Tập đoàn nhà nước không thực hiện tốt phần việc của mình thì người đại diện vốn nên trả lại vị trí chủ tịch hay tổng giám đốc, thay vì xin trả lại những phần việc khó", chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nói về việc sử dụng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước lớn.
TS. Nguyễn Đình Cung. Ảnh: N.C.
TS. Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM), bày tỏ sự kỳ vọng vào kế hoạch giám sát việc quản lý và sử dụng vốn tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông cho rằng, đợt giám sát có thể giúp phát hiện những "lỗ hổng" nếu có về sử dụng vốn.
- Ông nghĩ sao khi lần đầu tiên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có một đợt giám sát toàn diện việc quản lý và sử dụng vốn tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước?
- Tôi rất kỳ vọng. Hiệu quả sử dụng vốn tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước là vấn đề đáng quan tâm từ nhiều năm nay. Nếu nâng được hiệu quả tại các doanh nghiệp lớn của nhà nước thì sẽ tăng hiệu quả chung của cả nền kinh tế cũng như sức cạnh tranh.
- Trong nhiều năm nghiên cứu về doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô, theo ông điều gì đáng quan tâm nhất tại các tập đoàn và tổng công ty nhà nước?
- Đó là việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp, và tôi cho rằng, đợt giám sát nên tập trung vào việc này. Có thể đã có lỗ hổng trong cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Thực tế, có những cơ quan có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về các doanh nghiệp này, và nếu chịu áp lực mạnh, họ sẽ phải giám sát tốt việc thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước.
Nhưng tôi cũng thấy đáng mừng ở chỗ, sau đợt giám sát, từ thực tiễn, thành viên của đoàn giám sát sẽ phát hiện được những lỗ hổng, khiếm khuyết nếu có, và yêu cầu củng cố, thiết lập cơ chế để nâng hiệu quả. Trong mỗi doanh nghiệp, chủ sở hữu là người quyết định việc quản trị công ty, nên nếu quy định không rõ ràng, thực hiện sẽ không có hiệu lực cao. Mặt khác, mọi người trong doanh nghiệp phải làm việc vì lợi ích của ông chủ, nhưng nếu chính ông chủ chưa biết quyền lợi của mình đến đâu thì sẽ khó có hiệu quả.
- Doanh nghiệp nói rằng cần tạo điều kiện hơn cho họ về cơ chế để hoạt động hiệu quả, trong khi người tiêu dùng vẫn than phiền, họ chưa thực sự được là "thượng đế". Ông nghĩ sao?
Ông Vũ Viết Ngoạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó đoàn giám sát: hiện đoàn đã phác thảo chương trình giám sát, trong đó sẽ đặt trọng tâm ở một số địa chỉ nhất định. Đợt giám sát này không đi vào từng vụ việc như một đợt thanh tra, mà nhằm đánh giá cơ chế chính sách, phát hiện những "lỗ hổng" nếu có. Thời gian qua đã có nhiều ý kiến về hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, và Quốc hội muốn có đánh giá chính thức về vấn đề này, để tránh những đánh giá phiến diện, và có hướng điều chỉnh nếu phát hiện vấn đề. Kết quả đợt giám sát sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 8 và trình Quốc hội vào tháng 10. Nhưng khi có thông tin bước đầu trong quá trình giám sát, đoàn giám sát có thể công bố một phần. |
- Tôi nghĩ rằng, cạnh tranh vẫn là cách tốt nhất để hoạt động hiệu quả, với doanh nghiệp nào cũng vậy. Các tập đoàn, tổng công ty cũng cần được coi như bất kỳ doanh nghiệp nào khác và hoạt động theo cơ chế thị trường. Mục tiêu của mọi doanh nghiệp là cung ứng sản phẩm với chất lượng tốt nhất và giá cả hợp lý nhất. Để làm được việc này, thì không có cơ chế nào khác ngoài cạnh tranh.
Và các cơ quan bên trên sẽ giám sát doanh nghiệp, có quyền “tuýt còi” khi họ có dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường của mình mà làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ví dụ, ngành điện lực chịu sự giám sát của Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương và Cục điều tiết điện lực.
- Ông đánh giá như thế nào về sức khỏe của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có khó khăn?
- Hoạt động của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phần nhiều hướng đến thị trường nội địa. Với đặc thù của mình, nên ngoại trừ doanh nghiệp hướng đến xuất khẩu như dệt may, giày da, thì họ chịu tác động ít hơn các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tất nhiên là tác động chung của khó khăn kinh tế không loại trừ một ai, nên cũng có doanh nghiệp trong số này khó vay vốn hơn, hợp đồng bị điều chỉnh, dự án với nước ngoài bị ảnh hưởng.
- Ông nghĩ sao khi đi ra đường, có thể thấy thương hiệu của các tập đoàn ở rất nhiều lĩnh vực, từ tài chính, tới bất động sản, khách sạn, taxi?
- Tôi cho rằng, chưa có cơ sở để kết luận về hiệu quả của đầu tư ngoài ngành, song đây có thể là một hệ quả của việc sử dụng vốn nhà nước chưa hiệu quả. Đầu tư ra ngoài ngành nghề chính khiến nhân lực bị phân tán ra nhiều lĩnh vực, và doanh nghiệp khó kiểm soát được hoạt động của chính mình. Cần có cơ chế để các doanh nghiệp này hoàn thành công việc chính của mình.
- Nhưng họ sẽ nói rằng có những phần việc rất khó, họ muốn trả lại?
- Vậy hãy trả lại vị trí chủ tịch hay tổng giám đốc, chứ không phải những phần việc khó khăn kia. Đó là trách nhiệm giải trình của những người đại diện phần vốn nhà nước, bởi họ đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Theo VnExpress
▪ Mời VIP kích cầu du lịch (21/02/2009)
▪ Bán hàng "kiểu miền Tây" (21/02/2009)
▪ Vietnam Airlines không tăng giá vé máy bay (21/02/2009)
▪ Đã có 150.000 người được cấp mã số thuế (21/02/2009)
▪ Du lịch giảm giá… “hết cỡ”! (21/02/2009)
▪ Tập đoàn điện lực lo mất vai trò độc quyền (21/02/2009)
▪ Tập đoàn điện lực lo mất vai trò độc quyền (21/02/2009)
▪ Nhà xây sai phép tràn lan do luật không nghiêm (21/02/2009)
▪ Kẻ khóc người cười trên sàn vàng (21/02/2009)
▪ Giá vàng chạm mốc 2 triệu đồng/chỉ (21/02/2009)