Doanh nghiệp viễn thông dốc tiền tỷ đầu tư, san sẻ lưu lượng cuộc gọi từ mạng di động sang cố định, thậm chí đề nghị nhân viên của mình hạn chế gọi hoặc nhắn tin vào thời điểm "nóng". Song tất cả những phương án đó cũng chưa chắc mang lại dịch vụ hoàn hảo cho các thuê bao trong dịp Tết.
![]() |
Điện thoại có chức năng quay phim đang trở thành xu hướng của giới trẻ. Ảnh: A.T. |
Rút kinh nghiệm từ sự cố mạng di động dịp Tết Ất Dậu, ngay từ đầu năm, Công ty GPC - đơn vị chủ quản mạng di động VinaPhone đã quyết định chi hàng chục triệu USD để nâng cấp mạng. Tính đến thời điểm này, số tiền đầu tư đã lên tới 50 triệu USD bao gồm việc mua mới thiết bị nâng dung lượng tổng đài tăng lên gấp đôi so với năm 2004. Dù vậy, GPC cũng không dám chắc mạng di động của mình sẽ hoạt động "ngon nghẻ" trong dịp Tết.
Ông Phạm Ngọc Tú, Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty GPC- đơn vị quản lý mạng di động VinaPhone thừa nhận, không mạng di động nào dám đảm bảo chắc chắn không xảy ra nghẽn mạch đêm giao thừa khi lưu lượng cuộc gọi tăng gấp đôi thậm chí gấp 3 so với ngày thường. "Với tốc độ đầu tư hiện nay, chúng tôi chỉ có thể đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất. Nghẽn mạch là bất khả kháng, chúng tôi đành phải cáo lỗi và sẽ có khuyến cáo cụ thể với khách hàng trong một vài ngày tới", ông Tú nói.
Không chỉ VinaPhone, lãnh đạo công ty MobiFone và Viettel cũng đang đau đầu với bài toán nghẽn mạch dịp Tết.
Họ liên tục mở hầu bao để mua thiết bị, tổng đài mới, tập trung các xe lưu động, nâng cấp mạng với hy vọng hạn chế tối đa nghẽn mạch trong dịp Tết. Ngoài ra, các nhà khai thác còn phân công nhân lực, bố trí các chuyên gia kỹ thuật trực 24/24h trong thời gian Noel, Tết để sẵn sàng đối phó và xử lý các tình huống nghẽn mạch hoặc sự cố xảy ra.Theo các chuyên gia kỹ thuật, di động là lĩnh vực có tính chất đặc thù bởi các thuê bao thường xuyên di chuyển. Do vậy, với các khoản đầu tư nhỏ lẻ và mang tính chất manh mún theo kiểu "nghẽn chỗ nào đổ tiền vào chỗ ấy" sẽ chẳng giải quyết được điều gì hết. Trừ khi, các doanh nghiệp chịu dốc hầu bao nâng cấp tổng thể trên phạm vi toàn quốc giống như một số tập đoàn viễn thông lớn ở các quốc gia phát triển như Nhật, Mỹ... đã làm.
Trên thực tế, cuộc đua giảm cước, khuyến mãi giật gân nhằm "câu kéo" khách hàng đã khiến các doanh nghiệp gần như kiệt sức. Họ thừa nhận: "Bỏ ra cả đống tiền cùng một lúc để nâng cấp tổng thể, thú thực, chúng tôi không đủ sức". Mỗi MobiFone, đơn vị đã thu được lời nhuận cao từ hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tập đoàn Viễn thông Comvik Thụy Điển, là dám "mạnh tay" đầu tư nhiều song vẫn không thoát khỏi "cái vòng luẩn quẩn" - nghẽn mạch, tính tiền sai, để lộ thông tin cho khách hàng.
Giải thích về việc chậm đầu tư nâng cấp mạng, Tổng giám đốc VNPT Phạm Long Trận lại đưa ra lý do "vướng" ở quy chế đấu thầu và thủ tục đầu tư. Theo ông, trung bình thủ tục cho mỗi dự án mất khoảng 18 tháng đến 2 năm, chính sự chậm trễ này đã kéo tụt tốc độ đầu tư của doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, VNPT mới chỉ đầu tư được khoảng trên 30% trong tổng số dự án mà công ty đề ra. Hậu quả là, nhiều thuê bao di động rời mạng do không chịu đựng nổi chất lượng và vùng phủ sóng kém. "Hiện tượng "cháy số dịch vụ ADSL" diễn ra đã lâu song dự án mở rộng dịch vụ vẫn đang ở trong các bước hoàn thiện thủ tục", ông nói.
Vụ trưởng Viễn thông Bộ Bưu chính Viễn thông Phạm Hồng Hải thì nói rằng, cái khó hiện nay là các quy định về khuyến mãi, quảng cáo lại do Bộ Thương mại quy định, quy chế đấu thầu và các thủ tục đầu tư do cơ quan khác quản lý. Bộ Bưu chính Viễn thông dù muốn "thúc" các doanh nghiệp tập trung đầu tư nâng cấp mạng cũng khó. Trong khi đó, lĩnh vực viễn thông có đặc thù riêng, chậm một ngày công nghệ đã lạc hậu. "Kết quả là, năm nào Bộ cũng có chỉ thị, cũng thúc doanh nghiệp bảo đảm chất lượng dịch vụ song đâu vẫn cứ hoàn đấy", ông Hải nói.
Nhằm đối phó với sự cố nghẽn mạch, VNPT đang tính đến giải pháp san sẻ lưu lượng từ mạng di động sang điện thoại cố định. Chẳng hạn, trong 2 tuần trước và sau Tết, VNPT sẽ giảm cước khoảng 50% đối với dịch vụ điện thoại cố định hoặc có chương trình khuyến mãi hấp dẫn để khuyến khích người dân sử dụng loại hình dịch vụ này.
Một phương án khác cũng được các nhà cung cấp tính đến là kêu gọi nhân viên ngay trong công ty mình hạn chế gọi hoặc nhắn tin trong thời điểm giao thừa nhằm giảm quá tải mạng. Theo tính toán của VNPT, trong tổng số 80.000 cán cán bộ đang làm việc, chỉ cần một nửa không thực hiện các cuộc gọi hoặc nhắn tin trong đêm giao thừa thì các khách hàng của họ sẽ giảm được khả năng nghẽn mạch kéo dài và các nhà cung cấp dịch vụ cũng dễ thở hơn.
Cuối tháng này, Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ tổ chức hội nghị về tiêu chuẩn đo lường chất lượng bưu chính viễn thông. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ phải báo cáo đầy đủ các kế hoạch chuẩn bị nâng cấp mạng và năng lực thực của mạng lưới.
Hồng Anh
▪ 300 gian hàng dự Saigon Expo 2005 (17/12/2005)
▪ Sẽ thanh tra 3 dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải (19/12/2005)
▪ Khởi công xây dựng cầu Gò Găng và hồ Sông Ray (19/12/2005)
▪ Bà Rịa- Vũng Tàu: Khánh thành công trình đường ven biển (19/12/2005)
▪ Việt Nam - Algeria tăng cường hợp tác kinh tế (19/12/2005)
▪ Mập mờ để... dễ bóp! (19/12/2005)
▪ Nguy hiểm việc kinh doanh gas trái phép (19/12/2005)
▪ Điện tử nội bên vực phá sản (19/12/2005)
▪ Sửa đổi hiệp định thăm dò, khai thác dầu khí (19/12/2005)
▪ Sắp có thêm sàn giao dịch OTC (19/12/2005)