![]() |
Hà Kiều Anh cùng gia đình. |
Trong phần tranh luận lại quan điểm bào chữa của luật sư các bị cáo, đại diện VKSND TP HCM đã đề nghị tòa xem xét, xử lý khoản tiền 8,4 tỷ đồng của Hà Kiều Anh gửi trong tài khoản ngân hàng. Trước đó, Viện cũng đã đề nghị tịch thu số tiền 200.000 USD của hoa hậu.
Theo VKS, những lời khai của Thiều khi mới bị bắt đều thừa nhận từng chuyển vào tài khoản của Hà Kiều Anh. Bà Tăng Thị Tuyết Hạnh (thủ quỹ của Công ty Đông Nam) cùng 3 nhân viên kế toán khác của công ty cũng có những lời khai khẳng định đã nhiều lần tới ngân hàng Techcombank để chuyển tiền vào tài khoản của Hà Kiều Anh, với tổng số tiền là trên 8,4 tỷ đồng.
Cũng theo VKS, số tiền Nguyễn Gia Thiều có được từ hành vi buôn lậu điện thoại di động là rất lớn. Đã có khoảng 511 tỷ đồng, tương đương 33 triệu USD đã được chuyển thanh toán cho phía Công ty Đông Nam Hong Kong. Ngay bản thân Nguyễn Trọng Thăng cũng thừa nhận đã được Đông Nam Việt Nam chi trên 800.000 USD để chi xài. Từ đó, VKS đã đề nghị HĐXX xem xét, xử lý khoản tiền 8,4 tỷ đồng trong tài khoản của Hà Kiều Anh.
Tranh luận lại với VKS về vấn đề này, luật sư Phan Trung Hoài bức xúc: "VKS đã không thỏa mãn với đề nghị tịch thu 200.000 USD mà còn muốn đề nghị thu thêm số tiền 8,4 tỷ đồng của bà Hà Kiều Anh". Luật sư còn làm những người dự khán bất ngờ khi "truy" HĐXX: "Ai đã cung cấp việc Hà Kiều Anh không nhớ mã số két sắt cho tòa vì trong hồ sơ không thể hiện điều này".
Trước đó, hoa hậu cũng có những lời phát biểu bổ sung tranh luận lại quan điểm của VKS đã đề nghị tòa tịch thu số tiền 200.000 USD mà cơ quan điều tra đã tạm giữ khi tiến hành khám xét. Hà Kiều Anh nghẹn ngào: "Tôi thật bất ngờ khi nghe VKS đề nghị tịch thu số tiền 200.000 USD chỉ vì cho rằng tôi không chứng minh được nguồn gốc số tiền và vì tôi là vợ anh Thiều.... Tôi có tội tình gì khi quyết định kết hôn với anh Thiều? Liệu tôi có biết trước anh Thiều sẽ là một bị cáo đứng trước tòa hôm nay?". Hà Kiều Anh cũng giải thích về việc không nhớ mã số mở két sắt lúc đó là do "trong lúc hoảng loạn, việc tôi không nhớ ngay mã số két sắt để mở hoặc biết mà không dám mở vì quá lo sợ công an sẽ tịch thu số tiền của gia đình tôi, mà phải hỏi chồng tôi thì tôi có tội tình gì?".
Tranh luận lại quan điểm bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài và Hà Kiều Anh, đại diện VKS xác định: "đây là số tiền của Nguyễn Gia Thiều có được từ buôn lậu, trốn thuế, có liên quan đến việc phạm tội nên phải tịch thu sung công. Hà Kiều Anh và những người thân đã rất mâu thuẫn khi chứng minh số tiền ấy nhưng sự thật hiển nhiên số tiền ấy nằm trong két sắt riêng của Nguyễn Gia Thiều, chỉ có Thiều mới biết mật mã mở két.... Hơn nữa, xét về tâm lý, thời điểm ấy, Thiều bị bắt, Hà Kiều Anh đang ở trong tình trạng hiềm nghi cao, nếu biết có một lượng tiền lớn đến như thế đang ở trong két mà lại là tiền riêng của mình thì nhất định tiền này đã được chuyển đi nơi khác. Chúng tôi cho rằng, khi đó bà Hà Kiều Anh cũng không biết chính xác số tiền có trong két là bao nhiêu".
