục được cập nhật.
Vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn bán ở thị trường Hà Nội với giá 19,4 triệu đồng mỗi lượng, đắt hơn buổi trưa 70.000 đồng. Giá mua vào của công ty cũng tăng lên 19,3 triệu đồng. Lúc 12h, công ty còn chào giá 19,23 – 19,33 triệu đồng (mua vào – bán ra). Tại TP HCM, vàng SJC cũng được chào mua ở mức tương đương, nhưng giá bán được công ty chào ở mức 19,41 triệu. Các tiệm kim hoàn cũng vội vàng hét giá bán 19,4 triệu đồng, có nơi chào mua cao hơn, với 19,32 triệu đồng cho mỗi lượng.
Trên các sàn giao dịch châu Á lúc 3h Hà Nội, giá giao ngay nhanh chóng leo qua mốc 962 USD. Lúc 4h20, giá chốt 961,5 USD mỗi ounce. Thị trường đang dao động với biên độ lớn, chủ yếu tác động bởi thông tin tiêu cực về tình hình kinh tế Nhật, một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất nhập khẩu kim loại quý.
Đồng đôla tiếp tục vững giá so với các ngoại tệ mạnh khác. Tuy nhiên, sức khoẻ đồng bạc xanh hiện không là nhân tố chính ngáng chân giá vàng trong bối cảnh hệ thống tài chính, ngân hàng và bóng đen suy thoái kinh tế bủa vây các nước. Nhiều dấu hiệu cho thấy dòng tiền tiếp tục đổ vào vàng, khi thị trường chứng khoán vẫn dò đáy.
Giá tăng nhanh nhưng đến đầu giờ chiều nay, lượng khách ghé chân các doanh nghiệp và tiệm kim hoàn trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) vẫn chưa có dấu hiệu sốt nóng như hôm 13/2 vừa qua. Nhân viên bán hàng tại Cửa hàng Phú Quý trên phố này cho biết, đa phần vẫn là khách bán ra, nhưng từ hôm qua, lượng vàng thu về đã giảm gần 1/3 so với cuối tuần trước. Phòng kinh doanh của PNJ Hà Nội cũng cho biết, lượng vàng mua vào từ sáng đến giữa chiều nay chưa bằng một nửa so với đợt 13 – 14/2 vừa qua, họ mới thu về chưa đầy 1.000 lượng. Khách mua chỉ lác đác.
Đại diện Phòng Kinh doanh của Bảo Tín Minh Châu cho biết, nhiều người đã bán ra từ thứ Sáu tuần trước, nên số vàng trong dân không còn nhiều, đa số là các tiểu thương, giới kinh doanh ngân tệ nhỏ lẻ tranh thủ đợt này bán ra, chốt lời do đã mua vào từ cuối năm ngoái với mức dưới 17 triệu đồng mỗi lượng. Nay bán ra có thể lời tới trên 2 triệu đồng cho mỗi cây vàng. Ngoài ra, không ít người còn đang nghe ngóng nên kỳ vọng mốc 19,5 triệu đồng trong thời gian ngắn tới.
Một khách hàng trên phố Trần Nhân Tông đang tiếc nuối: “Mình trót bán hết vàng cuối tuần trước, nay giá mua vào mỗi lượng tại các tiệm đã đắt hơn tới 120.000 đồng so với mức bán ra hôm 13/2. Giá đang cao chót vót, không lẽ mua vào, lướt sóng thì không ăn thua”. Trong khi đó, số không ít nhà đầu tư trên sàn ACB nói nếu muốn đầu tư dài hạn thì vẫn có thể mua vào lúc này, chờ thị trường vào cao trào, khi mốc 1.000 USD bị phá.
Trên thực tế, một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho xuất khẩu khoảng 5 – 6 tấn vàng trong 10 ngày đầu tháng 2. Nếu giá vàng thế giới giảm hơn so với giá trong nước, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ được nhập với số lượng tương đương. Dự đoán cung - cầu sẽ dần được cân đối.
Theo VnExpress
▪ Jetstar Pacific bán 50.000 vé máy bay giá rẻ (17/02/2009)
▪ Thêm nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp (17/02/2009)
▪ Sắp được dùng xăng dầu made in VN (17/02/2009)
▪ Tăng giá điện sẽ giảm kích cầu 4.800 tỉ đồng (17/02/2009)
▪ Việt Nam cần giảm giá VND (17/02/2009)
▪ Giá vẫn tăng dù sức mua giảm (17/02/2009)
▪ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:Ngân hàng phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn (17/02/2009)
▪ Người tiêu dùng "chuộng" lời nói thật (17/02/2009)
▪ 'Buộc bụng' thời giá điện tăng (17/02/2009)
▪ Giá đôla bất ngờ tăng, vàng tái lập mốc 19 triệu đồng (17/02/2009)