Lấn cấn "lúa - tôm"
Các Website khác - 13/05/2006

CÂU CHUYỆN QUẢN LÝ
Lấn cấn "lúa - tôm"

Sau 5 năm chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm, 72 hộ dân ở ấp Phước Điền (xã Long Điền A, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) lại đồng loạt đệ đơn xin được chuyển sang trồng lúa trở lại. Tình trạng lấn cấn, vướng víu giữa tôm - lúa ở ĐBSCL không còn là chuyện cá biệt; thậm chí đang diễn ra gay gắt tại nhiều nơi với nhiều tình huống khác nhau.

Ở xã Nam Thái (huyện An Biên, Kiên Giang), một số hộ dân trồng lúa, làm vườn... than trời vì số hộ nuôi tôm cho nước mặn vào làm cây lúa điêu đứng!

Còn ở huyện An Minh (Kiên Giang), sau 4 năm khôi phục nghề nuôi trồng thuỷ sản, diện tích tôm - lúa tăng gấp 3 lần; trong đó nhiều vùng trước đây vốn là diện tích lúa 2 vụ/năm hoặc mô hình lúa - cá. Thất bát từ con tôm khiến nợ quá hạn vay vốn sản xuất theo mô hình tôm - lúa ở huyện này hiện đã chiếm gần 50%/tổng dư nợ của mô hình này.

Trong khi đó ở Tiền Giang, cách đây trên 3 năm, một dự án đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản tại huyện Gò Công Đông với tổng vốn đầu tư lên đến trên 29 tỉ đồng được triển khai. Oái oăm là, tới nay - khi dự án này đang ráo riết thực hiện giai đoạn cuối - thì người dân khu vực này lại quyết định không "chia tay" với cây lúa.

Những rủi ro, thua lỗ thời gian gần đây của người nuôi tôm ở nhiều nơi khiến bà con được tạo điều kiện nuôi tôm từ dự án này không còn mặn mà với con tôm.

Nuôi tôm hay trồng lúa? Hay thực hiện mô hình tôm - lúa? Phải chăng việc quy hoạch chưa đủ luận cứ khoa học giữa 2 hệ sinh thái mặn - ngọt cùng với hiệu lực quản lý chưa cao tại nhiều nơi ở ĐBSCL đã tạo ra sự lấn cấn này (!?). Lê Như Giang