Về quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng chưa đủ căn cứ để buộc tội buôn lậu đối với Nguyễn Gia Thiều và bản thân Thiều trong quá trình tự bào chữa cũng đổ tội hoàn toàn cho hai đồng phạm chính là Phạm Anh Vũ và Huỳnh Tiến Dũng, cũng bị VKS bác bỏ. "Mặt hàng điện thoại di động cho đến nay Việt Nam cũng chưa sản xuất được hoặc hợp tác sản xuất với nhà sản xuất nước ngoài. Ngoài hàng nhập mậu dịch và quà biếu hợp pháp, số còn lại là hàng nhập lậu thoát khỏi sự tài định về thuế của cơ quan Hải quan Việt Nam" - VKS nhận định.
Thiều cho rằng "không hề chỉ đạo, không hề biết họ nhập hàng về Việt Nam và chỉ mua lại điện thoại của Vũ và Dũng", nhưng hai bị cáo này đều khẳng định, Thiều biết rất rõ các hành vi nhập lậu điện thoại, hầu hết điện thoại đều nhập về cho Công ty Đông Nam. Thực tế, "số hàng phi mậu dịch là sản phẩm mới, có chất lượng tốt giá cao nên Nhà nước không ban hành giá kịp. Nếu nhập mậu dịch thì giá thị trường sẽ rất bất lợi cho Thiều nên bắt buộc phải nhập phi mậu dịch bằng cách bắt tay với Vũ và Dũng để móc nối với hải quan" - VKS nhận định.
Đối với tội danh trốn thuế của Nguyễn Gia Thiều, theo VKS thì chính bị cáo cũng đã thừa nhận tại tòa, ý thức phạm tội của bị cáo đã rất rõ ràng ngay từ đầu khi thỏa thuận hạ giá mua thực tế cả nguồn hàng nhập từ nước ngoài lẫn mua trong nước. Số liệu đã được chính xác hóa trong quá trình điều tra.
Ngoài ra, VKS cũng lần lượt bác bỏ các quan điểm bào chữa của các luật sư, các bị cáo khác, giữ nguyên quan điểm luận tội của mình.
Khi được nói lời nói sau cùng, Nguyễn Gia Thiều dành nhiều thời gian để trình bày về sự đóng góp của mình trong việc phát triển thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam. Thiều cũng thừa nhận "có sai lầm nhưng không đến mức phải trả giá quá đắt như bây giờ". Theo Thiều, "Sai lầm này cũng có thể sửa chữa được nhưng tôi không có cơ hội... Tôi thấy ấm ức vì các cơ quan chức năng đã xử nặng tay với tôi". Cuối cùng, Thiều ngỏ lời xin lỗi gia đình vợ và "những người vì tôi mà phải đứng trước tòa".
Ngoài bị cáo Lương Thị Dương và Trần Hồng Thái vẫn một mực kêu oan, các bị cáo còn lại đều nhận tội và nói lời ân hận, xin được giảm nhẹ hình phạt.
Phiên tòa bước vào phần nghị án, sáng 30/11, HĐXX sẽ tuyên án
Nguyễn Hải
Theo dòng sự kiện: |
▪ Cả trăm hộ dân ở Đồng Mỏ (Lạng Sơn) là nạn nhân của nạn “vay khống” (25/11/2005)
▪ Quản lý hóa chất, kháng sinh dùng cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm (25/11/2005)
▪ Đánh cắp tài khoản qua mạng - thủ đoạn mới của tội phạm (25/11/2005)
▪ Cần làm rõ những sai phạm trong việc thuê Khách sạn Công đoàn, TP Việt Trì, Phú Thọ (25/11/2005)
▪ Bí thư thị ủy Sầm Sơn giao đất trái luật cho người thân (25/11/2005)
▪ Tạm giam 4 tháng ca sĩ Gary Glitter (25/11/2005)
▪ Mua hàng qua mạng Internet bằng tài khoản ăn cắp (25/11/2005)
▪ Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 (24/11/2005)
▪ Triệt xóa những "đại lý" trong đường dây ma túy liên tỉnh (24/11/2005)
▪ Công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình còn thiếu hướng dẫn (24/11/2005)