Sát Tết, dòng tiền ngân hàng chảy ra mạnh
Các Website khác - 25/01/2006

Mới bước chân vào Ngân hàng Ngoại thương (VCB) chi nhánh TP HCM sáng 24/1, chị Minh vội vàng tới ngay bàn tiếp tân để bấm số thứ tự giao dịch, những mong sớm được rút 10 triệu đồng về quê ăn Tết. 30 phút sau, loa của giao dịch viên mới gọi tới số của chị.

Là kế toán của một công ty nước ngoài, cuối năm rất bận rộn với công việc sổ sách, nên chị đã tranh thủ đến ngân hàng từ đầu giờ sáng. Nhưng mãi hơn 9 giờ chị mới rút được số tiền trên. "Ngày thường tôi chỉ cần bấm số và chưa kịp ngồi xuống ghế chờ thì tiếng loa phát thanh ngân hàng đã gọi tới quầy để giao dịch. Còn nay, chờ gần 20 phút rồi mà vẫn chưa được. Trong khi, công việc cuối năm bù đầu bù cổ", chị than.

Khách hàng đến giao dịch tại các ngân hàng đang quá tải. Ảnh: L.D.

Không chỉ có trường hợp chị Minh mà hầu hết khách hàng đến giao dịch (kể cả rút tiền và gửi tiết kiệm) ở trụ sở và các chi nhánh cấp một của ngân hàng trên địa bàn thành phố đều phải ngồi chờ rất lâu. Tại chi nhánh VCB TP HCM khách ngồi chật cả 2 dãy ghế chờ. Thậm chí nhiều khách hàng chờ lâu nóng ruột bỏ về trước khi đến lượt giao dịch mặc dù đã tranh thủ đến rất sớm.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Giám đốc VCB chi nhánh TP HCM cho biết, tình hình giao dịch trong những ngày gần đây tại ngân hàng này tăng gần gấp đôi so với ngày thường, trung bình khoảng 5-10 tỷ đồng mỗi ngày. Tiền huy động tiết kiệm và tiền gửi thanh toán cũng tăng gấp đôi so với tháng trước. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ con số cụ thể.

Theo ông Thanh, thường những ngày gần Tết khách hàng đến giao dịch bao giờ cũng đông hơn. Những người có nhu cầu mua sắm, tiêu xài Tết và doanh nghiệp thanh toán tiền lương cho công nhân thường đến ngân hàng để rút tiền. Riêng giới buôn bán thì đến gửi tiền sau một thời gian kinh doanh hàng Tết. "Hiện nay người rút tiền nhiều hơn người gửi nhưng chắc chắn một, hai ngày tới tình hình sẽ ngược lại. Lúc này, thương lái đã kết thúc mùa buôn bán cao điểm trong năm. Họ gửi tiền vào ngân hàng để sinh lời và đảm bảo an toàn", ông Thanh giải thích.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Ngân hàng Á Châu (ACB), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Eximbank... Ở đây, lượng giao dịch tăng gấp đôi, gấp 3 so với tuần trước. Một cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết, nhìn chung năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày cận Tết nhu cầu giao dịch của khách hàng tăng mạnh. Đặc biệt, vào các ngày 28, 29 Âm Lịch, lượng người đến gửi tiền tăng khoảng 3 lần so với trước đó nên khó tránh khỏi việc quá tải. Hiện tại Eximbank chi ra trung bình 100 tỷ đồng/ngày. Trong khi huy động tiết kiệm khoảng 20 tỷ đồng/ngày, chưa kể các kênh huy động khác.

Trao đổi với VnExpress, ông Võ Trọng Thủy, Phó giám đốc ACB thừa nhận, hiện lượng tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp và hộ cá nhân tăng chậm. Lý do là họ cần để chi trả tiền lương cũng như tiêu dùng trong ngày Tết. Ngược lại, tiền gửi tiết kiệm có xu hướng tăng cao.

Cũng theo ông Thủy, ACB đã huy động hết toàn bộ đội ngũ nhân viên để kịp thời phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, do lượng khách quá nhiều nên ngân hàng không thể đáp ứng kịp.

Nhân viên ngân hàng ở TP HCM phải làm việc đến hết ngày 28 Tết và bắt đầu làm việc từ ngày mồng 6 Tết. Đặc biệt, bộ phận quản lý hệ thống máy rút tiền tự động phải chia ca trực 24/24 giờ. Riêng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, nhân viên và cán bộ phải chia ca trực trong suốt mấy ngày Tết nhằm đáp ứng kịp thời việc chi tiền cho các ngân hàng thương mại.

Nguyễn Thùy