Ngân hàng 'chán' doanh nghiệp xây dựng giao thông
Các Website khác - 19/12/2005

Đấu thầu giá thấp, kinh doanh thua lỗ, nợ lương, bảo hiểm người lao động, khó và không có khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng... Đó là thực trạng của rất nhiều doanh nghiệp giao thông vận tải từ nhiều năm nay. Họ cũng đang nằm trong tầm ngắm xiết nợ của các ngân hàng.

Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp phải trả lãi vay ngân hàng tới 100 tỷ đồng, gấp cả chục lần lợi nhuận sau thuế được công bố. Ảnh: TBKTVN.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã lên tới con số hơn 19.500 tỷ đồng. Phần lớn số nợ này nằm ở trong tình trạng khó trả, nợ xấu khiến cho các ngân hàng ngày càng "cảnh giác" cao độ, cân nhắc rất kỹ khi đặt bút ký cho vay vốn cho các doanh nghiệp để triển khai các dự án giao thông.

Kinh doanh thua lỗ đang đẩy các doanh nghiệp trong ngành giao thông vào sự bế tắc và đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó, các ngân hàng - bà đỡ của các doanh nghiệp - đang quay lưng với các dự án để chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực khác có ít rủi ro hơn và có hiệu quả cao hơn, khiến cho tình hình càng trở nên khó khăn.

Theo số liệu báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về tình hình tài chính năm 2004 của một tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải, vốn chủ sở hữu của đơn vị này chỉ chiếm tỷ trọng 3,81%, tương đương với 96,3 tỷ trong tổng số 2.544 tỷ đồng).

Lãnh đạo của tổng công ty này cho biết, mỗi khi triển khai các dự án, ngoài số tiền tạm ứng từ 10-15% giá trị hợp đồng, số còn lại hầu hết số kinh phí dùng để mua vật tư, trả lương nhân công tổng công ty đều phải vay vốn ngân hàng. Điều này cũng đồng nghĩa, dự án càng lớn thì vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp để đầu tư vào công trình lại càng nhiều.

Thực tế, có nhiều đơn vị trong ngành, trung bình mỗi năm phải trả lãi vay ngân hàng tới 100 tỷ đồng, gấp cả chục lần lợi nhuận sau thuế được công bố. Đó là chưa kể, các khoản nợ đọng khối lượng công trình mà Nhà nước và các chủ đầu tư địa phương nợ các doanh nghiệp giao thông vận tải trong vài năm trở lại đây đã lên tới con số hàng nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp "kêu gào" nhiều lần, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng đến tận các địa phương, nơi mà các doanh nghiệp thuộc Bộ đầu tư vào các công trình, song tình hình vẫn không cải thiện là bao. Công trình hoàn thành lâu mà chủ đầu tư vẫn chưa thanh toán hết. Điều này làm cho các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn trong việc trả nợ vốn vay ngân hàng, trả lương và bảo hiểm cho người lao động. Con số này theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cũng lên tới 2.000 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào tốc độ quay vòng vốn. Tại các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, để có thể thu được lợi nhuận vòng quay của đồng vốn phải đạt tối thiểu 2,5 lần/năm. Trên thực tế, do các thủ tục nghiệm thu, giải ngân rườm rà, vốn của nhiều doanh nghiệp liên tục đọng tại các công trình, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn trong nước nên vòng quay vốn chỉ đạt từ 1-1,5 lần/năm.

Chính khả năng sinh lời bị giảm sút nghiêm trọng, doanh nghiệp không thể thanh toán vốn vay ngân hàng đúng hạn nên việc bị chuyển thành nợ quá hạn với mức lãi suất cao hơn bình thường là chuyện khá phổ biến.

Điều khiến các doanh nghiệp lo lắng hơn là ngay cả các dự án xây dựng hạ tầng theo hình thức BOT cũng đang bị một số ngân hàng thương mại từ chối cho vay vốn.

Một quan chức của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, nếu động thái này lan rộng thì sẽ là một lực cản cho định hướng phát triển của ngành giao thông vận tải và của tuyệt đại bộ phận doanh nghiệp trong ngành. Không những khó vay vốn, nhiều nhà thầu phải chấp thuận một mức lãi suất cao hơn bình thường do bị liệt vào "nhóm có nguy cơ để xảy ra nợ quá hạn, nợ xấu".

Trường hợp công ty BOT cầu Rạch Miễu là một ví dụ. Dự án mới đầu do Cienco 5 đứng đầu liên doanh BOT đầu tư, nhưng vì không có vốn đầu tư và nợ nần ngân hàng chồng chất nên đơn vị này không thể tiếp tục vay vốn. Mãi tới đầu năm 2003, Chính phủ phải chấp thuận thay đơn vị đứng đầu liên doanh BOT mới, trong đó giao cho Cienco 1 đứng đầu, góp 51% vốn.

Tuy nhiên ngay cả khi có sự thay đổi liên doanh đầu tư thì việc vay vốn cho dự án BOT này cũng gặp rất nhiều khó khăn từ phía các ngân hàng tài trợ vốn. Nguyên nhân chính cũng vì các đơn vị đứng tên chủ đầu tư dự án đều đang có những khoản nợ tại các ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Phải mãi tới gần đây, bằng sự bảo lãnh của Chính phủ, dự án này mới thu xếp được vốn.

Hay như dự án BOT An Sương - An Lạc (quốc lộ 1A TP HCM), do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận Bộ Giao thông Vận tải quản lý, liên doanh gồm Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (Bộ Xây dựng) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 và 8 đầu tư và thi công cũng nằm trong tình trạng này.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng thương mại đang có những động thái chuyển hướng kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực khác mà theo họ là ít rủi ro hơn, hiệu quả hơn và khả năng thu hồi vốn nhanh hơn khi đầu tư cho các dự án giao thông. Theo các doanh nghiệp, nếu ngân hàng không tiếp tục cho vay trung và dài hạn sẽ là một đòn giáng mạnh vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp khi đầu tư BOT để tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, theo một quan chức của Bộ Giao thông Vận tải, điều đáng lo ngại nhất chính là tác động của việc chuyển hướng đầu tư tới chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khi hàng loạt các dự án BOT cầu, đường tới đây có nguy cơ không thể triển khai được vì sự ngoảnh mặt, hờ hững của các ngân hàng.

(Theo TBKTVN)